Nga sẽ 'tẩy uế' văn hóa

07/05/2014 07:31 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Hạ viện Nga (Duma quốc gia) đã vừa thông qua dự luật cấm dùng từ ngữ tục tĩu tại các nhà hát, chương trình hòa nhạc, rạp chiếu phim và sẽ phạt nặng những kẻ vi phạm, nhằm thay đổi hẳn bộ mặt văn hóa trong nước. Tuy nhiên việc này đã lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội.

Truyền thống sử dụng tiếng lóng và từ ngữ tục tĩu từ lâu đã là niềm kiêu hãnh của các nhà văn, nhà thơ Nga. Nhà văn Fyodor Dostoevsky, tác giả các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Anh em nhà Karamazov, Tội ác và trừng phạt, từng tuyên bố người Nga chỉ có thể bày tỏ được hết cảm xúc của mình qua những câu chửi tục tĩu.

Nhiều đạo diễn, diễn viên có nguy cơ bị phạt    

Tuy nhiên, thay đổi mới về luật sẽ khiến không ít đạo diễn, nhạc sĩ và diễn viên nổi tiếng nhất Nga đối diện với án phạt. Nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh kinh điển của Nga cũng sẽ có thể bị gắn dòng chữ cảnh báo chứa ngôn ngữ thô tục bên trong, khi được đem bày bán.

Theo dự luật, dân thường vi phạm quy định sẽ phải nộp khoản tiền phạt là 2.500 rouble (69 USD). Các công ty kinh doanh sẽ bị phạt 100.000 rouble (2.795 USD). Nếu tiếp tục vi phạm, cá nhân có thể lãnh án tù tối đa 1 năm, các công ty thương mại phải tạm ngưng mọi hoạt động trong 90 ngày.


Leningrad, một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất của Nga. Khi luật mới được ban hành, ban nhạc này sẽ gặp khó khăn khi họ vốn “khét tiếng” với những phần ca từ thô tục, báng bổ.

Năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua một đạo luật tương tự, cấm dùng từ ngữ thô tục trên báo chí. Từ đó đến nay, nhiều hãng truyền thông đã phải đối diện với án phạt, điển hình là hãng tin tức Rosbalt từng phải đóng cửa trong một thời gian ngắn, sau khi họ phát 2 đoạn video có chứa những câu chửi thề.

Cả luật 2013 lẫn dự luật mới đều vấp phải sự chỉ trích vì không nêu rõ ràng những từ cấm sử dụng, chỉ nói rất chung chung rằng không cho phép dùng những "từ và cụm từ không đáp ứng quy chuẩn của ngôn ngữ văn học Nga hiện đại”.

"Cấm cả Pushkin?"

Luật mới đương nhiên sẽ tạo khó khăn cho nhiều nhà văn, đạo diễn và nghệ sĩ trình diễn, trong đó có Leningrad, một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất của Nga. Ban nhạc này “khét tiếng” do hay cho ra các ca khúc với phần ca từ thô tục. Thậm chí trong một ca khúc, ban nhạc còn tuyên bố “không thể sống nổi nếu không chửi thề”.

Chưa kể, nhiều quả bom tấn của điện ảnh Nga có những lời thoại tục tĩu và nhiều năm trở lại đây, không ít tác phẩm sân khấu ăn khách đã sử dụng một cách sáng tạo các câu chửi thề.

Ngôi sao rock Yuri Shevchuk, người từng đặt ra những câu hỏi về tự do ngôn luận cho Tổng thống Putin trong một cuộc gặp gỡ trên truyền hình hồi năm 2010, đánh giá việc ban hành luật mới cho thấy xu hướng bảo thủ ngày càng gia tăng ở Nga. “Tôi phản đối những lệnh cấm này. Tôi phản đối mọi sự can thiệp của Chính phủ tới nghệ thuật” – Shevchuk thẳng thắn nói.  

Còn nhà văn Sergei Shargunov bày tỏ rằng rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Nga cũng chứa những từ ngữ thô tục, trong đó có cả tác phẩm của các nhà thơ Nga vĩ đại. “Vậy thì giờ đây cấm cả Pushkin, Yesenin, Mayakovsky à?” - Shargunov nói.

Ý nghĩa to lớn của từ tục tĩu

Được biết chửi thề còn xuất hiện trong các tác phẩm của các nhà văn Nga nổi tiếng như Alexandr Solzhenitsyn và Sergei Dovlatov. Cuốn tiểu thuyết châm biếm từ thời Xô Viết rất được công chúng yêu thích, Moscow To The End Of The Line (Moskva tới cuối đường hầm) của nhà văn Victor Erofeyev, cũng chứa đựng nhiều từ thô tục.

Trong bài viết đăng trên tờ The New Yorker phát hành năm 2003, Victor Erofeyev từng lên tiếng bênh vực việc dùng từ tục tĩu, đánh giá nó rất quan trọng trong ngôn ngữ và văn hóa Nga.

“Từng chỉ được sử dụng ở đường phố và trong các nhà tù, tiếng lóng và từ tục tĩu đã len lỏi tới sân khấu opera, văn học, internet và các ca khúc pop. Không giống các từ khiếm nhã trong hầu hết ngôn ngữ khác, tiếng lóng và từ tục tĩu ở Nga đa tầng nghĩa, đa chức năng và thể hiện tính triết lý vượt ra ngoài phạm vi ngôn ngữ”.

Việt Lâm (theo The Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm