Mỹ cũng không "quản" được tranh giả

07/11/2012 15:17 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Khi Richard Grant, Giám đốc điều hành của Quỹ Nghệ thuật Diebenkorn nhìn vào 3 bức vẽ trong căn hộ của mình ở khu Upper East Side, New York (Mỹ) cách đây vài năm, ông biết có một vấn đề: 3 bức giống hệt nhau và đều được tuyên bố là… đồ thật.

Theo New York Times, có bức vẽ đã được xác định là tranh chép theo các tác phẩm của Richard Diebenkorns, một họa sĩ nổi tiếng của Mỹ trong thế kỷ 20. Nhưng nay nó lại được treo lên tường, được người mua - chủ sở hữu tự hào giới thiệu là tác phẩm của Diebenkorns mà không biết là mình đã mua phải bức vẽ vi phạm bản quyền.

Cứ như trò "đập chuột"

Những tổ chức như của Grant có vai trò bảo vệ tác quyền cho các di sản nghệ thuật. Việc kiểm soát tranh giả đối với họ như thể trò chơi đập chuột, cứ đập vào chỗ này lại trồi lên ở chỗ khác.

"Bạn tháo bức tranh xuống, rồi sau 5 hoặc 7 năm, nó quay trở lại, nhưng không phải là bức cũ", Grant nói qua điện thoại với nhân viên văn phòng của Quỹ Diebenkorn ở California.

Bán tranh giả là một thực trạng kéo dài dai dẳng mà vẫn chưa có một cách giải quyết triệt để, là nỗi lo của các nhà sưu tập, người môi giới, các hãng đại diện cho nghệ sĩ và cơ quan thi hành luật. Mặc dù Cục Điều tra Liên bang Mỹ có thể tịch thu giấy tờ giả mạo trong các trường hợp phạm tội, cách làm này chỉ giải quyết được một phần nhỏ. Các hình thức buôn bán và lưu hành nghệ thuật giả thì phức tạp hơn nhiều.

"Họ đang làm loạn thị trường tranh", James Wynne, một đặc vụ FBI chuyên đảm nhận các vụ giả mạo nghệ thuật, nói về việc buôn bán tranh giả tràn lan.

Bức “Untitled 1950” được trưng bày với danh nghĩa tác phẩm của Jackson Pollock. Ảnh: New York Times

Chìm xuồng

Không có điều luật rõ ràng nào quy định tranh giả sẽ bị xử lý ra sao nếu bị nhận dạng. "Tất cả phụ thuộc vào những yếu tố sau: sự việc cụ thể xảy ra thế nào, tác phẩm bị chép là gì, bao nhiêu tác phẩm và chúng đắt đến đâu", Wynne nói với New York Times.

Liên quan đến tranh giả, phòng tranh lâu đời và danh tiếng Knoedler & Company ở New York đã bị tạm đóng cửa vào năm ngoái, sau khi một khách hàng tố cáo phòng tranh này bán cho anh ta một bức tranh chép của họa sĩ Jackson Pollock với giá 17 triệu USD.

FBI đã vào cuộc điều tra bức vẽ, có tên Silver Pollock, và phát hiện ra đây là một phần của kế hoạch sao chép tranh quy mô.

Điều khó hiểu là sau đó Knoedler & Company đã làm cách nào đó dẹp im vụ này mà không có một lời buộc tội nào được đưa ra. Tháng trước, phòng tranh đã thỏa thuận bồi thường thành công với khách hàng này, không tiết lộ chi tiết cho báo chí. Và, một câu hỏi nữa đặt ra là: bức tranh 17 triệu USD bị coi là giả mạo đó hiện đi đâu về đâu?

Các luật sư chuyên về nghệ thuật và giới môi giới tranh đều đồng ý rằng, nếu trong tương lai gần, khó có khả năng bức tranh này được bán lại. Nhưng không có điều luật nào trong bộ luật của Mỹ hiện tại có thể cấm người mua đem bức tranh ra bán và tuyên bố đó là tranh của Pollock. Kể cả việc ai đang giữ bức tranh cũng là một bí mật, bị các bên liên quan giấu kín vì lợi ích của bản thân.

Dán tem lên… tranh giả

Trong các trường hợp hàng giả, hàng nhái, các cơ quan thi hành luật ở Mỹ thường sử dụng những biện pháp như cấm bán lại và mạnh tay hơn là hủy. Mỗi cách giải quyết đều có hạn chế, nhất là có thể dẫn đến việc phá hủy nhầm một tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Cuối cùng, cả cảnh sát và người mua tranh, vì thiếu chuyên môn, đều phó mặc cho thị trường tranh nhiệm vụ giám sát… chính nó.

Các quỹ nghệ thuật và tổ chức bảo vệ di sản thường tìm thấy tranh giả được rao bán trên eBay hay các buổi đấu giá nhỏ lẻ và có thể thông báo cho ban quản trị trang web hoặc sự kiện đấu giá, nhưng họ lại không có quyền hạn đánh dấu món hàng là đồ giả. Thường thì, theo các quỹ nghệ thuật, hàng giả sau khi bị phát hiện sẽ lại ngầm xuất hiện ở đâu đó và vẫn được gán mác hàng thật.

Jack Cowart, giám đốc điều hành của Quỹ Lichtenstein, cho biết trong nhiều năm nay làm công việc chứng thực tác phẩm của họa sĩ Roy Lichtenstein, ông để ý thấy có những nhà sưu tầm báo rằng họ đang sở hữu tác phẩm giả mạo, nhưng sau đó lại bán chúng dưới danh nghĩa đồ thật. "Rồi 6 tháng sau lại có người gửi cùng tác phẩm đó đến cho chúng tôi hỏi có phải thật hay không".

Ở Pháp, Thụy Sĩ và nhiều nước khác, người ta công nhận các họa sĩ, người thừa kế hay quỹ nghệ thuật có quyền hỏi ý kiến tòa án về việc phá hủy các tác phẩm nghệ thuật giả mạo.

Nhưng Ronald D. Spencer, một luật sư ở New York, cho biết ông thấy mừng khi Mỹ chưa công nhận quyền đó. "Đó là một lời nguyền rủa đối với nghệ thuật", ông nói, nhấn mạnh rằng khái niệm về độ xác thực của nghệ thuật thay đổi thường xuyên đến mức nào. 2 tháng trước, 3 bức tranh của họa sĩ J.M.W. Turner vốn bị nói là giả mạo đã được chứng minh lại là đồ thật.

"Hãy dán tem lên các bức tranh giả, thế là mỗi người mua đều biết nó được coi là đồ giả, nhưng tuyệt đối không được phá hủy chúng", Spencer đề xuất.

Huyền Mi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm