Người Italy kỷ niệm 30/4: Khi Việt Nam không chỉ là một cuộc chiến tranh

03/04/2015 00:33 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Một Việt Nam trong chiến tranh, với những góc nhìn và cách thể hiện từ nhiều phía, được thể hiện trên màn ảnh trong một chương trình điện ảnh đặc biệt mang tính "nhớ lại và suy nghĩ" đã được bắt đầu ở Rome từ hôm 31/3 và kéo dài trong một tháng, nhân kỉ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.

Đó là một chương trình rất đáng chú ý và tháng phim này được coi là một tâm điểm về nghệ thuật ở thủ đô của Italy trong thời gian này, do Quỹ phong trào Công nhân dân chủ Italy, Cục điện ảnh Italy, Bari Film Festival tổ chức dưới sự bảo trợ của chính quyền vùng Lazio và chính quyền thủ đô Rome.

31 bộ phim truyện, phim truyền hình và tài liệu của nhiều nước, từ Việt Nam, Cuba, Pháp, Mỹ và Italy làm trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, khi kết thúc chiến tranh và nhiều năm hậu chiến, sẽ được chiếu ở "Ngôi nhà điện ảnh Italy" trong công viên Borghese, và là một cơ hội để những người yêu điện ảnh và quan tâm đến cuộc chiến tranh này được xem lại những thước phim quý giá của nhiều đạo diễn nổi tiếng thế giới, nhiều trong số đó nay không còn nữa. 

Áp phích của tháng phim đặc biệt về Việt Nam ở "Ngôi nhà điện ảnh" tại Villa Borghese, trung tâm thủ đô Rome, Italy.

Những nhà tổ chức đã chia tháng phim thành 8 buổi chiếu, mỗi buổi dành riêng cho một tuyến phim, như chuyên đề về cái nhìn của điện ảnh tài liệu Pháp về chiến tranh Việt Nam, một buổi riêng cho các phim của Cuba, các tối đặc biệt cho điện ảnh Mỹ về cuộc chiến và hai tối cho các phim tài liệu do các nhà sản xuất người Italy nổi tiếng thực hiện ở Việt Nam.

Tất cả đã bắt đầu bằng đêm 31/3, với việc chiếu các phim do đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens (1898-1989) thực hiện trong các năm từ 1965 đến 1968. Đấy là những câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam trong những năm chiến tranh bắt đầu lan rộng ra miền Bắc cho đến Tết Mậu thân 1968. Những thước phim quý giá sẽ cung cấp một cái nhìn sinh động về cuộc chiến này, theo góc nhìn của một nhà làm phim ủng hộ nhân dân Việt Nam, ủng hộ chính nghĩa.

Một góc nhìn tương tự cũng có thể được cảm nhận từ 4 phim sẽ chiếu vào tối 14/4 của nhà làm phim người Cuba Santiago Alvarez thực hiện từ năm 1967 đến 1975. Alvarez, một người có cảm tình đặc biệt với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã sử dụng các phim của mình để ca ngợi nhân dân Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh như 79 mùa xuân làm năm 1969. Trong số các phim Pháp được chiếu trong tháng phim về chiến tranh Việt Nam có một phim tài liệu từng đoạt Oscar cho thể loại này vào năm 1968, phim The Anderson platoon của cố đạo diễn người Pháp Pierre Schoenderfer. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên phim này được chiếu ở Italy.

Hầu hết các phim Mỹ trong chương trình này là các phim tài liệu, như các phim kể về quá trình làm các phim kinh điển của Hollywood về số phận của những người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam Apocalypse Now hay Platoon, hay những phim hồi tưởng của nhân vật đã từng tham gia chiến tranh, như phim The Fog of war (2003), với những suy nghĩ của cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara về chiến tranh nói chung và cuộc chiến ở Việt Nam nói riêng.

Phim The Anderson platoon (1967) của Pierre Schoenderfer

Trong số các phim được chiếu, có bộ phim truyện của đạo diễn Hal Ashby có tựa đề Coming home (1978), về câu chuyện tình tay ba giữa một phụ nữ trẻ (Jane Fonda đóng), người chồng là lính thủy đánh bộ bị điều động sang Việt Nam (Bruce Dern) và một thương binh vừa từ cuộc chiến trở về (John Voight đóng). Fonda và Voight đã đoạt giải Oscar cho các vai diễn của mình trong phim này.

Đáng chú ý là trong số các phim Pháp và Italy được chiếu trong dịp này, bên cạnh các phim tài liệu kinh điển phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh tại Việt Nam, có phim Loin du Vietnam (Xa Việt Nam, 1967) do nhà làm phim Chris Maker với một số nhân vật có tên tuổi trong điện ảnh Châu Âu, như Jean-Luc Goddard, thực hiện. Đấy là một bộ phim mô tả những mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội Phương Tây khi phong trào phản đối chiến tranh bắt đầu dâng lên ở Mỹ và các nước Châu Âu, dẫn đến sự bùng nổ của hàng loạt các cuộc tuần hành, biểu tình ở các nước này vào mùa xuân 1968.

Một cảnh trong phim Vĩ tuyến 17: Việt Nam trong chiến tranh (1968) của Joris Ivens.

Riêng về phần phim Việt Nam được chiếu, có các phim kinh điển của điện ảnh cách mạng như Cô giáo Hạnh (1966), Du kích Củ Chi (1967), Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1969), Lên đường ra trận (1969), Những người dân quê tôi (1971) và Em bé Hà Nội (1975). Nhiều trong số các phim này đã từng được chiếu ở Italy trong những năm trước kia, nhưng chưa có nhiều dịp để giới thiệu cho các khán giả trẻ sinh sau chiến tranh Việt Nam được tìm hiểu.

Theo ông Giandomenico Curi, một đạo diễn người Ý, người tuyển chọn các phim để chiếu trong dịp này, tháng phim về chiến tranh Việt Nam là để "chúng ta không thể nào quên được sự dũng cảm và anh hùng của một dân tộc, cũng như sự đoàn kết và hữu nghị của một thế hệ nhân dân Italy và thế giới còn trẻ vào thời điểm đó đối với nhân dân Việt Nam", và việc chiếu các bộ phim này là để cho "thế hệ trẻ nhìn thấy được rằng, xét cho cùng, Việt Nam là tên của một đất nước, một dân tộc, không chỉ là một cuộc chiến tranh".

Ông Curi cũng cho biết, những người tổ chức tháng phim này đang lên kế hoạch để chiếu nhiều phim liên quan đến chiến tranh Việt Nam ở nhiều thành phố của Italy, như Milan, Cagliari, Napoli, Rome, cho nhiều trường tiểu học và đại học để hiểu hơn về bản chất của cuộc chiến và về sự anh hùng của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.

Tháng phim về Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 30/4, tròn 40 năm ngày cuộc chiến chính thức chấm dứt.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm