Nguyễn Nhật Ánh: Nhà văn "Best - Seller" mở tiệm sách

12/05/2012 11:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ngoài chủ nhân của hàng loạt tác phẩm “best-seller”, anh còn là chủ nhân hệ thống quán ăn Đo Đo, chuyên giới thiệu các món ngon xứ Quảng hợp với khẩu vị người miền Trung sinh sống tại TP.HCM. Mới đây, Nguyễn Nhật Ánh mở thêm một tiệm sách mang tên tác phẩm nổi tiếng của anh: Kính vạn hoa.

Mở tiệm sách với Nguyễn Nhật Ánh không đơn thuần là câu chuyện “thương mại” bán mua. Hơn thế, được làm chủ một tiệm bán sách là ước mơ từ thuở thiếu thời của ông nhà văn người Quảng Nam này. Nguyễn Nhật Ánh cho biết sẽ có rất nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa đọc diễn ra từ tiệm sách khiêm tốn này.



Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tặng quà kưu niệm cho hội viên CLB Đọc sách Kính vạn hoa

Nguyễn Nhật Ánh có cuộc trò chuyện cùng TT&VH.

Ước mơ thời thơ ấu

* Lâu nay sách của Nguyễn Nhật Ánh đều do người khác bán, giờ anh mở tiệm sách Kính vạn hoa có phải là muốn "khép kín" dây chuyền từ sản xuất đến tiêu thụ tác phẩm?

- Tôi chẳng nghĩ gì đến chuyện “khép kín”. Thực ra tôi đã thích mở tiệm sách từ rất lâu. Năm lớp 9, tôi được ba tôi chở đi thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), dắt vô tiệm sách Nam Ngãi. Cho đến lúc đó tôi mới tận mắt chứng kiến trên đời có một nơi tập trung nhiều sách đến vậy. Tiệm sách lúc đó đối với tôi giống như một ngôi đền thiêng liêng, một thế giới kỳ thú tuyệt vời. Lần đầu tiên đặt chân vô tiệm sách, tôi hồi hộp đến gần như nín thở, chân bước rón rén, tim đập thình thịch. Hồi bé, đọc sách, yêu sách, tôi mơ ước sau này sẽ trở thành nhà văn. Nhưng ngay từ lúc đó tôi nhủ bụng nếu không trở thành nhà văn thì tôi quyết trở thành chủ tiệm sách. May mắn là bây giờ tôi trở thành cả hai.

* Vậy tiệm sách của anh có khác gì những tiệm sách khác?

- Cái khác là có bán các tác phẩm của tôi đã được dịch sang tiếng nước ngoài, như: Mắt biếc bản tiếng Nhật hay Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Thái Lan. Khi Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Anh và tiếng Hàn in xong, kể cả tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua được một nhà xuất bản ở Nga in như một giáo trình, các sách đó cũng sẽ được bày bán ở đây. Ngoài ra, tiệm sách Kính vạn hoa cũng bán các sản phẩm lấy ý tưởng từ sách Nguyễn Nhật Ánh như ống kính vạn hoa, các loại áo thun in tranh minh họa, các postcard và thiệp tặng in thơ.

* Hiện nay có siêu thị sách, nhà sách, hiệu sách... nhưng Nguyễn Nhật Ánh lại gọi nơi bán sách của mình là “tiệm sách”? Xin hỏi tại sao?

- “Tiệm” là biến âm của từ “điếm” trong tiếng Trung Quốc (như khách điếm, tửu điếm, phạn điếm...), có nghĩa là quán. “Tiệm sách” vì vậy về nội dung cũng giống như “hiệu sách”, “nhà sách”, “cửa hàng sách”... thôi. Nhưng có một thời chúng ta quá quen mắt với “hiệu sách quốc doanh”, “cửa hàng bách hóa” nên tôi muốn gọi khác đi. Qua cách đặt tên này, tôi cũng muốn ôn lại kỷ niệm tuổi thơ của mình ở một thị trấn nhỏ với cách gọi thân thuộc: tiệm nước, tiệm rượu, tiệm thuốc Bắc, tiệm thuốc Tây, tiệm tạp hóa...

Địa chỉ văn hóa…

* Nguyễn Nhật Ánh có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, “best-seller”, tại sao anh chọn tác phẩm Kính vạn hoa đặt tên cho tiệm sách của mình mà không phải là tên của những tác phẩm khác?

- Kính vạn hoa là bộ truyện nhiều tập, viết về cuộc sống đa dạng của tuổi học trò, là tác phẩm gần gũi nhất với các độc giả nhỏ tuổi của tôi. Bộ truyện này có tới 54 tập, tôi viết ròng rã trong 7 năm không nghỉ (sau này viết thêm các tập mới trong 3 năm nữa) nên nhiều em lúc bắt đầu đọc Kính vạn hoa thì đang học lớp 6, đến khi đọc xong bộ truyện thì đã lên đại học hồi nào không hay. Vì nhiều độc giả của tôi lớn lên cùng bộ truyện này nên tôi nghĩ cái tên Kính vạn hoa là tiêu biểu nhất và thích hợp nhất để đặt tên cho tiệm sách.

* Tiệm sáchKính vạn hoanằm cạnh “hệ thống” quán ngon xứ Quảng Đo Đo do anh làm chủ trong một con hẻm nhỏ. Khi đói bụng thì dù hẻm nhỏ người ta cũng tìm vào, nhưng chưa chắc người ta vào hẻm để mua sách. Điều gì khiến anh tự tin mở tiệm sách này?

- Đúng vậy. Ăn là nhu cầu thiết yếu, không có không được, còn đọc thì không hẳn. Nhưng như tôi đã nói, tôi ước mơ mở tiệm sách từ bé nên khi có điều kiện là tôi mở, chứ cũng không tính toán gì nhiều. Nhiều bạn bè trong nghề thấy tôi mở tiệm sách trong hẻm, ai cũng trố mắt, lo lắng cho tôi. Nhưng tôi tin với thời gian, tiệm sách sẽ có nhiều khách lui tới.

* Quán Đo Đo giới thiệu món ngon quê anh, vậy tiệm sáchKính vạn hoasẽ giới thiệu điều gì với người đọc ngoài “nhiệm vụ” bán sách?

- Hiện nay, tiệm sách vừa khai trương CLB Đọc sách, một kiểu thư viện bỏ túi có thu lệ phí giống như các thư viện khác, để đáp ứng nhu cầu đọc của các đối tượng không có nhiều tiền để mua sách. Qua CLB này, tôi cũng muốn giới thiệu những cuốn sách mà tôi thích và muốn chia sẻ với bạn đọc, như: Bác sĩ Zivago, Cuốn theo chiều gió, Trăm năm cô đơn, Bắt trẻ đồng xanh, Cuộc đời của Pi, Alexis Zorba v.v...

Sắp tới, CLB sẽ tổ chức cho các hội viên giao lưu, trao đổi về các tác phẩm cụ thể, và tổ chức các sự kiện nhỏ. Vừa qua, nhân ngày Sách và Bản quyền thế giới, tiệm sách cũng đã tặng sách cho thư viện của các trường THCS Tân Nhựt (Bình Chánh), Bình Quới Tây (Bình Thạnh), Bình Tây (Q.6) và thư viện khu phố 6, nơi tiệm sách đang tọa lạc. Tôi xem đó như là một trong những hoạt động của tiệm sách Kính vạn hoa.

Hoàng Nhân (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm