New age: Cảm hứng của dòng nhạc thời đại mới

06/06/2008 17:11 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Online) - New age được biết đến tại Mỹ từ khoảng thập niên 1970, cùng lúc với thời điểm xuất hiện những nhạc cụ điện tử, đặc biệt các cây đàn synthesizer và kỹ thuật thu âm số cho phép nghệ sĩ thu âm nhiều đường âm thanh cho một tác phẩm trong những khoảng thời gian khác nhau...
 
New age có thể còn xa lạ với nhiều người, nhưng Kitaro, Enigma, Secret Garden thì không xa lạ với công chúng yêu nhạc ở Việt Nam. Album Nhật thực (Trần Thu Hà), Mây trắng bay về (Thanh Lam) có thể xem là những album Việt được thực hiện theo phong cách new age tiêu biểu đầu tiên. Album Những ô màu khối lập phương (Tùng Dương) vừa đoạt giải Album của năm 2007 - giải âm nhạc Cống hiến - cũng được làm theo phong cách new age. Vậy bạn thực sự biết gì về new age, khuynh hướng âm nhạc đúng như tên gọi của nó: Thời đại mới?
  
Nhóm 5 dòng kẻ

Cảm giác new age

Bạn có bao giờ lắng nghe thật kỹ tiếng những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, hay bất ngờ rùng mình xao xuyến trước cảnh lá sấu ào trút như mưa xuống mặt đường giữa lúc chuyển mùa? Một người viết nhạc sẽ làm gì để ghi lại cảm xúc đặc biệt khi ấy? Trong trường hợp này, một nhạc sĩ trường phái cổ điển thường nghĩ đến việc vận dụng kỹ thuật phối khí điêu luyện để tạo ra tiếng mưa bằng những nốt nhạc của đàn harp, đàn piano, họ giả lập không gian đầy đường lá xao xác bằng sự cộng hưởng nhiều bè của dàn nhạc dây đông người. Cũng trường hợp này, đối với những nhạc sĩ cận đại viết những khúc ca jazz, pop, rock chẳng hạn, họ cùng với một nghệ sĩ viết lời ca, dùng lối kể chuyện để minh họa cho cảm xúc, các ca khúc đương thời cho tới nay hầu hết đã được tạo nên với cách thức ấy. Còn những nhạc sĩ cận-hiện đại viết nhạc không lời, họ phải làm gì với những nhạc cụ điện tử vốn gắn bó với nhịp sống của họ? Không chỉ là một dòng nhạc mà là một trường phái, một tiểu văn hóa âm nhạc tự do ra đời cuối thế kỷ 20 cho phép người nghệ sĩ có thể tìm bất cứ phương pháp biểu hiện nào để sáng tác tác phẩm của mình.

Hãy thử tưởng tượng bạn là anh ta, bạn cứ lôi chiếc máy thu thanh analog của mình ra ngoài thiên nhiên thu lấy tiếng những giọt nước đang rơi xuống, thu lấy tiếng đám lá xào xạc và đưa chúng vào trong tác phẩm âm nhạc mà ta gọi là những “Sound Effect”(hiệu ứng âm thanh). Rồi sắp đặt chúng vang lên với một bè nền gọi là “background” (nền) để hình thành một thứ gọi là không gian “space” của một tác phẩm trong đó có nhạc và tiếng động thực sự của thiên nhiên ấy. Tiếp đến, bạn bắt đầu tô điểm những suy tư, gửi gắm một câu chuyện nào đó bằng các nhạc cụ khác, có thể chỉ là 1, 2 nốt piano thong thả, tiếng hát u ơ vu vơ, cũng có thể bạn muốn cả hàng trăm âm sắc cùng hòa tấu diễn tả hình tượng bạn muốn khắc họa.
 
Người nghe, với cảm quan và kinh nghiệm về những gì có thể xảy ra trong khung cảnh như thế, đón nhận tác phẩm ấy lại tiếp tục thả sức tưởng tượng, họ liên tưởng từ chính kỷ niệm hay kinh nghiệm của riêng họ, họ được gợi ý như đang xem một bức tranh hay một cuộn băng hình ghi lại, thấy thanh bình như đọc một bài thơ hay, suy tưởng về thời khắc giao mùa mà tiêu đề bạn đặt ra, những vận động của đất trời đồng điệu ùa về, thế là đủ cho thành công của một tác phẩm dòng nhạc new age (thời đại mới).
 
Tangerine Dream

New age, dòng nhạc có vẻ như bí hiểm mà đôi lúc còn được gọi lẫn lộn với rất nhiều tên gọi khác như âm nhạc không gian, nhạc hòa tấu điện tử, nhạc thiền, âm nhạc của những cảm xúc siêu nhiên... đôi lúc dễ nhầm lẫn với nhạc thế giới (world music) nhạc điện tử sau này... Trên đây cũng chỉ là một cách gợi về trường phái âm nhạc new age bởi thật không may, trên thế giới chưa từng có một khái niệm bất di bất dịch về trường phái - dòng nhạc này. Điều này tồn tại có lẽ cũng bởi chính tư duy tự do trong sáng tạo bất tận đã một lần nữa mở ra tiềm năng hoạt động của trí tưởng tượng và điều kiện thực thi của những nghệ sĩ. Và rồi, tại sao dòng nhạc này đã có một tên gọi đặc biệt to tát như thế, thậm chí có những nhà lý luận, người hâm mộ cực đoan phương Tây còn cho rằng âm nhạc chỉ trở thành một bộ môn nghệ thuật thực sự từ khi dòng nhạc new age ra đời!

Tôi (Đỗ Bảo) mới bắt đầu chỉ nghe new age từ những năm 1994, 1995 với album solo piano của Yanni, một nhạc sĩ nổi danh người Hy Lạp. Ngày ấy, một người bạn gái đã nhờ tôi soạn lại toàn bộ những bản solo ấy ra giấy để cô ấy có thể tập trên piano những khúc nhạc này. Tôi phải lòng âm nhạc new age từ đó, có điều gì đó hấp dẫn lạ lùng đến mức mãi đến giờ tôi còn thuộc gần như nguyên vẹn những nốt nhạc trong một số tác phẩm tôi đã ghi chép ngày nào. Những gì tôi viết hẳn sẽ chỉ là những suy nghĩ của một trong vô số nghệ sĩ trên thế giới đã và đang có những thử nghiệm với new age, là kinh nghiệm cá nhân trong suốt quá trình tìm hiểu và lắng nghe âm nhạc new age.

Thời đại new age

New age được biết đến tại Mỹ từ khoảng thập niên 1970, cùng lúc với thời điểm xuất hiện những nhạc cụ điện tử, đặc biệt các cây đàn synthesizer và kỹ thuật thu âm số cho phép nghệ sĩ thu âm nhiều đường âm thanh cho một tác phẩm trong những khoảng thời gian khác nhau. Thế nên, cái tên new age có một ý nghĩa đơn giản hơn sự đồn đại về những suy tưởng siêu nhiên mà nhiều người nhắc tới khi cảm nhận trường phái - dòng nhạc ấy. Có lẽ cái tên new age mang ý nghĩa đánh dấu sự ra đời của một khuynh hướng sáng tác âm nhạc mới dựa trên kỹ nghệ âm nhạc điện tử, điều trước đó chưa thể có được. Sự sáng tạo từ đó thay vì tiếp tục phát triển chậm rãi nơi các thể loại âm nhạc trước đó lại một lần có cơ hội tung cánh thoát lên đầy biến hóa nơi một chân trời mới lạ.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm