Nên mở rộng "Ngày chữ Quốc ngữ" thành "Ngày ngôn ngữ dân tộc"

17/02/2012 12:36 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, từ đề xuất của nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình, ý tưởng thành lập ngày Chữ Quốc ngữ Việt Nam đang được Bộ VH,TT&DL cân nhắc và giao cho các cơ quan chức năng cùng thảo luận. Từ góc độ một chuyên gia ngôn ngữ học, PGS -TS Phạm Văn Tình (Phó Tổng biên tập tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, UV BCH Hội Ngôn ngữ học VN) có cuộc trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

Ông Phạm Văn Tình nói:

PGS-TS Phạm Văn Tình

- Bản thân Hội Ngôn ngữ học VN từ cách đây hơn chục năm đã có ý kiến đề xuất về việc cần chọn một ngày nhất định để tôn vinh ngôn ngữ chung của dân tộc. Trên thế giới hiện cũng đã có ngày 21/2 là Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế (International Mother Language Day) và ngày 8/9 là Ngày Biết chữ Quốc tế (International Literacy Day), nói nôm na là ngày cả thế giới cùng đặt quyết tâm xóa nạn mù chữ. Ngoài ra, trong các hoạt động của mình, UNESCO cũng đã từng chọn năm 2008 là Năm Ngôn ngữ Quốc tế kèm theo khẩu hiệu: “Trong dải ngân hà các ngôn ngữ, mỗi một từ là một ngôi sao”.

Bởi vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng thành lập một ngày vinh danh chữ Quốc ngữ VN mà nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình đưa ra. Bởi chữ Quốc ngữ là “đặc sản” của tiếng Việt hiện đại, là một sự kiện ngôn ngữ và văn hóa, có giá trị trong việc học, tìm hiểu và truyền bá tiếng Việt vô cùng tiện lợi. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng sẽ hay hơn nhiều nếu chúng ta mở rộng nội dung đó sang khái niệm “Ngôn ngữ dân tộc” thay vì chỉ  bó hẹp vấn đề trong phạm vi chữ viết.

* Nếu rộng ra khái niệm ngôn ngữ dân tộc thì có quá rộng không, thưa ông?

- Thực tế, “ngôn ngữ” là khái niệm đa dạng và tổng thể. Nó là một hệ thống, trong đó bao hàm cả lời nói và chữ viết. Nếu chỉ tôn vinh chữ Quốc ngữ mà bỏ quên các bộ phận cấu thành tiếng mẹ đẻ thì không nên. Chữ Quốc ngữ là một dạng văn tự sau chữ Hán và chữ Nôm (mà người Việt sử dụng). Ngoài ra chúng ta đều biết, đất nước Việt Nam có tới 54 dân tộc và mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ (và chữ viết) riêng của mình. Một ngày hội tôn vinh ngôn ngữ chung, tôn vinh “tiếng mẹ đẻ” của mọi công dân Việt Nam thì sẽ có sức phổ quát, có ý nghĩa cao hơn để mọi công dân cùng hướng về cội nguồn tiếng nói.

Để kỷ niệm Ngày Ngôn ngữ dân tộc, chúng ta có thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đơn cử, đa phần những di sản văn hóa phi vật thể của VN được UNESCO công nhận như quan họ, hát xoan, ca trù... đều sử dụng ca từ là ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Trong dịp kỷ niệm, những di sản văn hóa sử dụng nền tảng ngôn ngữ Việt Nam đều có thể quảng bá. Ngoài ra, các hoạt động triển lãm sách báo (nhất là sách báo cổ), hội thảo tôn vinh những người có đóng góp trong việc xây dựng chữ viết... cũng đều khả thi… Nếu được, chúng ta cũng có thể nghiên cứu tổ chức những kỳ thi Olympic Tiếng Việt - giống như các Olympic mà các cộng đồng Pháp ngữ, Nga ngữ, Anh ngữ... đã từng tổ chức.

Cuộc tọa đàm về ý tưởng thành lập ngày Chữ Quốc ngữ Việt Nam đã được Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức tại HN chiều nay 17/2. Trong cuộc tọa đàm này, ngoài trao đổi về văn bản kiến nghị Nhà nước xem xét lấy một ngày trong năm để kỷ niệm Chữ viết Quốc gia, một số nhà nghiên cứu như Lại Nguyên Ân, Dương Trung Quốc, Mai Thành Trung cũng sẽ trình bày những nghiên cứu về vai trò của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh với những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển chữ Quốc ngữ tại VN đầu thế kỷ XX.

* Như ông đã nói, bên cạnh tiếng mẹ đẻ và chữ Quốc ngữ đang được sử dụng như ngôn ngữ chung, Việt Nam hiện còn có khá nhiều ngôn ngữ riêng và chữ viết riêng của từng dân tộc. Nếu có ngày Ngôn ngữ dân tộc, các ngôn ngữ và chữ viết này nên được tôn vinh thế nào?

- Chúng ta có thể chọn cho từng chủ đề lớn cho Ngày Ngôn ngữ dân tộc vào mỗi năm. Ví dụ chủ đề “Lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ”, “Chữ Quốc ngữ trong giai đoạn phát triển và hội nhập”, “Lịch sử và giá trị của chữ Nôm”, “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”, “Tiếng Việt trong dân ca”, “Thành ngữ, tục ngữ Việt”... Cách triển khai như vậy sẽ tạo ra từng mạch chủ đề đa dạng và lần lượt cung cấp thông tin một cách toàn diện tới mọi cá nhân.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm