Nghệ thuật đồ họa chữ: Sự sáng tạo vượt ngoài con chữ

11/12/2016 12:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Nghệ thuật đồ họa chữ quốc tế lần thứ 62 của Type Directors Club (New York) diễn ra tại Nhà trưng bày triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, TP.HCM) gợi cho chúng ta một cách nghĩ về sự chơi chữ theo đúng nghĩa đen.

Cuộc thi và giải thưởng thường niên của Type Directors Club (TDC) đang thuộc nhóm có uy tín nhất trong lĩnh vực này. Năm nay có khoảng 2.000 bài dự thi từ 49 quốc gia gửi tới, xếp theo các hạng mục thiết kế truyền thông và đồ họa chữ. Khoảng 400 tác phẩm đoạt giải được chọn triển lãm tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ba Lan, Thái Lan và Việt Nam.

Theo nhiều nghiên cứu cho biết đồ họa chữ có thể xuất hiện tại Đông Âu vào thế kỷ 15, do nhu cầu chế các con chữ kim loại từ công việc in ấn và từ phát minh máy in theo phương pháp hiện đại của Johannes Gutenberg (người Đức). Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nó có nguồn gốc từ thư pháp của Trung Quốc khoảng thế kỷ 11.

Vậy thì, trong cách nhìn thông thoáng nhất, đặc biệt trong thời đại kỹ nghệ như ngày nay, đồ họa chữ (typography) và thư pháp (calligraphy) có thể là hai anh em cùng cha mẹ. Cả hai đều tìm cách (nguồn gốc là thủ công) khiến các con chữ không chỉ là công cụ truyền đạt thông tin bình thường, mà phải trở nên đẹp, có tính nghệ thuật, mới mẻ, sáng tạo, và cả tính khoa học nữa.


Nhìn 2 bức đồ họa chữ cùng chất liệu của nó, nếu chỉ xét vẻ đẹp hình thức, gọi tên là thư pháp cũng hoàn toàn được

Cả hai từng có một nỗi buồn giống nhau, đó là lo sự biến mất của chính mình. Năm 1868, khi Minh Trị thiên hoàng quyết định làm cuộc đại canh tân Nhật Bản, thì bên phương Tây chiếc máy đánh chữ của Christopher Latham Sholes được cấp bằng sáng chế.

Thật ra đây không phải là máy đánh chữ đầu tiên nhận bằng sáng chế, nhưng đây là lần đầu tiên được đưa vào sản xuất hàng loạt. Ngay lúc ấy nhiều người trong giới đồ họa chữ thủ công đã gióng lên hồi chuông về ngày diệt vong của chính mình, vì máy đánh chữ thường làm ra một loạt chữ cố định, còn đồ họa làm gì nữa.

Sau các thế hệ máy tính điện tử số, năm 1981, IBM cho ra mắt chiếc máy tính cá nhân (PC) đầu tiên tại New York. Với bộ nhớ 16K, máy này có khả năng kết nối với tivi, chơi game và xử lý hơn một văn bản.


Bộ phim độc lập nổi tiếng "Cyclique" (Tuần hoàn) của Frédéric Favre đã có poster đồ họa rất không tuần hoàn, nó cho thấy đạo diễn muốn nói ý khác tựa đề

Ngay lúc đó trong giới đồ họa chữ cũng đã có thêm những ý kiến về sự diệt vong thật sự, chứ không còn là nỗi lo. Và vài năm sau, khi máy tính cá nhân lần lượt cài đặt thêm các hệ thống đồ họa, thì đã có những phê bình gay gắt về chuyện đồ họa máy sẽ làm mất đi tính thẩm mỹ, độc bản của nghề đồ họa chữ thủ công. Điều này cũng tương tự như hơn 10 năm trước người ta tranh luận gay gắt về điểm ảnh, màu sắc, độ sâu… của phim nhựa và phim kỹ thuật số.

Thế rồi, đúng như lời của nhà phát minh Internet tiền phong là Douglas Engelbart (1925 - 2013), trong luận văn Augmenting Human Intellect (năm 1962): “máy tính không phải để thay thế trí tuệ con người, mà là để cải thiện nó”. Các máy tính về sau này đã giúp cho các nhà đồ họa chữ, các nhà thư pháp, rồi họa sĩ, nhiếp ảnh gia… được khối việc. Thậm chí ngày nay đa phần đang có suy nghĩ rằng nếu thiếu máy vi tính thì không thể làm đồ họa và đồ họa chữ được nữa.

Và cũng nhờ máy vi tính, cho đến nay, đồ họa chữ không còn là cõi riêng trong lĩnh vực in ấn như ngày xưa, mà nó gần như xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực và loại hình, từ truyền thông, báo chí cho đến các loại giấy tờ pháp lý, thiết kế mỹ thuật, giải trí, các giao diện điện tử, mạng xã hội…


Với chủ đề tìm kiếm tự do, những đồ họa chữ cho ta thấy rõ điều đó, dù có thể ta không đọc được nội dung của nó

Điều này được triển lãm Nghệ thuật đồ họa chữ quốc tế lần thứ 62 “minh họa” một cách tổng thể và chi tiết. Tại đây, người xem có thể nhận ra đồ họa chữ không còn gò bó trong hình thức thể hiện con chữ, mà đó còn là sự sáng tạo đứng ngoài con chữ, đưa nó đến tính biểu tượng, nhận diện và ý niệm.

Vì chủ đích hướng tới những người yêu thích đồ họa chữ và những người làm đồ họa chữ chuyên nghiệp, sinh viên các ngành thiết kế đồ họa…, nên triển lãm bày biện gần như “tất tần tật” các chiêu trò trong nghề chơi chữ. Theo dự kiến, triển lãm sẽ xuất hiện tại Hà Nội trong tháng 12 này, và sẽ có một chương trình trao đổi, thực hành đồ họa chữ với sự hướng dẫn của nhà thiết kế đồ họa Andreas Uebele.

Andreas Uebele là một giáo sư ngành truyền thông thị giác; một người định vị bản sắc thị giác, truyền thông doanh nghiệp, hội chợ và triển lãm. Từ năm 2002, ông trở thành thành viên của Type Directors Club (New York), rất tích cực trong việc đào tạo, giới thiệu, quảng bá về đồ họa chữ.

Cuộc sống thật là bất ngờ, chính các phương tiện tưởng chừng như góp phần giết chết đồ họa chữ thủ công lại góp phần làm hồi sinh mạnh mẽ và đa dạng hơn.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm