Ngôi trường trung học và ngày thơ tầm cỡ quốc gia

28/02/2010 11:07 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 26/2 vừa qua (tức ngày 13 tháng Giêng Canh Dần), tại Trường THCS Nguyễn Du (Q. Gò Vấp, TP.HCM) đã diễn ra Ngày thơ VN và Kỷ niệm 245 ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu Ngày thơ VN tại trường này cũng dừng ở mức “phong trào hưởng ứng”. Đáng bàn bởi, Ngày thơ VN ở một trường học lại có sự tham gia của nhiều trí thức đầu ngành và các nhà thơ tên tuổi. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà giáo Lê Thị Hồng Việt - Hiệu trưởng nhà trường.

Kỷ lục trên 90% học sinh làm thơ

* Thưa nhà giáo, từ đâu trường Nguyễn Du có ý tưởng tổ chức Ngày thơ VN tại trường? Đó có phải là nguyện vọng và nhu cầu sinh hoạt của tập thể cán bộ thầy cô giáo và học sinh trong những dịp như thế này hay không?

Nhà giáo Lê Thị Hồng Việt
- Trước hết vì Trường THCS Chuẩn quốc gia Nguyễn Du là đơn vị giáo dục toàn diện, trong đó không thể thiếu tầm quan trọng của thơ ca như một hạt nhân của tâm hồn. Tổ văn của nhà trường luôn đi đầu trong việc này, đặc biệt NGƯT Lê Đức Hân - nguyên Hiệu trưởng nhà trường vừa là nhà văn, nhà thơ rất tâm huyết với sự nghiệp chăm sóc thế hệ trẻ, nhất là đời sống tinh thần.


Năm 2005, khi thầy Lê Đức Hân còn là hiệu trưởng, chính thầy là người đầu tiên đề xướng tổ chức Ngày thơ VN tại trường và dù tổ chức lần đầu nhưng rất hiệu quả, rất bổ ích cho thầy và trò... Chúng tôi rất vui khi Nguyên tiêu Xuân Canh Dần này, trường Nguyễn Du lại tổ chức Ngày Thơ VN và Kỷ niệm 245 năm ngày sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

* Lâu nay, dạy và học văn nói chung, học sinh than phiền nhiều bởi môn học này không hấp dẫn. Riêng thơ, học càng khó. Ở trường Nguyễn Du học sinh và thầy cô giáo đến với thơ có hào hứng không? Và Ngày thơ VN có phải là dịp để nhà trường “kích thích” tâm hồn yêu thơ trong các em học sinh?

 - Toàn trường rất hào hứng với thơ ca - con đường để đến với chân, thiện, mỹ. Hàng năm, nhà trường luôn tổ chức Hội thi thơ... Các lớp thi đua hưởng ứng nhiệt tình, năm nào cũng có ít nhất là 90% học sinh hưởng ứng và từng bước đã có nhiều tiến bộ về chất lượng. Năm 2008 - 2009 có tới 1.512 bài thơ/1.457 sĩ số học sinh tham gia. Đặc biệt Xuân Canh Dần năm nay có tới 2.750 bài thơ/1.626 sĩ số học sinh tham gia, chiếm tỷ lệ gần 170%.

Vì trường được mang tên Đại thi hào Nguyễn Du

* Ngày thơ VN năm nay, trường tổ chức với sự tham gia của nhiều tên tuổi uy tín như GS-NGND Hoàng Như Mai, GS Trần Hữu Tá, nhà thơ Vũ Quần Phương, Thanh Tùng, Trương Nam Hương... Điều này hẳn phải có sức hút mạnh, ít nhất là sức hút của cách thức tổ chức từ lần đầu. Sau Ngày thơ VN 2010, nhà trường có dự định tổ chức Ngày thơ VN hàng năm hay không?

- Trường Nguyễn Du chúng tôi chẳng có gì là “sức hút” hay bí quyết nào hết. Có chăng là có tấm lòng thôi. Sự có mặt của các bậc trí thức đầu ngành hay các nhà thơ tên tuổi trong Ngày thơ VN do nhà trường tổ chức không ngoài tấm lòng của chúng tôi dành cho thơ. Phía nhà trường, thực chất chỉ có lòng đam mê và ham muốn cho tình thầy trò càng được ấm áp hơn trong những dịp thế này. Rộng hơn là muốn bồi đắp tình cảm dân tộc, yêu quê hương đất nước cho các em học sinh thông qua những vần thơ. Và cũng vì trường chúng tôi vinh dự được mang tên Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Sau hai lần tổ chức được ủng hộ và đánh giá cao bởi các nhà thơ, trí thức uy tín, chúng tôi nguyện sẽ duy trì hoạt động này thường xuyên hơn.

* Trường mang tên Đại thi hào Nguyễn Du, cá nhân cô có nhận xét thế nào về tầm ảnh hưởng của cụ Nguyễn Tiên Điền với toàn thể học sinh nhà trường?


Các nhà thơ, trí thức dâng hương trước bàn thơ cụ Tố Như tại Ngày thơ VN trường Nguyễn Du
- Theo tôi, bất cứ danh nhân nào được đặt tên trường học đều có ảnh hưởng tốt đẹp. Vấn đề là nhà trường có phát huy được sức mạnh tiềm ẩn của danh nhân ấy không, như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm v.v... Tầm ảnh hưởng của từng danh nhân đối với học sinh một phần là do nhà trường đã biết vận dụng như thế nào và mức độ ra sao?

Nhà trường chúng tôi đã khai thác triệt để về nhân cách, đạo đức, tài năng, số phận và hoàn cảnh lịch sử của cụ Tiên Điền trong giáo dục học sinh. Khai thác ở cụ Tố Như tình yêu thương con người, nhất là tầng lớp khổ đau, nghèo đói, lòng căm thù cái xấu, cái ác... Tất cả được thể hiện qua những hoạt động của câu lạc bộ trường Nguyễn Du, những buổi chào cờ đầu tuần, các tiết mục văn nghệ, những hoạt cảnh về cụ Nguyễn Du, về Truyện Kiều, những câu chuyện lý thú về đời thường, quê quán của cụ v.v... Có năm chúng tôi tổ chức cho thầy và trò đi thăm mộ cụ Nguyễn Du ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Những hoạt động này của nhà trường đã bồi dưỡng tâm hồn học sinh về lòng nhân ái cao cả, về tình yêu thương bè bạn... không hề nhỏ.

* Xin cảm ơn nhà giáo!

Trạc Tuyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm