Nghi án 125 năm

01/03/2014 16:04 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Lễ Giáng Sinh 1888, có tiếng gõ cửa một nhà thổ ở miền Nam Pháp. Cô gái bán hoa Rachel nhận ra khách ruột của mình, nhưng hôm nay ông ta say bí tỉ và mặt mũi bê bết máu. Ông dúi vào tay cô một vật nhỏ và dặn phải giữ cẩn thận. Khi nhận ra vật gì được Van Gogh ấn vào tay, cô hét lên một tiếng và ngất xỉu. Đó là khởi đầu một nghi án hình sự chưa được phá cho đến hôm nay với hai họa sĩ thiên tài bị liên đới: Vincent Van Gogh và Paul Gauguin.

Mất trí hay mất trí nhớ?

Vincent Van Gogh thức dậy trong một vũng máu và không hề nhớ chuyện gì đã xảy ra đêm qua. Các nhà sử học cãi nhau đến tận bây giờ: họa sĩ mất tai trong khi say sưa hay vì đánh nhau? Người bạn ông, họa sĩ Paul Gauguin, đóng vai trò gì?

Sáng sớm hôm sau cảnh sát tìm thấy Van Gogh trên giường, tai trái bị cắt đứt, một phần sống chín phần chết vì mất rất nhiều máu. Người ta chở Van Gogh đến nhà thương. Tờ báo địa phương Le Forum Républicain đăng một tin ngắn về sự kiện này và chua thêm “nhất định đó là hành vi của một kẻ tâm thần đáng thương”. Bản thân nạn nhân không thể cung cấp thông tin nào, viện cớ là mất trí nhớ.


Vincent Van Gogh tự họa ở Arles 1888: do vẽ theo hình trong gương nên vết thương ở bên phải, trong khi thực tế ông tự cắt tai trái của mình

Vài tháng sau đó, vào quãng tháng 5/1889, Van Gogh tự xin nhập trại tâm thần. Một trong các thầy thuốc điều trị ông, bác sĩ Theophile Peyron, ghi lại: “Bệnh nhân đến từ nhà thương Arles do có nhiều ảo giác nghe nhìn. Trong một cơn động kinh, bệnh nhân đã tự cắt tai trái của mình, nhưng không nhớ được gì nhiều từ sự cố đó để kể lại”.

Vậy là người ta cũng chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Có nhiều lý thuyết được đặt ra. Trong trí nhớ tập thể của nhân loại, Van Gogh thường được coi là một thiên tài điên rồ, đó cũng chính là một phần vầng hào quang của ông. Trong thư từ, ông tự gọi mình là “kẻ điên”. Van Gogh thường xuyên đi nhà thổ, bị đổ bệnh giang mai nhiều lần, uống cồn ap-xin loại nặng thay cho rượu…

Sinh thời ông được nhiều bác sĩ khám, tất cả nhất trí rằng ông mắc chứng tâm thần phân liệt. Mỗi cơn động kinh kéo dài vài ngày cho đến vài tuần. Giám đốc Bảo tàng Van Gogh (Amsterdam) danh tiếng cả quyết: “Tôi không nghi ngờ là ông ta đã tự cắt tai mình”. Các nhà sử học nghiêng về khả năng Van Gogh đe dọa Gauguin với một con dao cạo, sau đó tự cắt tai mình.

Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Rita Wildegans thì đổ cho Gauguin là người làm bị thương bạn mình. Bà bỏ hẳn 10 năm để cùng nhà khoa học Hans Kaufmann viết cuốn Tai của Van Gogh: Paul Gauguin và nhóm cấu kết câm lặng dày gần 400 trang. Theo đó, Paul Gauguin là người gây sự và đã dùng kiếm chém đứt tai Van Gogh. Để chạy tội, ông rêu rao chuyện Van Gogh bị tâm thần và tự hủy hoại mình.

Thí nghiệm thất bại

Luận cứ của họ bị nhiều người phản đối, song ngay những người phản đối cũng công nhận rằng giữa Van Gogh và Gauguin có một mối quan hệ rất phức tạp. Hai người bạn, hay đúng hơn là đồng nghiệp, làm quen nhau ở Paris hồi 1887 và gặp nhau tương đối thường xuyên. Nhưng Van Gogh bỏ Paris lại sau lưng: “Ở Paris hầu như tôi không thể làm việc được”. Tháng 2/1888 ông đi Arles, tận dưới miền Nam Pháp, ở trong một ngôi nhà lớn với ý định tụ tập một nhóm nghệ sĩ chung sống. Vốn khâm phục Gauguin, Van Gogh mời ông về đây làm việc.


Một tác phẩm khác của Van Van Gogh, Ghế đá trong vườn Bệnh viện Thánh Paul

Đối với Gauguin thì đây chỉ là một phi vụ có lời: Van Gogh có một người em là Theo Van Gogh kinh doanh nghệ thuật, luôn hào phóng bỏ tiền nuôi anh mình. Theo Van Gogh hứa sẽ trang trải tiền đi lại và cả chi phí sinh hoạt cho Gauguin, nếu ông về cùng nhà với Vincent Van Gogh. Ở thời điểm đó Gauguin chưa được ai biết đến, ông về Arles vào ngày 23/10/1888.

Để đón Gauguin, Van Gogh vẽ đầy bốn bức tường toàn hoa hướng dương. Khu nhà tập thể của các bậc nam nhi này từ đó trở đi ngập tràn hương rượu, nhoe nhoét màu vẽ, song cũng không hiếm các cuộc tranh cãi nảy lửa: đơn giản họ là những cá thể dị biệt như nước với lửa. Van Gogh là người lắm mồm, đặc biệt khi đang vẽ, còn Gauguin yêu sự tĩnh lặng. Van Gogh ưa vẽ ngoài trời, Gauguin ở lì trong xưởng. “Ông ấy là một người có trí tưởng tượng lãng mạn, còn tôi ưa tìm về căn nguyên sự vật”, Gauguin than phiền trong một lá thư viết cho họa sĩ emile Bernard. Những tác phẩm ra đời trong thời kỳ này bị người đời dè bỉu, hôm nay không tiền nào trả nổi. Nhưng thí nghiệm của họ chỉ kéo dài được 9 tuần: “Vincent và tôi vì tính khí cực kỳ khác nhau nên không thể chung sống mà không cãi cọ”, Gauguin báo cho Theo Van Gogh.

Lễ Giáng sinh thiếu tình yêu

Đỉnh điểm của sự bất hòa diễn ra đêm 23/12. Ngày hôm sau, Van Gogh chỉ còn một tai, còn Gauguin ba chân bốn cẳng rời Arles về Paris. Trong hồi ký Trước và sau của mình, ông thuật lại cảnh bị người bạn hung hãn truy đuổi khắp Arles với con dạo cạo trong tay. Ông chỉ dùng ánh mắt để ngăn bạn lại. Sau đó Van Gogh về nhà và tự cắt tai mình. Về sau, ông tìm đến bệnh viện tâm thần ở Saint-Remy-de-Provence. “Tôi muốn được giữ lại ở đây, để tìm sự yên ổn cho mình và cho mọi người xung quanh”. Một phần của phác đồ điều trị là vẽ. Chưa bao giờ Van Gogh làm việc năng suất hơn. Trong một năm điều trị, Van Gogh cho ra đời chừng 150 tác phẩm, trong đó có nhiều cảnh khu vườn của nhà thương Thánh Paul. “Ở đây tôi hạnh phúc với công việc của mình, hơn bất cứ lúc nào bên ngoài”.

Ngày 27/7/1890, chỉ 19 tháng sau cái đêm máu me ở Arles - lúc đó Van Gogh đã quay về Paris - họa sĩ đi vẽ ở một cánh đồng ngô, và quay về với một vết đạn trên ngực. Hai ngày sau, 29/7/1890, ở tuổi 37, chưa công thành danh toại, Van Gogh lìa đời trên giường. Tự sát? Vì cậu em Theo vừa có con và sẽ ít chu cấp cho anh trai? Không muốn làm phiền gia đình lâu thêm? Chết để tăng giá tranh (trong tay Theo lúc này)? Vì bị cha một cô gái 21 tuổi không cho đính hôn? Tai nạn?

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm