Người biểu diễn sẽ được 30% thù lao tác quyền

07/07/2012 06:43 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Theo bản dự thảo của thông tư liên tịch của Bộ VH,TT&DL, Bộ Tài chính và Bộ TT&TT, lần đầu tiên, tổng mức thù lao tác quyền sẽ được quy định chia theo tỷ lệ 35 % (tác giả), 30% (người biểu diễn) và 35 % (nhà sản xuất, ghi hình).

Trong cuộc tập huấn có tên Các quy định của Pháp luật Việt Nam và Quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua 6/7), đại diện Cục bản quyền tác giả cho biết: Sau nhiều lần điều chỉnh cho phù hợp với hiện tại, dự thảo thông tư đã làm tới lần thứ 6 và sẽ tiếp tục được lấy ý kiến từ các chuyên gia trước khi ban hành. Được biết, một khi thông tư liên tịch ra đời, chắc chắn sẽ không còn lặp lại những tranh chấp như hiện nay. Trong một số trường hợp, tổng mức thù lao sẽ được chia theo tỷ lệ 35 % (tác giả), 30% (người biểu diễn) và 35 % (nhà sản xuất, ghi hình).



Rất nhiều điểm mới trong quy định về quyền tác giả được bàn tới tại cuộc Tập huấn.

Bên cạnh đó, một bảng biểu giá cố định về mức thanh toán tác quyền cho tác phẩm khi sử dụng trên sóng truyền thanh, truyền hình hoặc kinh doanh thương mại... cũng sắp được ban hành.

Cụ thể, khi áp dụng, biểu giá trên sẽ được sử dụng làm cơ sở thanh toán nhuận bút khi các bên liên quan không đạt được sự nhất trí về tác quyền. Đối tượng của mức giá này là những tác phẩm đã được công bố, được sử dụng trên sóng truyền thanh truyền hình, kinh doanh bưu điện, nhà hàng khách sạn, và được xếp vào nhóm tác phẩm mà người dùng không cần xin phép khi sử dụng.

Theo đó, với sóng truyền thanh, các ca khúc âm nhạc sẽ có mức giá 5.000 đồng/lượt phát hoặc 1 triệu - 3 triệu/năm (nếu dùng làm nhạc hiệu chương trình). Với sóng truyền hình, ca khúc có mức giá 200.000 -  300.000 đồng/lượt phát hoặc 2 triệu- 5 triệu/ năm (nếu dùng làm nhạc hiệu). Tương tự, trong trường hợp là tác phẩm văn xuôi, mức giá sẽ là 2.000 - 5.000/phút cho mỗi chương trình truyền thanh.

Đối với các dịch vụ kinh doanh khác, nhiều cách tính phí tác quyền sẽ được áp dụng, chẳng hạn như tính theo diện tích (số phòng, số m2, số ghế, sức chứa trong hội trường....) của những nhà hàng, vũ trường, quán giải khát.... có sử dụng âm nhạc để kinh doanh hoặc tính theo mức vận chuyển (số hành khách, số km di chuyển) của các hãng vận tải hàng không và đường sắt. Trong trường hợp dùng làm nhạc chờ của dịch vụ bưu chính viễn thông, tác phẩm âm nhạc có thể được tính theo số lần sử dụng (dao động từ  150.000 - 1 triệu đồng/ năm) hoặc theo gói tác phẩm (từ 4 triệu- 8 triệu).

    Cúc Đường
  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm