Ngắm “văn phòng tứ bảo” xưa và nay

13/09/2010 13:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Văn phòng tứ bảo thời xưa là 4 thứ quý giá gồm bút, nghiên, giấy, mực của các nhà nho thời xưa - mà nhiều khi chúng đã được chế tác đến độ “tuyệt kỹ” để trở thành những “báu vật” sang trọng trong chốn thư phòng...

Tuy nhiên, sự quý giá của cây bút, lọ mực không chỉ ở sự cầu kỳ trong chế tác mà ở nó đã được sử dụng như thế nào trong việc truyền bá tri thức. Ngắm những đồ dùng học tập được trưng bày trong triển lãm Một số đồ dùng giảng dạy, học tập xưa và nay (sẽ mở cửa đến hết tháng 9 tại Văn Miếu - Quốc tử Giám, Hà Nội), ta càng thấy tình yêu mãnh liệt với việc học của người Việt Nam. Và những cây bút, tờ giấy đơn sơ trong những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước lại gây xúc động mạnh mẽ.


Quang cảnh triển lãm đồ dùng giảng dạy
Từ thời lều chõng, đến bình dân học vụ...

Đây là lần đầu tiên có một triển lãm về hệ thống đồ dùng giảng dạy và học tập mọi thời kỳ tại Thăng Long- Hà Nội trong tiến trình lịch sử dân tộc!

Với hơn 500 hình ảnh, hiện vật bằng nhiều chất liệu khác nhau, triển lãm do các cơ quan chuyên môn sưu tầm và tuyển chọn trong nhiều thời kỳ khác nhau, đặc biệt, có nhiều dụng cụ được các thầy cô giáo và học sinh các trường trên địa bàn Hà Nội tự làm... Triển lãm có liên quan đến mọi nhà, đặc biệt là vào thời điểm năm học mới bắt đầu...

Chủ đề xưa (tức thời phong kiến, được trưng bày tại khu 2 bên) giới thiệu lịch sử khoa cử Nho học VN với một hệ thống các đồ dùng giảng dạy phong phú: Bút lông, nghiêng mực, ống quyển, gánh sách, ván in chữ, quán tẩy, các sách Nho học như Tứ thư, Ngũ kinh... Bộ Văn phòng Tứ bảo giới thiệu tại triển lãm cùng hình ảnh những cụ đồ miệt mài bên lớp học, hay cảnh từng đoàn nho sinh lều chõng náo nức đổ về kinh đô dự thi... mãi mãi còn in sâu vào tâm hồn con người...

Bình dân học vụ là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân. Phong trào được Chính phủ phát động ngày 8/9/1945, nhằm giải quyết vấn nạn “giặc dốt’’- một trong các vấn đề cấp bánh của VN lúc bấy giờ. Phong trào dựa vào sức dân là chính. Người đi học được miễn phí, giáo viên không nhận lương. Các lớp học Bình dân được mở khắp nơi, trong nhà dân, đình chùa... Chỉ cần vài chiếc ghế băng, ghế tựa đặt quanh bàn, thêm chiếc cánh cửa, mảnh ván mộc làm bảng, thậm chí vài viên phấn, cục gạch để viết xuống đất thay cho giấy, bút là thành lớp học. Chỉ 3 tháng sau khi phát động, riêng các tỉnh Bắc bộ đã mở được hơn 22.100 lớp học với gần 30.000 giáo viên và hơn 500.000 học viên...

Thời kỳ chiến tranh, lớp lớp thầy cô giáo rời thành phố đưa học sinh về chiến khu sơ tán, tiếp tục học tập. Bàn ghế, mũ rơm, sách bút đơn sơ, các lớp học nhà tranh, vách đất được dựng lên ngay cạnh hầm trú ẩn. Nhiều vật dụng nơi thôn dã như: gỗ, tre, nứa, giấy bìa... được các thầy cô tận dụng làm ra những mô hình toán học đơn giản để giảng dạy.

Thời kỳ bao cấp, giữa bộn bề khó khăn của đất nước sau khi thống nhất, các đơn vị giáo dục luôn tìm tòi, sáng tạo ra nhiều đồ dùng giảng dạy và học tập hữu ích phục vụ sự nghiệp “dạy tốt, học tốt’’... như: Đồng hồ bấm giây dùng trong môn thể dục, Sơ đồ chỗ làm việc của thợ nguội, Sơ đồ lò cao, Sơ đồ quá trình bơm xăng, Radio- máy nghe nhạc quay đĩa, Ampe kế mặt vát do Ba Lan sản xuất...


Dụng cụ học tập thời “Bình dân học vụ”
Kỷ niệm một thời cắp sách

Đồ dùng học tập được coi là những công cụ và những giáo cụ trực quan sinh động để giúp cho việc truyền thụ tri thức một cách dễ dàng hơn... Theo thời gian, những công cụ đó trở thành những di sản văn hóa quý giá, và đặc biệt chúng phản ánh được bức tranh giáo dục của mỗi thời.

Phát biểu tại triển lãm, một đại diện BTC cho biết: Không có đồ dùng giảng dạy, tiết học không chất lượng! Vì thế, ý tưởng triển lãm các đồ dùng học tập tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường ĐH đầu tiên của nước nhà được hình thành. Triển lãm này cũng phù hợp với đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và hấp dẫn công chúng. Đối tượng quan tâm và liên quan đến triển lãm rất rộng. Đó không chỉ là các học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh mà tất cả chúng ta- vì ai trong chúng ta cũng có kỷ niệm học tập gắn với một thời cắp sách...

So sánh các đồ dùng vốn “quen mắt’’ hôm nay với các đồ dùng trước đây, những hiện vật xưa càng được tôn lên. Được biết, “nguồn’’ hiện vật xưa trong triển lãm này được BTC mượn từ Bảo tàng Cách mạng, và các gia đình “Danh gia vọng tộc”, các nhà sưu tầm cổ vật văn hóa... Còn những hiện vật đương đại phong phú (gồm 350 hiện vật) đều được mượn từ các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở tại Hà Nội như: Trường Nguyễn Trãi, trường Hoàng Hoa Thám, trường Chu Văn An, trường Trần Phú...

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm