Người trao sách

23/04/2011 11:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Mới đây trong giới truyền thông rộ lên câu chuyện văn hóa đọc. Cách đây mười năm, các báo có hẳn một diễn đàn về văn hóa đọc, lo lắng sách điện tử và truyền hình liệu có soán ngôi. Những câu chuyện ấy hay khiến tôi lui về quá khứ. Chuyện là thế này:

Xóm Đồn có thêm một người mới chuyển đến. Ban đầu chỉ loáng thoáng biết ông người Quảng Nạp, chỗ đất giao nhau giữa Đại Từ và Định Hóa (Thái Nguyên). Dáng ông cao, người xương, ăn nói nhỏ nhẹ, đi đứng bao giờ cũng chậm rãi. Đặc biệt khi nhìn ông cày trên ruộng: cứ lững thững như người đi dạo. Có lẽ vì thế mà xá cày luôn thẳng. Còn con trâu thì thủng thẳng bước, chẳng bao giờ ông ra roi hoặc kéo thừng ghì mũi trâu như những thợ cày khác.

Lúc ấy xóm mới lác đác vài ba mái nhà nằm rải rác xung quanh căn nhà gạch của chủ đồn điền đã bị tiêu thổ trong kháng chiến, dấu vết chỉ còn vài mảng tường nhô lên như bạnh cây của một gốc cổ thụ. Mái tóc đẹp của ông luôn xõa che đi một phần vầng trán, tạo nên dáng thư sinh, lại thêm vẻ nghệ sĩ, nhưng thực tế ông lại là một nông dân thực thụ.  Công việc cày bừa cấy gặt ông thuần thục như mọi lão nông trong xóm.


Về sau tôi mới biết mình nhầm. Xuất xứ ông vốn là con nhà khá giả, nhưng do những biến đổi của xã hội, ông xuống hàng áo vải, theo thời và sống nhu thuận với cuộc đời. Tôi biết thế vì có lần ngồi trò chuyện, ông nhắc đến tác phẩm của các nhà văn Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... Hóa ra trong ông có hẳn một bồ sách. Biết tôi ham sách, ông vào buồng nhắc ra cho mấy cuốn. Và từ đấy tôi trở thành bạn vong niên của ông về văn chương chữ nghĩa.

Không ngờ giữa một làng quê hẻo lánh miền rừng lại có một người nông dân giữ cho mình một tủ sách âm thầm đọc một mình sau những ngày nắng mưa trên đồng. Nhưng với ông đọc sách chỉ là thú vui thôi. Lòng yêu văn chương của ông được khởi nguồn từ lúc trẻ trong một gia đình khá giả, có học, nay được tiếp nối. Tôi mừng vì có một nơi mượn sách, ông mừng vì có người hầu chuyện sách vở để chia sẻ cùng ông (mà cũng chỉ ngồi nghe ông chứ biết gì mà đàm đạo). Có lẽ ông cũng chỉ cần đến thế chứ cuộc sống của ông đã yên vị từ lâu.

Rồi tôi được biết thêm, mỗi lần đi chợ Mụ (nay là thị trấn huyện Đại Từ - Thái Nguyên), ông thường xúc vài ba đấu gạo xách theo bán rồi vào hiệu sách nhân dân ở thị trấn tìm mua vài cuốn ông thích. Đọc xong ông lại chìa sách cho tôi mượn. Âu cũng là cái duyên đời mà cuộc sống tạo ra cho tôi được cái may mắn có một cơ hội kiêm thêm hiểu biết qua cái giá sách cất trong buồng nhà ông.

Khi tôi thoát ly, ông buồn vì mất một người bạn. tôi biết thế vì mỗi lần nghỉ Hè đến thăm thì thấy ông sung sướng ra mặt, rồi lúi húi vào buồng bê những cuốn sách mới mua ra khoe với ý sẵn sàng cho mượn “nếu chú cần”. Thế mới biết chỉ đọc sách chơi thôi người ta cũng cần bạn đến nhường nào! Mà tìm bạn đọc ở vùng quê núi của tôi hiếm hơn cả sao băng bởi phần lớn bỏ trường từ khi hết lớp bốn. Khi đứng cao hơn cái hò cày một chút là đã nghĩ đến việc phải đi làm để gỡ cái ăn. Sách vở với chúng đều là thứ xa lạ, chả có gì cần thiết, chả cậy sách ra mà ăn được nếu không đi làm.

Nhà Phật hay nói đến chữ duyên. Đến bây giờ tôi mới ngộ ra cái sâu xa huyền bí của duyên vậy. Chính từ những cuốn sách trên cái giá sách trong buồng của ông đã gợi cho tôi mơ ước để học hết cấp hai, sang cấp ba và tìm đường đi tiếp. Ông thợ cày bất đắc dĩ ấy chắc cũng không ngờ người bạn vong niên của mình đã lấy đà vào con đường nghệ thuật từ những cuốn sách ông trao.

Hàng năm, mỗi lần về quê tôi đều ghé thăm nơi ông yên nghỉ và thắp lên mộ một nén nhang tưởng nhớ người trao sách (*).

(*) Viết để nhớ ông Chuẩn, người làng

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm