“Người ngựa, ngựa người” lên sân khấu tiếng Anh

03/01/2010 10:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối 31/12 vừa rồi tại sân khấu Super Bowl (A43 Trường Sơn, Q.Tân Bình, TP.HCM), Kịch Hồng Vân đã khai trương sân khấu thứ 3 của mình. Đêm diễn có 4 tiết mục chính, trong đó có kịch Người ngựa, ngựa người (nguyên tác: Nguyễn Công Hoan, ĐD: Đức Thịnh) bằng tiếng Anh. Vở kịch đã để lại ấn tượng tốt nơi người xem.

1. Nguyễn Công Hoan (1903- 1977) viết truyện ngắn Người ngựa, ngựa người vào ngày 11/2/1931, thời tuổi trẻ sung sức và đầy tiên tri về giai đoạn khốn cùng, đói kém của miền Bắc Việt Nam trước 1945. Người ngựa, ngựa người đã lên sân khấu nhiều lần, mà gần đây là qua cách thể hiện của danh hài Xuân Hinh và nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, cũng như danh hài Hoài Linh và nghệ sĩ Cát Phượng trong hai vở hài kịch ăn khách. Lần này, với sân khấu tròn, Đức Thịnh đã để cho cuốc xe đi lòng vòng, như sự luẩn quẩn của kiếp người: qua phận kéo xe và phận gái điếm. Đức Thịnh cũng đã chọn một cái kết khác, khi suốt đêm giao thừa cô gái điếm không bắt được khách, không có tiền trả cho người kéo xe, nên định trả bằng “tình”. Thế nhưng người kéo xe lại không nhận tình, nên buộc cô gái điếm phải làm phận kéo; để cuối cùng, người lái xe lại sốt sắng kéo xe cho cô đi tìm khách, trong nỗi éo le vô hạn và tiếng pháo của năm mới.


Một cảnh trong Người ngựa, ngựa người

2. Vì hướng đến học sinh nước ngoài và khách du lịch, nên cả 4 tiết mục trong đêm khai mạc đều được đầu tư về giá trị bề mặt, nghĩa là không quá xoáy sâu vào câu chuyện đặc thù của địa phương. Xu hướng của khách du lịch thường chú trọng đến văn hóa bề mặt, vì họ thường thích sự giải trí, không có đủ thời gian cho những nghiên cứu chiều sâu. Vở kịch Người ngựa, ngựa người cũng thế, dễ gần dễ hiểu, nhưng do câu chuyện được nhà văn phác họa quá đặc biệt, nên đã trở thành một lát cắt nhỏ, giúp người xem ở các nền văn hóa khác nhau cũng có thể hiểu được về một thời gian khó của Việt Nam.

Suốt câu chuyện, bằng một thứ tiếng Anh khá lưu loát, biết diễn cảm, Trấn Thành (trong vai người kéo xe) đã thực sự nối kết được những người khách viễn xứ với một câu chuyện địa phương. Cũng cần nói thêm rằng, vốn là một MC và người diễn hài kịch, trước đây người xem đã không thực sự hài lòng lắm với lối diễn tự phát, “diễn cương” của Trấn Thành trong các vở kịch tiếng Việt. Thế nhưng khi bước vào vở kịch tiếng Anh này, do không phải là tiếng mẹ đẻ, nên phải chú tâm nhiều hơn tới ngữ điệu và sự diễn cảm, “tính cương” trong hành động diễn vốn có của Trấn Thành đã chìm xuống, nhường chỗ cho sự tinh tế, sâu lắng hơn. Nếu ai từng theo dõi các vai diễn của Trấn Thành trong khoảng một năm gần đây, thì sẽ thấy vai người kéo xe này khá chuẩn mực.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn một chút, kể từ khi Kịch 5B dựng vở Nỗi đau nhân loại (KB: Lê Duy Hạnh, ĐD: Shaun Mac Loughlin) hôm 24/9/2001, thì sân khấu TP.HCM gần như vắng bóng các vở kịch tiếng Anh. Vì thế, Người ngựa, ngựa người còn là một cố gắng mở ra một nhịp cầu liên thông văn hóa. Những vấp váp, sai sót đều có thể cảm thông được, vì họ đang cố gắng đi trên một con đường không phải sở trường của mình.
 
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm