Music Of The Night của Đức Tuấn: Khởi đầu ước mơ trở thành "ca sĩ quốc tế"

01/12/2009 09:58 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Đêm 29/11/2009 vừa qua đã diễn ra live concert Music Of The Night của ca sĩ Đức Tuấn tại Nhà hát TP.HCM. Các hàng ghế của nhà hát đã kín chỗ và đêm diễn khá thành công. Với phương án chọn hợp tác với một ê-kíp nổi tiếng thế giới và chinh phục khán giả quê nhà trước khi “Tây tiến”. Đức Tuấn đã làm được điều đó và như đang có một khởi đầu thuận lợi cho ước mơ trở thành “ca sĩ quốc tế” của mình…

Người tiên phong

Giành giải Nhất Tiếng hát Truyền hình năm 2000, lúc đó Đức Tuấn 20 tuổi và là sinh viên Đại học Ngoại thương TP.HCM. Nhưng anh thật sự tạo được dấu ấn đối với công chúng âm nhạc khi hát những ca khúc nhạc “trữ tình, tiền chiến”. Hiện nay anh được xem là ca sĩ hát thành công những nhạc phẩm của Phạm Duy, Văn Cao... và là ca sĩ hát nhạc “xưa” được giới trẻ mến mộ.


Đức Tuấn trong đêm diễn

Tiếp xúc với nhạc kịch broadway từ năm 2003 và cũng từ đó anh theo đuổi con đường nhạc kịch. Nhưng Đức Tuấn không phải là một nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch mà là một ca sĩ biểu diễn những ca khúc nhạc kịch broadway, hướng đi như các ca sĩ thuộc dòng nhạc cổ điển giao thoa (classical crossover) trên thế giới. Miệt mài rèn luyện trong nhiều năm và để có live show Music Of The Night như vừa qua, trước đó anh đã có những mini show hát nhạc kịch ở phòng trà.

Có thể nói Đức Tuấn là người tiên phong trong việc hát những trích đoạn nhạc kịch broadway ở Việt Nam. Anh cũng là ca sĩ nhạc nhẹ đầu tiên có nguyên một chương trình biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng, là người đầu tiên hợp tác khá đầy đủ với một ê-kíp thực hiện chương trình nước ngoài với nhạc sĩ hòa âm, dàn dựng chỉ huy âm nhạc (Paul Bateman), chuyên gia âm thanh (Colin Boland) nổi tiếng thế giới. Ca sĩ khách mời (Genevieve Charest) cũng là gương mặt nổi tiếng hiện nay ở Canada và ở châu Âu. Có lẽ anh cũng là ca sĩ nhạc pop Việt Nam đầu tiên trình diễn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trong toàn bộ live concert của mình. Có thể nói Đức Tuấn là người tiên phong ở nhiều khía cạnh, mà việc mở đường cho dòng nhạc classical crossover là điều đáng nói nhất. Ngoài việc đưa lại một thể loại mới cho nhạc đại chúng, nó còn có ý nghĩa trong việc đem những giai điệu của nhạc kịch broadway đến với công chúng âm nhạc Việt Nam.


Đức Tuấn của hôm nay…

Một live concert với lực lượng “thiện chiến”: Dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM với những nghệ sĩ dạn dày kinh nghiệm; nhạc trưởng tài ba tầm cỡ thế giới; các tác phẩm biểu diễn là những giai điệu đã làm lay động hàng triệu con tim; chuyên gia âm thanh cũng là người đã từng thực hiện cho các tour diễn của các ca sĩ nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, đó cũng chính là con dao hai lưỡi, nếu chủ nhân không đủ bản lĩnh, không khéo live concert của mình sẽ trở thành live concert của những người nổi tiếng kia (như có ý kiến từng e ngại như thế). Nhưng đêm diễn vào 29/ 11 vừa qua, thực tế đã cho thấy không phải như vậy, Đức Tuấn đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình và không hề “lép vế” trước ca sĩ khách mời quốc tế.

Mặc dù chương trình có sự tham gia của đạo diễn Tất My Loan và biên đạo múa Tấn Lộc, hai gương mặt “ăn khách” của showbiz hiện nay, nhưng múa minh họa và những hiệu ứng ánh sáng, clip chỉ là thứ yếu mà yếu tố âm nhạc được xem là chính, khán giả đến với chương trình này chủ yếu là để nghe.

Sân khấu được quây tròn bằng một phông hậu tạo cảm giác ấm cúng của một sân khấu nhà hát, và những clip hiện lên “mờ ảo” sau phông hậu cùng 2 màn múa phụ họa đã điểm thêm cho sân khấu biểu diễn thêm phần màu sắc. Chuyên gia âm thanh đã xử lý âm thanh mang lại hiệu quả cao cho phần khán phòng bên dưới (khu vực trên lầu của nhà hát âm thanh hơi bị “um”).

Tất cả những điều nêu trên là những điều kiện vô cùng thuận lợi để Đức Tuấn “ghi điểm” cho mình. Trước hết phần phát âm tiếng Pháp và tiếng Anh trong các bài hát được xem là khá ổn. Đức Tuấn sở hữu một giọng nam cao đẹp và truyền cảm, trong đêm diễn này anh đã thể hiện một phong cách đĩnh đạc, làm chủ được sân khấu, anh cũng bớt “điệu đàng” hơn trước đây, phát âm “chuẩn” hơn, bớt những vuốt giọng như thời kỳ đầu hát nhạc trữ tình làm cho tác phẩm có chiều sâu hơn. Phải nói rằng, so với mini show nhạc kịch, nhạc phim My secret passion gần đây nhất của Đức Tuấn ở phòng trà Không Tên (TP.HCM) vào tháng 5/2008 thì chất giọng của Đức Tuấn đã có một bước tiến khá dài. Tuy nhiên, anh cũng cần rèn luyện thêm để những đoạn cao trào, âm lượng giọng hát được “đủ đô” hơn.

Trong tình hình biểu diễn âm nhạc như hiện nay, nhất là các live show đang loay hoay tìm kiếm những chiêu thức sân khấu để thu hút khán giả, với tính chất khai phá nghệ thuật và nỗ lực để có được dàn nhạc giao hưởng cùng ê-kíp thực hiện chuyên nghiệp, Đức Tuấn đã có một đêm diễn thật ý nghĩa trong hành trình ca hát của mình và đã tạo một cú “sốc” dễ thương cho sân khấu nhạc đại chúng vào những ngày cuối năm.

Có thể nói, đó là bước khởi đầu khá thuận lợi cho ước mơ trở thành “ca sĩ quốc tế” của Đức Tuấn, nếu anh tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, ước từ đất Việt vươn ra với “biển lớn” là điều mà chúng ta có thể hy vọng Đức Tuấn có thể làm được.

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm