Những điều ít biết về Nhà thờ Đức Bà Paris hơn 850 tuổi

16/04/2019 08:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một đám cháy lớn đã tàn phá phần mái của Nhà thờ Đức Bà Paris vào khoảng 18h 50' ngày 15/4 giờ địa phương (tức 23h50' ngày 15/4 giờ Hà Nội). Người phát ngôn của nhà thờ cho hay đám cháy xảy ra ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ. Đám cháy đã được kiểm soát, nhưng sự cố đã để lại những thiệt hại không nhỏ. Hãy cùng nhìn lại lịch sử hơn 850 năm của công trình này.

CẬP NHẬT vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Đã kiểm soát được đám cháy. Sơ bộ thiết hại, nguyên nhân

CẬP NHẬT vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Đã kiểm soát được đám cháy. Sơ bộ thiết hại, nguyên nhân

Phóng viên TTXVN tại Paris đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bỏ buổi nói chuyện về chính sách trên truyền hình theo kế hoạch diễn ra vào tối 15/4 để tới hiện trường vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. Phát biểu với người dân Pháp, ông Macron kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả các tài năng của đất nước nhằm xây dựng lại và phát triển di sản này.

Nhà thờ Đức Bà ở Paris không phải công trình cao nhất, cổ nhất hoặc lớn nhất thế giới. Nhưng nó có quyền nhận về danh hiệu nhà thờ nổi tiếng nhất thế giới. Giờ đây công trình có tầm vóc quy mô kể cả về lịch sử, tôn giáo và văn hóa này đã kỷ niệm 850 năm ngày nó bắt đầu được xây dựng.

Trong hàng thế kỷ, nhà thờ Đức Bà đã đứng yên bên làn nước xám của sông Seine, chứng kiến sự đổi thay của nước Pháp và vô số các sự kiện trọng đại có liên quan, gồm sự thăng trầm của 80 vị vua, 2 hoàng đế, 5 nền cộng hòa và 2 cuộc chiến tranh thế giới.

Công trình theo dấu thăng trầm của đất nước

Các bức tượng quỷ nổi tiếng (gargoyle) ở trên nóc của nhà thờ đã chứng kiến cả vinh quang và thảm kịch diễn ra trong nhiều thế kỷ. Nhà thờ, với các cửa sổ hoa hồng xây dựng từ thế kỷ 13, đã bị cướp phá và gần như bị phá hủy trong thời Cách mạng Pháp.

Tuy nhiên nó đã sống sót và từ tháng này đã bắt đầu khởi động một năm đầy các sự kiện đặc biệt để mừng 850 năm tồn tại.

 

Nhà thờ Đức bà lung linh trong ánh đèn trang trí mới

Sử sách nói rằng hòn đá đầu tiên xây dựng nhà thờ đã được đặt xuống vào năm 1163. Phải mất 180 năm để người ta hoàn thành việc xây dựng nhà thờ. Tuy nhiên ngay khi công trình tráng lệ này đang hình thành, lịch sử đã diễn ra trong cái bóng của nó. Những người lính thập tự chinh đã tới đây cầu nguyện trước giàn giáo của công trình rồi lên đường tham dự các cuộc thập tự chinh.

Trong các bức tường của nhà thờ, vào năm 1431, một đứa trẻ ốm yếu mới 10 tuổi, Vua Henry VI của Anh, đã lên ngôi trở thành Vua Pháp. Và năm 1804, trong âm thanh của 8.000 chiếc kèn ống của nhà thờ, Napoleon đã trở thành hoàng đế.

Âm nhạc đã luôn là một phần không thể tách rời với đời sống của nhà thờ. Trong năm tới đây, 3 dàn hợp xướng của nhà thờ sẽ hát lại những giai điệu đã xuất hiện sớm nhất trong Thiên chúa giáo. Giám đốc hợp xướng Sylvain Dieudonne cho phóng viên BBC biết rằng "vào năm 1163, khi người ta bắt đầu xây dựng nhà thờ, Paris đã trở thành một trung tâm tri thức, tinh thần và phát triển âm nhạc.

"Trường âm nhạc ở nhà thờ có ảnh hưởng rất lớn. Qua các bản thảo chúng tôi thu được, trường âm nhạc tại đây đã ảnh hưởng âm nhạc trên toàn châu Âu, ở Tây Ban Nha, Italia, Đức và Anh".

Những chiếc chuông hoàn hảo nhất

Nhưng có một thứ âm thanh khác nổi tiếng hơn tại nhà thờ này. Đó là những chiếc chuông và âm thanh của chúng, đã được bất tử hóa nhờ tác phẩm Thằng gù nhà thờ Đức Bà của nhà văn Victor Hugo.

Chiếc chuông lớn nhất trong những chiếc chuông của nhà thờ được gọi là Emmanuel. Nó được lắp tại tháp Nam của nhà thờ vào năm 1685 và vẫn đổ chuông mỗi ngày để báo hiệu về giờ giấc trong ngày. Nó cũng đã ngân lên để mừng ngày Paris được giải phóng vào năm 1944.

 

Marie, chiếc chuông lớn nhất trong bộ chuông mới của nhà thờ Đức bà đã rời Hà Lan để về Pháp

Năm nay, 8 chiếc chuông nhỏ hơn của nhà thờ vốn nằm ở tháp Bắc đang được đúc lại. Nhà thờ không còn những chiếc chuông gốc nữa. Chúng đã bị đun chảy để làm đạn đại bác trong cuộc cách mạng 1789. Khi 4 chiếc chuông ở tháp Bắc được đúc lại lần đầu vào thế kỷ 19, âm thanh của những chiếc chuông mới đã rất lộn xộn và nghe không vừa tai.

8 chiếc chuông mới hiện đang được đúc ở thị trấn Villedieu-Les-Poeles, tại Normandy, sử dụng các phương thức đúc cổ của người Ai Cập. Cụ thể, phần khuôn đúc sẽ được làm từ lông ngựa và phân. "Các nguyên liệu này giúp chuông có lớp vỏ ngoài hoàn hảo, tốt hơn nhiều khi anh làm khuôn đúc bằng cát và xi măng" - Paul Bergamo, lãnh đạo xưởng đúc chuông cho biết.

Tuy nhiên ông cũng cho biết các kỹ sư của mình đã sử dụng nhiều kỹ thuật đo đếm bằng máy tính để hoàn thiện tiếng chuông. "Chúng tôi sử dụng máy phân tích âm thanh để kiểm tra âm cuối. Chúng sẽ được tinh chỉnh để hợp với âm của chiếc chuông lớn Emmanuel. Những chiếc chuông thực sự là sản phẩm kết hợp của công nghệ hàng đầu và những gì tuyệt vời nhất trong truyền thống. Tôi tin rằng khi chúng tôi xong việc, đây sẽ là bộ chuông tuyệt vời nhất ở Pháp".

Một kiệt tác của kiến trúc Gothic

Được biết ngoài 8 chiếc chuông này còn có một chiếc chuông mới với kích cỡ lớn tên Marie đã được đặt đúc tại Hà Lan.

Chiếc chuông này làm từ hỗn hợp thiếc và đồng, nặng khoảng 6 tấn, với đường kính và chiều cao hơn 2 mét. Marie đã được thiết kế để có tiếng kêu giống như Emmanuel. Nó đã được vận chuyển về Pháp và sẽ được đưa tới Paris trong ngày 2/2 năm tới. Tiếp đó những chiếc chuông sẽ được lắp vào nhà thờ và chính thức đổ chuông vào cuối tháng 2. Toàn bộ chương trình đúc lại chuông gây tốn kém chừng 2 triệu euro (2,6 triệu USD), với tiền vốn hoàn toàn do quyên góp mà có.

Theo kế hoạch mừng sinh nhật, từ ngày 12/12/2012 tới ngày 24/11/2013, nhà thờ Đức Bà sẽ chào đón 20 triệu khách hành hương, du khách tới mừng ngày thành lập. Con số này đã tăng vọt so với mức 14 triệu du khách mỗi năm. Ngoài việc ngắm cảnh, du khách còn có thể được thưởng thức nhiều buổi hòa nhạc hoặc các hoạt động tôn giáo đã được lên kế hoạch diễn ra trong suốt năm.

Lễ mừng nhà thờ năm nay chắc chắn sẽ không thể toàn vẹn nếu thiếu việc ăn mừng kiến trúc của nhà thờ. Trong dịp kỷ niệm, hình ảnh của nhà thờ sẽ được nâng cao khi người ta lắp đặt hệ thống ánh sáng giúp tôn thêm vẻ đẹp của nó. Ngày hôm nay, có thể nói nhà thờ Đức bà là một kiệt tác của kiến trúc Gothic. Trong cuốn sách Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Victor Hugo đã mô tả lại vẻ đẹp hút hồn ấy của nhà thờ như sau: "Khi một con người hiểu được nghệ thuật của sự ngắm nhìn, anh ta có thể theo dấu được tinh thần của cả một thời đại và thấy được những đặc điểm của một ông vua, ngay ở vòng sắt gõ cửa nằm trên một cánh cửa".

Gia Bảo (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm