“Mozart của thơ ca” qua đời

03/02/2012 09:41 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska luôn thể hiện sự thấu cảm cuộc đời  qua những vần thơ dung dị và hài hước. Bà đã từ giã cõi đời hôm 1/2 giữa giấc ngủ sau một thời gian đối chọi với bệnh ung thư phổi, thọ 88 tuổi.

Ủy ban giải Nobel từng ca ngợi Szymborska là “Mozart của thơ ca”, người phụ nữ đã hòa trộn những ngôn từ thanh lịch với “sức mạnh dữ dội của Beethoven” khi cập đến những vấn đề lớn của cuộc sống. Người phụ nữ nhút nhát và ăn nói nhỏ nhẹ này đã đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1996.

Trên trang Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski viết “cái chết của bà là một tổn thất không gì bù đắp được cho nền văn hóa Ba Lan”.

Năm ngoái, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã tôn vinh bà với giải thưởng danh giá nhất của đất nước này - Huân chương Đại bàng Trắng - nhằm ghi nhận sự đóng góp của bà.

Szymborska sinh ngày 2/7/1923 tại ngôi làng Bnin, giờ là một phần của Kornik, gần Poznan, miền Tây Ba Lan. 8 năm sau, bà cùng cha mẹ chuyển tới Krakow và sống ở thành phố có niên đại từ thời Trung cổ này cho tới lúc qua đời.

Khi Phát xít Đức xâm chiếm Ba Lan vào tháng 9/1939, Szymborska là một nhân viên đường sắt nên đã không bị đưa đi lao động tập trung. Thời gian rảnh, bà theo học tại các khóa học bí mật. Sau chiến tranh, bà đã hoàn thành các khóa học chính quy về văn học và xã hội hội tại Trường  ĐHTH Jagiellonia ở Krakow, nhưng chưa hề có bằng.

Năm 1945, bà xuất bản bài thơ đầu tiên Tôi tìm lời trên tuần báo Dziennik Polski. Không lâu sau đó, bà kết hôn với nhà thơ Adam Wlodek. Vài năm sau, 2 người ly hôn, nhưng họ vẫn là bạn cho đến khi Wlodek qua đời vào năm 1986.

Thơ không hay ném vào sọt rác

Nhà thơ trẻ Szymborska đã nhanh chóng trở thành một nhân vật nổi bật trong giới văn chương thành phố và gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 1952. Bà tung ra 2 cuốn thơ vào năm 1952 và 1954, gồm Vĩ lẽ này chúng ta đang sốngNhững câu hỏi cho mình. Phong cách thơ của Szymborska thời kỳ này mang tính hiện thực truyền thống, viết về chiến tranh, quân đội, tổ quốc.

Trong sự nghiệp của mình, Szymborska đã xuất bản cả thảy 20 tập thơ, cứ đều đặn 4-5 năm bà lại cho “ra lò” một cuốn thơ, một số trong đó đã được in sang hàng chục thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.

Những vần thơ của bà đơn giản, nhưng đẹp đến ám ảnh, tinh tế và sâu sắc. Bà thường vận dụng những vật thể đơn giản và cách quan sát kỹ lưỡng, như một củ hành, một con mèo đi qua căn phòng trống, một người hâm mộ trong bảo tàng để phản ánh những chủ đề lớn hơn như tình yêu, cái chết và thời gian trôi.

Hơn 6 thập kỷ cầm bút, Szymborska tung ra chừng 400 bài thơ, một con số không nhiều. Khi được hỏi tại sao, bà đáp: “Trong phòng tôi có một sọt rác. Tôi thường sáng tác thơ vào ban đêm và sáng ra thì đọc lại, thấy không ưng tôi ném vào sọt rác”.  

Thơ của bà được độc giả Ba Lan rất ưa chuộng, nên bất cứ cuốn thơ nào cũng đều bán “đắt như tôm tươi”. Ca sĩ rock Ba Lan Kora còn biến bài thơ Nothing Twice thành ca khúc ăn khách năm 1994. Szymborska còn sáng tác bài thơ Tình yêu sét đánh (Love At First Sight) sau khi lấy cảm hứng từ bộ phim được nhiều ca ngợi - Red - của đạo diễn quá cố Ba Lan Krzysztof Kieslowski.

Chỉ thấy thoải mái khi quanh mình không quá 10 người

Năm 1996, Szymborska được trao giải Nobel cho "những tác phẩm thơ tái hiện chân thực một thế giới trong đó cái thiện và cái ác đan xen, giành giật nhau chỗ đứng cả lẫn trong tư duy và hành động của con người; thể hiện tấm lòng một công dân, một nghệ sĩ có nhân cách lớn và đầy trách nhiệm trước một thực trạng là các giá trị tinh thần bị đảo lộn, trước nguy cơ suy đồi đạo đức trong cuộc sống hiện đại".

Thời gian sau này, thơ của bà vẫn tiếp tục đến được với rộng rãi công chúng. Tuyển tập thơ cuối cùng Dwukropek được độc giả tờ Gazeta Wyborcza bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2006.

Mặc dù nổi tiếng, nhưng Szymborska luôn giữ kín cuộc đời riêng, sống bình lặng tại thành phố Krakow mà bà yêu thích. Sau khi đoạt giải Nobel, cần lắm bà mới xuất hiện một cách miễn cưỡng đôi ba lần và vì thế buổi nói chuyện trước 1.800 người quả là một gánh nặng đối với một người phụ nữ chỉ cảm thấy thoải mái khi quanh mình không quá 10 người.

Khi tới Stockholm để nhận giải Nobel, nhiều nhà báo có mặt tại sân bay đã hỏi Szymborska về bài thơ đầu tiên của bà. Szymborska trả lời một cách khiêm tốn và hài hước chẳng khác gì khi đứng trước độc giả của mình. “Thật khó có thể nói bài thơ đầu tiên của tôi viết về điều gì vì tôi bắt đầu sáng tác thơ từ rất sớm, khoảng 4 tuổi. Tất nhiên là những bài thơ đó rất vụng về và kỳ cục. Nhưng khi viết được bài nào hay, cha tôi lại giữ nó và thưởng tiền để mua chocolate”.

Cuốn thơ cuối cùng của bà - Here - được xuất bản ở Mỹ năm ngoái. Trên The New York Review of Books, nhà thơ Charles Simic viết: “Szymborska không chỉ tạo nên một vương quốc thơ ca trong độc giả của mình, mà bà còn nói với họ về những điều mà họ chưa hề biết đến trước đó và khiến họ phải suy ngẫm”.

Việt Lâm (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm