Nguyễn Cao Hiệp "phát minh" về hội họa vòng tròn

16/07/2008 11:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Hội họa Kết Nối (Circle Painting) do Nguyễn Cao Hiệp “phát minh” không còn xa lạ với công chúng trong và ngoài nước nữa. Và ngày 20/7/2008 tới đây, một chương trình Circle Painting sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 400 người. Nhưng đằng sau đó là gì? Giá trị hội họa của nó đến đâu? Họa sỹ Nguyễn Cao Hiệp tâm sự thẳng thắn với bạn đọc TT&VH về loại hình nghệ thuật này của anh.

* Cả đời gắn với vòng tròn

Ngày nọ, có một họa sĩ ngồi buồn và vô tình nguệch ngoạc vẽ những vòng tròn lên trang giấy trắng. Rồi, nhìn vào đó, anh nảy ra ý tưởng về một hình thức hội họa mới, bao gồm...toàn những vòng tròn. 8 năm sau, "phát minh" của anh chàng họa sĩ Việt Nam ấy đã được đón nhận tại nhiều nơi trên thế giới.
 
 Nguyễn Cao Hiệp trong một buổi
hướng dẫn nghệ thuật circle painting
Nghe qua, điều ấy tưởng như một chuyện đùa. Nhưng, với Nguyễn Cao Hiệp, đó là câu chuyện thật 100%, với những gì anh trải qua cùng Circle Painting- hình thức hội họa kết nối lấy vòng tròn làm chủ đạo. Kể từ năm 2000, Hiệp từng đi nhiều nước như Mỹ, Úc và các quốc gia Đông Nam Á để tổ chức thực hiện những chương trình Circle Painting khác nhau. Đặc biệt, năm 2007, nhân hội nghị ASEAN, Circle Painting đã được tổ chức tại Singapore với sự tham gia của Thủ tướng Lý Hiển Long, Thư ký thường trực ASEAN Ong Ken Young và nhiều vị lãnh đạo các quốc gia khác. Còn tại Việt nam, vào tháng 8 năm ngoái, một chương trình Circle Painting đã được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Hiệp. Các bức tranh này sau đó được bán đấu giá tại TP. HCM.

Nói ngắn gọn, cách thức vẽ một bức tranh theo hình thức Circle Painting khá đơn giản.Một sản phẩm của Circle Painting được thực hiện bởi nhiều người và không đòi hỏi gì về số lượng cũng như năng lực hội họa của họ Dù là người già, trẻ em, trí thức hay người lao động chân tay, họ chỉ cần vẽ lên vải bạt những nét bút hình tròn. Trên một khung nền được định trước, những vòng tròn đầu tiên được vẽ bởi một số "hạt nhân". Rồi tiếp tới những người khác, người khác... Mỗi người khi tham gia có thể tự do vẽ thêm, thay đổi hoặc mở rộng những hình vẽ của những người trước đó. Và cuối buổi, bằng những nét vẽ đơn giản bổ sung thêm của Hiệp, họa phẩm lạ lùng đó được hoàn thành.
 
 Một bức tranh được thực hiện theo hình thức circle painting
* Chất lượng... khó đoán trước!

Buổi Cirle Painting tới đây sẽ diễn ra tại công viên Thống Nhất trong ngày 20/8/2007, với hạt nhân đăng kí ban đầu là hơn 100 tình nguyện viên. Họ và những người tới tham dự sẽ thực hiện hai bức tranh, bức thứ nhất có kích thức 2,5x4m và bức thứ hai được ghép từ 16 bức tranh nhỏ với kích thước 1x1 mét. Sau khi hoàn thành, 2 họa phẩm đặc biệt này sẽ được triển lãm tại Hà Nội trong tháng 8, sau đó sẽ được mang đấu giá vào 3 tháng cuối năm 2008. Toàn bộ số tiền thu được sẽ sử dụng cho mục đích từ thiện theo cam kết trong từng phiên đấu giá ấy.

Sang Mỹ từ năm 1991, Hiệp đã làm đủ nghề để kiếm sống, ngay cả sau khi anh hoàn thành chương trình đào tạo về Mỹ thuật tại Đại học Cal State Long Beach. Để rồi, đến bây giờ, khi đã trở thành một giảng viên Mỹ thuật học tại ĐH Califoocmia, Hiệp mới chỉ có dịp về nước 3 lần duy nhất.


Ngoài mục đích và ý nghĩa xã hội, chất lượng thật sự của một họa phẩm theo hình thức Cirle Painting sẽ là như thế nào? Câu hỏi ấy được một phóng viên đặt ra cho Hiệp trong buổi họp báo vào hôm qua 15/7. Anh trả lời: chất lượng của họa phẩm như vậy là...rất khó đoán trước, bởi bức tranh phụ thuộc nhiều vào lượng người tham dự và những nét vẽ của họ. Đó cũng là một điều thú vị - như lời Hiệp- bởi cả anh lẫn người thực hiện đều cầm cọ vẽ với tâm trạng náo nức chờ xem tác phẩm được hoàn thiện thế nào. Anh kể về một trường hợp độc đáo: Trong lần thực hiện một buổi Cirle Painting tại một thành phố thuộc Indonesia, tất cả số sơn màu mang theo đều đến trễ về thủ tục hải quan. Không còn cách nào khác, Hiệp đành lấy 5 hộp màu nhỏ- những hộp màu mà anh luôn mang theo bên mình- ra hòa loãng để mọi người cùng vẽ. Và thật đặc biệt, đó là một trong những bức tranh được mọi người đánh giá cao nhất, khi màu sơn pha loãng giúp họa phẩm mang dáng dấp của một bức tranh vẽ bằng màu nước. 
 

Phải chăng, giống như những tư tưởng triết học của Thiền, hành trình đến với chân lý thì quan trọng hơn là bản thân chân lý đó? Vì họa phẩm đẹp tới mức nào cũng chẳng thể sánh với hạnh phúc mà một buổi Circle Painting mang lại cho những người tham gia.
 
Thanh Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm