“Mùa chết” của các nhà hát Moskva

27/07/2009 14:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ở Châu Âu, mùa Hè được coi là "vụ gặt" của các nghệ sĩ. Nơi nơi các nhà hát tưng bừng mở hội, các sân khấu ngoài trời cũng rộn ràng kèn trống. Nói tóm lại, du khách và dân sở tại không có cớ để kêu buồn. Còn ở Nga thì ngược lại - trong khi thủ đô Moskva tràn ngập khách thì các nghệ sĩ lại xách va li đi lưu diễn tỉnh xa hoặc nghỉ phép.

Mùa Hè - mùa “lặng” nghệ thuật


Các nhà hát Moskva “nghỉ hè”
Tháng 7, tháng 8 tại Moskva theo truyền thống là “mùa chết” của các nhà hát. Còn các loại hình nghệ thuật dân dã hơn lại bùng ra thế chỗ, kiếm khối tiền. Vì sao các nhà hát ở thủ đô LB Nga trong thời kỳ khủng hoảng không thay đổi thói quen, cứ thắp sáng đèn hút khách thay vì cửa đóng then cài? Tờ Tin mới (“Novye Izvestya”, Nga) đi tìm câu trả lời.

Trung bình các nhà hát hàng đầu của Moskva không diễn kịch trong khoảng tháng rưỡi mùa Hè. Nhà hát Hàn lâm Thanh niên Nga (RAMT) chiếm ngôi đầu bảng về thời gian “nghỉ mát” - 97 ngày tất cả. Nhà hát đưa ra cách lý giải cực kỳ đơn giản: Sửa chữa thẩm mỹ khán phòng suốt một tháng. Trong khi thợ xây làm việc thì tập thể diễn viên cũng không ngồi chơi - họ dựng các vở cho mùa biểu diễn sau. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở một loạt nhà hát của thủ đô. Tháng 6 và tháng 7 nhà hát Mossovet không đỏ đèn do tập thể diễn viên lưu diễn ở các địa phương Nga và sang tận Israel, nơi có cộng đồng nói tiếng Nga rất đông đảo.

Không ai kiểm soát “mùa chết” của các nhà hát Moskva. Tờ Novye Izviestya dẫn nguồn của Hội Những người hoạt động Nhà hát Nga cho biết, các nhà hát tự mình quyết định thời gian biểu của họ, không ai có quyền chỉ thị phải diễn lúc nào, nghỉ lúc nào. Nếu cần hai tháng để sửa chữa thì nhà hát đóng cửa chừng ấy thời gian nhưng công việc hậu trường thì vẫn diễn ra như thường. Tuy nhiên, theo các phóng viên Novye Izviestya thì Luật Lao động quy định các diễn viên sân khấu cũng chỉ được nghỉ đúng 28 ngày, như một luật sư hay nhân viên kế toán.

Dù ai đúng, ai sai thì thực tế vẫn là thực tế: Đúng đỉnh điểm của kỳ nghỉ Hè thì hầu hết các nhà hát, vốn là tài sản văn hóa của nước Nga, lại đồng loạt đóng cửa. Trong khi đó vào mùa Hè lẽ ra việc nghỉ ngơi của người dân và hoạt động của các nhà hát phải là một. Trong các tháng 6, 7 và 8 có từ 1,5 đến 2 triệu du khách nước ngoài và gần 5 triệu khách nội địa đến Moskva. Lẽ ra họ phải được thưởng thức các vở diễn xuất sắc của các nhà hát tên tuổi chứ không phải chứng kiến cảnh cửa đóng then cài thế này.

Có nên thay đổi?


Lễ hội ở Brussels thu hút nhiều du khách
Việc các nhà hát ở Moskva “rủ nhau” nghỉ Hè chẳng giống với thủ đô của các nước khác trên thế giới. Chẳng hạn, ở châu Âu khái niệm “mùa chết nghệ thuật” không tồn tại. Mùa Hè mới chính là thời điểm các nhà hát hoạt động sôi nổi nhất với các liên hoan âm nhạc, kịch nói ngoài trời và nhiều chương trình giải trí. Tại Brussels, chương trình biểu diễn của các nhà hát vào mùa Hè gồm các tiết mục dành riêng cho khách du lịch. Hàng năm tại đây đều diễn ra lễ hội hóa trang “Omegang”, dựng lại cảnh đón rước hoàng đế Karl V và đoàn tùy tùng vào thành Brussels với hàng nghìn người trong trang phục của thế kỷ 16 nhảy múa tưng bừng.

Đời sống văn hóa của thủ đô Stockholm (Thụy Điển) cũng không vắng lặng vào mùa Hè. Các đoàn nghệ thuật hoạt động hết công suất, chỉ có một thay đổi duy nhất - thay cho biểu diễn trong nhà hát là diễn ở sân khấu ngoài trời và trên đường phố. Mục tiêu là thu hút càng đông người xem càng tốt. Vấn đề của chính quyền là sắp xếp sao cho các cuộc liên hoan, hội diễn không chồng chéo lên nhau. Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật là không thể thiếu đối với Stockholm vì vào Hè thành phố mở rộng cửa đón một lượng du khách rất lớn. Chỉ cần một tuần không có các sự kiện văn hóa lớn là sang năm thành phố mất đứt hàng chục tua du lịch - bởi các công ty lữ hành khuyên khách chọn hướng khác. Mà đây là sự thiệt hại kinh tế không nhỏ bởi trung bình mỗi du khách một ngày tiêu 100 euro ở Stockholm.

Hiện tại các kịch mục nhà hát của Moskva chưa chú trọng tới khách du lịch. Những người đến thăm thủ đô LB Nga phải tự bằng lòng với trình độ của các “gánh xiếc rong”.

Kiều  Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm