Nghệ thuật trình diễn ra đường?

27/09/2008 09:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Trong gần một năm trở lại đây, tại các không gian công cộng của Hà Nội, Huế, T.p Hồ Chí Minh xuất hiện những hình ảnh "kì quặc": Một anh chàng sơn trắng từ đầu đến chân đứng giữa ngã tư hì hục sơn vạch chỉ đường. Anh khác đứng ven hồ Hoàn Kiếm, lấy từng xô bùn... trát lên đầu mình. Hoặc như một anh tự trói, buộc mình như món hàng ngồi đằng sau xe máy dạo quanh thành phố...

Người không biết thì tò mò đứng xem rồi bàn tán với nhau về những lố lăng hay trò điên. Người biết thì bảo cánh thanh niên ấy chính là các nghệ sĩ thị giác trẻ đang trình diễn tác phẩm của mình trong không gian công cộng...

Bàn về vấn đề làm thế nào đưa Nghệ thuật trình diễn (NTTD) “ra đường” có hiệu quả và được công chúng đón nhận, TT&VH Cuối tuần có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ thị giác Đào Anh Khánh (hiện đang là Giám khảo của cuộc thi tài năng NTTD do ĐSQ Đan Mạch tổ chức) và họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương)

* Suy nghĩ chung của hai ông về việc đưa NTTD ra đường phố thông qua hai dự án “Sneaky week” (Tháng 12/07) và “Ra đường” (Tháng 6/08)?

- Ns. Đào Anh Khánh: Xét về mặt hình thức, NTTD diễn ra trên đường phố không khác gì những tổ chức hoạt động nghệ thuật khác diễn ra ở nơi công cộng. Nếu có khác là ở chỗ NTTD không cần sân khấu, ánh sáng hay bất cứ hình thức hỗ trợ nào. Trong tác phẩm NTTD, nghệ sĩ đưa tác phẩm đến với công chúng mang tính hai chiều: nghệ sĩ tác động đến công chúng và công chúng tác động trở lại đến nghệ sĩ.
 
 Nghệ sĩ thị giác Đào Anh Khánh

- H.s Lương Xuân Đoàn: Khi đưa NTTD ra đường phố, cũng nghĩa là các nghệ sĩ đang muốn tìm kiếm công chúng mới cho mình. Đồng thời, họ cũng cho thấy bản thân họ rất có trách nhiệm với xã hội khi qua mỗi tác phẩm đưa ra những thông điệp về về môi trường, về sự lên xuống của kinh tế xã hội... mặc dù cái hay thì ít, cái dở thì nhiều.

* Vậy cái hay, cái dở khi đưa NTTD ra không gian công cộng theo hai ông là gì?

- Ns. Đào Anh Khánh: Theo tôi, cái được là lớp nghệ sĩ trẻ đã tìm ra con đường mới, hình thức nghệ thuật mới để phát triển tư duy của mình. Dù thành công hay không người ta đã nhận thức được họ có khả năng phát triển tư duy nghệ thuật.

- H.s Lương Xuân Đoàn: Khi đưa NTTD ra đường, nghệ sĩ đã dũng cảm đi tìm những cái mới trên con đường nghệ thuật của mình. Tìm cái mới là điều rất khó khăn, không dễ dàng và phải chấp nhận sự thất bại liên tiếp. Nhưng họ không vì thế mà giảm ý chí, đam mê. Khi làm tác phẩm trình diễn đồng nghĩa với việc nghệ sĩ không thể bán được tác phẩm ấy, nhiều khi phải bỏ tiền túi ra để làm nghệ thuật. Cái mà họ nhận được duy nhất chính là sự phản ứng của công chúng. Tuy nhiên, trong hai dự án đưa NTTD ra đường vừa rồi, các nghệ sĩ đưa tác phẩm ra không gian công cộng hết sức đột ngột, như thể làm một cuộc "đột kích". Điều đó làm cho công chúng không được chuẩn bị trước về tâm thế, tâm lý cũng như hiểu biết để cảm nhận được tác phẩm. Ngoài ra, một số tác phẩm phải ngưng lại nửa chừng vì bị cơ quan chức năng can thiệp.

* Liệu các nghệ sĩ thông qua các tác phẩm trình diễn đã đạt được yêu cầu ban đầu và cũng là yếu tố trọng điểm của mỗi dự án khi đưa NTTD ra nơi công cộng: Nối kết tác giả - tác phẩm – công chúng?

- H.s Lương Xuân Đoàn: Qua những gì chứng kiến có thể thấy rõ ràng một bên là nhu cầu cần thể hiện của nghệ sĩ, một bên là thái độ thờ ơ của công chúng. Công chúng thờ ơ là do bản thân họ không có bất cứ kết nối nào với chính nghệ sĩ, như vậy làm sao có được sự đồng cảm? Khi nghệ sĩ thực hiện tác phẩm của mình, đám đông vây xung quanh cũng là do tò mò chứ không phải bắt được tín hiệu. Sự thờ ơ của khán giả có thể làm họ chán nản nhưng quan trọng là họ đừng bỏ cuộc mà cần làm thế nào để công chúng đón nhận được tác phẩm của mình.
 
 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

- N.s Đào Anh Khánh: NTTD là cách thức tỉnh nghệ thuật theo hình thức mới. Cái mới này gây tác động đa chiều đến người xem. Tác động đầu tiên là gây tò mò, sau đó là sự chú ý, quan tâm… kể cả khi người xem chưa cần biết những người trình diễn kia có phải là nghệ sĩ hay không. NTTD có thể đến với công chúng ở bất kỳ trình độ văn hóa nào. Điều đó rất tốt cho người làm nghệ thuật. Khi nghệ sĩ trình diễn tác phẩm nơi công cộng, trong quá trình tương tác với công chúng, ngôn ngữ nghệ thuật cũng nằm ngay trong lòng công chúng, tác động trực tiếp lên hành vi, thái độ cư xử của người xem. Người xem có ủng hộ hay không đều trở thành yếu tố cấu thành lên tác phẩm. Theo cách tác động trực tiếp, nghệ sĩ phải đón nhận mọi phản ứng của công chúng. Một tác phẩm trình diễn thất bại là thái độ thờ ơ của người xem. Điều đó chứng tỏ nó không để lại dấu vết, không đánh thức được sự riêng tư và không kết nối được với người xem.

* Vậy có nên đưa NTTD ra đường phố, đến với người dân thường trong khi NTTD nhiều khi còn xa lạ đối với chính những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa?

- N.s Đào Anh Khánh: NTTD chính là mảnh đất mới cần khám phá. Mà cũng chính vì là mới nên nghệ sĩ còn đang ngỡ ngàng, còn thấy mập mờ mông lung. Tuy nhiên, nếu bản thân thấy hấp dẫn, thấy hứng thú thì họ cho đấy là cái cần phải làm. Khi thể nghiệm nghệ thuật mới thấy được cái hay-cái dở, cái nên-cái không nên. Đó cũng chính là con đường làm nghệ thuật chân chính.
 
 
 Khi thể nghiệm nghệ thuật mới thấy được cái hay, cái dở... (dự án “Sneaky week”)

- H.s Lương Xuân Đoàn: Theo tôi, tiếp thu được các tác phẩm NTTD thuộc về công chúng của tương lai. Công chúng hiện nay đến những loại hình nghệ thuật được gọi là cổ điển còn chưa được giáo dục một cách bài bản, cẩn thận thì cũng hết sức khó khăn cho việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật mới. Nếu chúng ta không làm việc giáo dục nghệ thuật từ phổ thông thì trẻ em không được trang bị mỹ cảm hay kiến thức để tiếp nhận các loại hình nghệ thuật. Vì vậy, hãy thông cảm nếu gặp phải sự thờ ơ, lãnh đạm của công chúng. Đến cả với triển lãm tranh, nhiều khi chỉ vì nể mà họ đến chứ đó chưa phải là nhu cầu hay thói quen cần thưởng thức nghệ thuật.

* Theo hai ông, làm thế nào để đưa NTTD đến với rộng rãi công chúng một cách hiệu quả nhất?

- N.s Đào Anh Khánh: Khi làm NTTD tại không gian công cộng có gây ra những xáo động không quản lý được thì ở bất cứ đâu cũng thế. Để tránh những vấn đề không kiểm soát được, gây nguy hiểm cho người xem, cản trở lưu thông trên đường phố, ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân hay cuộc sống thường nhật của của người dân… nghệ sĩ phải luôn có ý thức, tính được mọi vấn đề có khả năng xẩy ra và tuân thủ pháp luật. Như trường hợp một nghệ sĩ làm trình diễn gây ùn tắc giao thông quá lâu, quá dài là không được. Nghệ sĩ khi làm nghệ thuật ở nơi công cộng cần ý thức được tính cộng đồng, không thể là người bừa bãi. Đối với các hoạt động nghệ thuật trình diễn nơi công cộng có quy mô lớn, mức độ ảnh hưởng đến người dân cao thì nhất thiết phải xin phép các cơ quan chức năng để họ có những điều chỉnh phù hợp và kết hợp cùng với nghệ sĩ thực hiện. Tuy nhiên, việc chuẩn bị, sắp đặt quá kỹ cũng làm cho tác phẩm thiếu tính chân thực, phản ánh sai thông tin mà nghệ sĩ muốn cung cấp.
 
 Nghệ sĩ phải luôn có ý thức, tính được mọi vấn đề có khả năng xảy ra và tuân thủ pháp luật

- H.s Lương Xuân Đoàn: Dù thế nào, đã đặt ra việc cấp phép thì nghệ sĩ nên tôn trọng bằng việc xin cấp giấy phép cho hoạt động nghệ thuật của mình. Nghệ sĩ phải có tính thuyết phục không chỉ với tác phẩm mà còn tạo ra được niềm tin để người quản lý đồng ý cấp phép để đưa tác phẩm của mình ra nơi công cộng đến với đông đảo quần chúng. Và khi trình diễn tác phẩm, nghệ sĩ phải hòa nhập cũng như tuân thủ mọi luật lệ của không gian công cộng. Bên quản lý cũng cần mạnh dạn tin tưởng nghệ sĩ và cho phép họ hoạt động nghệ thuật. Đây là thời kỳ thử thách đối với những người làm công tác quản lý nghệ thuật, nhưng không có nghĩa là muốn từ chối thì đưa ra lý do “vi phạm thuần phong mỹ tục” hoặc viện những lý do chung chung.

* Xin cảm ơn hai ông!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm