Một người Mỹ 9 năm đi tìm câu trả lời 'tâm hồn Việt Nam' là gì?

02/12/2015 11:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Định nghĩa về tâm hồn của một đất nước, đó là điều bất khả thi. Nhưng, đặt ra câu hỏi ấy ở Việt Nam, tôi lại luôn nhận về những xúc cảm và rung động khác nhau cho chính tâm hồn mình” - Lawrence D’Attilio, nhiếp ảnh gia 73 tuổi, người Mỹ, nói.

Ông là tác giả cuộc triển lãm ảnh Tâm hồn Việt Nam đang diễn ra từ 23/11- 13/12 tại không gian Work room 4, tòa tháp Packexim, đường An Dương Vương, Hà Nội.

Tâm hồn Việt Nam là những gì?

 35 tác phẩm tại triển lãm lần này được chia theo 3 mảng chủ đề chính: phong cảnh, nhân vật, những khoảnh khắc đặc biệt. Đó là kết quả của từ những chuyến rong ruổi khắp Việt Nam của Lawrence -  đặc biệt là tại Hà Nội, nơi ông có sở thích lang thang trong khu phố cổ vào mỗi buổi sáng.


Nghệ sĩ Lawrence D’Attilio

"Tôi thích cái tên Tâm hồn Việt Nam. Bởi, 4 chữ ấy là ngọn nguồn của những gì tôi đã trải nghiệm” – Lawrence giải thích. Vậy, tâm hồn Việt Nam là những gì, dưới con mắt của nhà nhiếp ảnh đã có 9 năm gắn bó với mảnh đất này?

Đó là nét hồn nhiên đáng yêu trong gắn kết cộng đồng - điều mà Lawrence cảm thấy rất thú vị khi so sánh với sự độc lập tuyệt đối giữa mọi cá nhân tại Mỹ. Ở bức ảnh Giám sát là góc nhìn ngộ nghĩnh về người đàn ông ung dung đọc báo tại cửa đền, dưới chân pho tượng ông Ác đang chăm chăm ngó xuống.


Bức ảnh "Cuộc sống trên đường"

Đó là khả năng "tái chế" ngộ nghĩnh với  bức ảnh "Chỗ ngồi" chụp một chiếc ghế cũ mèm phải dựa vào tường cho khỏi đổ; bức ảnh Cuộc sống trên đường với một phụ nữ bán hàng rong dùng bức tranh Phục Hưng khổ lớn làm liếp che cho quầy hàng.

Nghiêm túc, Lawrence chia sẻ với Thể thao &Văn hoá: "Tôi trân trọng phẩm chất ấy ở những người dân Việt. Họ luôn có ý thức sáng tạo, tận dụng rất khéo những đồ vật tưởng như bỏ đi, để khai thác cho công việc và cuộc sống của mình".

Và nữa, rất nhiều trong số những bức ảnh tại triển lãm là những nụ cười của người lao động. Như lời kể của Lawrence, để có sự chia sẻ và đồng cảm với những nhân vật của mình, ông đã tham gia nhiều dự án hoạt động xã hội, đặc biệt là những dự án hỗ trợ cho phụ nữ khó khăn.

"Tôi học được từ họ những bài học về nghị lực. Họ luôn tiềm ẩn khả năng vượt qua hoàn cảnh để trở thành chỗ dựa cho gia đình  mình" - ông nói.


Bức ảnh “Giám sát”

Bản thân Hà Nội là một tác phẩm khổng lồ

Đây không phải là lần đầu tiên, Lawrence chọn cái tên "Tâm hồn Việt Nam" cho triển lãm của mình. Cũng với tên gọi ấy, 4 cuộc triển lãm khác đã từng được tổ chức vào các năm 2008, 2009 (tại Hà Nội) và 2012, 2014 (tại Mỹ).

Lawrence tới Việt Nam lần đầu năm 2006 để tham dự một cuộc triển lãm nhóm. Trước đó, ông đã có gần 40 năm giảng dạy, sáng tác và làm các công việc liên quan tới nhiếp ảnh tại Mỹ. Nhà nhiếp ảnh này bộc bạch rằng mình luôn có sự háo hức và tò mò - đặc điểm dễ thấy ở những tay máy chuyên nghiệp.

Và ngay trong lần đầu tiên ấy, ông đã bị hấp dẫn bởi Hà Nội, nơi người ta có thể vừa chứng kiến nét văn hóa cũ của một thành phố ngàn năm tuổi, vừa có dịp trải nghiệm về những biến đổi đang diễn ra từng ngày trong giai đoạn hội nhập cùng thế giới.


Bức ảnh "Sắp đặt"

Ông nói: "Sự ràng buộc của lịch sử đã biến Việt Nam thành một khái niệm đặc biệt với những người Mỹ trưởng thành trong thập niên 1960 như tôi. Nhưng, đó không phải là tất cả lý do. Bản thân Hà Nội đã là một tác phẩm khổng lồ, với sự đa dạng và độc đáo của mình".

Một cách tự nhiên, Lawrence chọn Việt Nam là nơi bắt đầu cho công việc mới ở độ tuổi 64. Ông chụp ảnh, theo đuổi các dự án về nghệ thuật thị giác và tham gia một số hoạt động xã hội.

Câu hỏi về việc lựa chọn cái tên "Tâm hồn Việt Nam" cho những cuộc triển lãm của mình được ông giải thích ngắn gọn: “Càng nỗ lực để tìm hiểu về khái niệm ấy thông qua nhiếp ảnh, tôi càng có thêm nhiều bài học quý từ cuộc sống tại đây. Và có lẽ, càng có cơ hội khám phá thêm chính tâm hồn mình".

Mỗi năm, ông cùng vợ mình, một nghệ sĩ violon sống ở Việt Nam chừng 6 tháng. Ngoài công việc liên quan tới âm nhạc, bà cũng dành thời gian rỗi để làm từ thiện, và bắt đầu… viết một cuốn sách về Hà Nội.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm