Một bước ngoặt đưa văn học Việt ra thế giới

12/01/2010 09:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Với quan điểm: Tổ chức hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam cũng là một cuộc quảng bá văn học Việt Nam, các nhà văn/ dịch giả/ nhà Việt Nam học trong nước và nước ngoài có nhiều suy nghĩ về cách thức tổ chức hội nghị cũng như giải quyết các mục tiêu giới thiệu văn học Việt Nam ra quốc tế.

NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG SÁNG: Hy vọng bắc được cầu cho tác phẩm Việt

Từ trước đến nay, nước mình dịch rất nhiều văn học nước ngoài bởi tiếng gì mình cũng biết như Anh, Ppháp, Nga… và có một nền xuất bản tốt. Ngược lại, văn học của mình ra nước ngoài lại rất ít.

Năm 1989, tôi qua Pháp. Thấy bên đó, vì có tiền lại quan tâm đến văn học chính quốc nên người Hoa kiều đã xây dựng NXB tiếng Pháp, nhờ thế, họ đưa được văn học của họ sang Pháp. Người  Việt  Nam ở Pháp mặc dầu giỏi, nhưng không đủ khả năng để có NXB riêng thành ra việc đưa văn học Việt Nam đến với độc giả bị hạn chế. Thi thoảng cũng có một vài quyển văn học Việt Nam được giới thiệu ở Pháp nhưng rất lẻ tẻ và chủ yếu là theo sở thích cá nhân nên không mang tính chất tiêu biểu của văn học Việt Nam.

Năm 1989, tôi sang Mỹ. Ở Mỹ chưa biết gì về văn học Việt Nam, cũng không có tổ chức nào làm công việc truyền bá văn học Việt Nam cả. Sau khi trung tâm của các nhà văn cựu chiến binh Mỹ được thành lập, họ quan tâm đến văn học Việt Nam, từ đó dần dần có những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tại Mỹ và cho đến nay vẫn đang phát triển. Hi vọng qua hội nghị này, tác phẩm Việt Nam sẽ được bắc cầu sang Mỹ. Đây là một hội nghị đáng lẽ cần có từ lâu, hội nghị là bước ngoặt quan trọng để đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Hi vọng sau hội nghị sẽ có những bước đi, kế hoạch cụ thể, đi vào thực chất công việc.

NHÀ PHÊ BÌNH PHẠM XUÂN NGUYÊN: Cần bàn những việc cụ thể

Có cảm giác quy mô của hội nghị thì lớn nhưng thiếu tập trung, cách thức tổ chức còn lúng túng. Ít sự giao lưu trao đổi trong khi kiểu tính chất hội nghị, lễ lạt còn nặng. Việc thảo luận thiếu trọng điểm, thiếu cụ thể như tại hội thảo chuyên đề Gặp gỡ các nhà văn trẻ làm tôi thất vọng. Để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài cần bàn về những việc cụ thể, phương pháp tiến hành cụ thế giữa cá nhân với cá nhân, giữa tổ chức với tổ chức. Và một điều thất vọng nữa là hội nghị thiếu đi những gương mặt dịch giả có đóng góp. Các NXB lớn ở nước ngoài cũng không được mời đến. Thiếu các gương mặt trẻ thực sự đại diện cho dòng văn học trẻ. Lễ khai mạc ngày 5/1 thì quá khuôn sáo. Cảm tưởng chung của tôi là các tham luận tham dự Hội nghị quá chung chung, đem đọc ở bất cứ hội nghị văn học nào cũng được.

ÔNG VŨ HOÀNG GIANG PGĐ CTY TRUYỀN THÔNG NHÃ NAM: Quảng bá văn học Việt Nam cần liên tục

Suy từ công việc của chúng tôi ra (chuyển ngữ các tác phẩm văn học thế giới sang tiếng Việt - pvV) cần phải có đội ngũ gồm các dịch giả, nhà văn, nhà phê bình và các CTV tại các nước nắm chắc thông tin văn học trên thế giới. Vì vậy, muốn quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài cũng phải xây dựng đội ngũ CTV và có mối quan hệ chặt chẽ với các NXB trong và ngoài nước, các nhà văn Việt Nam và đại diện của họ. Như khi chúng tôi làm việc với đại diện của nhà văn Haruki Murakami, người đại diện giới thiệu cho chúng tôi là ông chuẩn bị ra cuốn gì, đang viết cuốn gì. Hoặc đại diện cho nhà văn Milan Kundera chính là vợ của ông. Quan hệ gần gũi với các nhà văn hoặc đại diện của họ sẽ tạo ra sự gần gũi cũng như các thông tin chính xác. Việc tổ chức Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam là một cuộc quảng bá văn học Việt Nam, việc quảng bá cần liên tục.

NHÀ VĂN JENNIFER FOSSENBELL (MỸ): Tôi mong muốn được tìm hiểu văn học đương đại Việt Nam

Tôi cảm thấy rất thú vị khi nghe các nhà văn/ dịch giả Việt Nam nói về văn học trẻ, về khuynh hướng sáng tác của họ. Tôi hi vọng được nghe nhiều hơn nữa thông tin từ các nhà văn/ nhà thơ trẻ và muốn có sự trao đổi cởi mở hơn nữa. Do tôi không biết tiếng Việt, nên rào cản lớn nhất của tôi là không đọc được các tác phẩm văn chương Việt. Vì vậy, tôi cần có một nhà văn/ dịch giả Việt cùng song hành để sao khi chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt vẫn giữ được ngữ nghĩa tiếng Việt mà lại đúng với tiếng mẹ đẻ của tôi.

Tôi đã may mắn kết hợp với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai dịch cuốn Cánh đồng người của nhà thơ Trần Quang Quý ra tiếng Anh. Để phát hành được tập thơ, ba người chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra in, nhưng rất vui là Hội nhà văn Việt Nam đã mua lại một phần để cho hội nghị và một thư viện bên Thụy Điển đã đặt mua. Tôi gửi tập thơ này sang Mỹ cho những người bạn văn chương của tôi đọc và đã có một tạp chí rất thích tập thơ, họ sẽ tổ chức một hội thảo về thơ và tâm hồn Việt trong thơ Trần Quang Quý. Sau khi dịch Cánh đồng người, tôi mong muốn được tìm hiểu văn học hiện đại Việt Nam không chỉ đối với các nhà văn trẻ mà còn là văn học cổ, văn học trung đại, hiện đại để từ đó nắm rõ hơn những khó khăn của người viết trẻ, cuộc sống, tâm tư, khuynh hướng sáng tác của họ. Hiện nay tôi đã thành lập một nhóm các cây viết quốc tế tại Hà Nội mang tên Hanoi Writer’ s Collective để gặp nhau và trao đổi về sáng tác.

ÔNG NGUYỄN HUY THẮNG - PGĐ NXB KIM ĐỒNG: Nếu tổ chức hội nghị tốt sẽ tạo ra hiệu quả lớn

Các nhà văn Việt Nam chủ động giới thiệu các tác phẩm tốt một cách có hệ thống, bài bản. Bên cạnh đó, phải thường xuyên trao đổi với các nhà văn/ dịch giả các nước. Hội nhà văn cũng như Hội đồng Dịch thuật cần có chương trình cụ thể để giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam không để các nước bạn từ tìm hiểu, nếu thế sẽ rất phiến diện. Qua hội nghị, có thể thấy các nước trên thế giới quan tâm nhiều đến văn học Việt Nam và lĩnh hội tốt cũng như đánh giá cao văn học cổ đại, trung đại (thông qua các tổng tập đã được dịch trước đó). Nền văn học hiện đại Việt Nam có lẽ chưa được giới thiệu một cách hệ thống. Người nước ngoài tìm hiểu văn học Việt Nam chủ yếu là do cảm nhận cá nhân đối với một tác giả hay một tác phẩm chứ không nắm được toàn diện nền văn học Việt Nam.

Theo tôi, Tổng tập văn học Việt Nam (từ thế kỷ 10 đến năm 1977) gồm bốn cuốn (2100 trang), hai bộ tiếng Anh và tiếng Pháp, được xuất bản từ năm 1970, kết thúc vào năm 1977 do nhóm tác giả Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Văn Hoàn, Hữu Ngọc, Vũ Đình Liên, Tảo Trang giới thiệu và dịch có thể sử dụng để giới thiệu trong hội nghị này rất tốt. Để chuẩn bị cho hội nghị, Hội nhà văn Việt nam dự định làm cuốn kỷ yếu giới thiệu các tác giả Việt Nam cho bạn bè nước ngoài nhưng tiếc là đến ngày hôm nay (6/1) vẫn chưa thấy xuất hiện.

Việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là rất cần thiết. Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam lần thứ hai này đã đánh động tất cả chúng ta, và nếu được tổ chức tốt sẽ tạo ra hiệu quả rất lớn.

DỊCH GIẢ TIAN XIAO VIỆN KHXH TRUNG QUỐC):  Các nhà văn trẻ Trung Quốc mong muốn tìm hiểu văn học đương đại Việt Nam.

Đã lâu lắm rồi tôi chưa theo dõi văn học Việt Nam nên cần có thời gian để tìm hiểu văn học Việt Nam. Tôi rất cám ơn Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội nghị này, giúp tôi đến và tìm hiểu văn học của các bạn. Mặc dầu công việc hết sức bận rộn, nhưng tôi cũng gắng thu xếp để tham gia hội nghị, tuy nhiên vì thời gian quá ít, mặc dầu cố gắng nhưng tôi không gặp mặt và trò chuyện được nhiều với các nhà văn trẻ Việt Nam. Ở Trung Quốc, các nhà văn trẻ rất mong muốn được tìm hiểu tác phẩm của các bạn trẻ Việt Nam vì vậy sau hội nghị này hi vọng Hội nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức giao lưu hai bên với nhau. Các nhà văn trẻ Trung Quốc cũng như Việt Nam đều giỏi tiếng Anh, vì vậy có thể giao lưu với nhau bằng tiếng Anh hoặc tự dịch tác phẩm của mình ra tiếng Anh rồi trao đổi. Những nhà văn mà tự dịch tác phẩm của mình sẽ tốt hơn so với dịch giả chúng tôi nhiều. Các nhà văn nên đồng thời là dịch giả.

Quỳnh Trang (thực hiện)

Không phải Việt Nam không có tác phẩm hay

Làm thế nào để việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài tốt nhất? Các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực văn chương và xuất bản đưa ra góc nhìn của họ.

GIÁO SƯ CHÚC NGƯỠNG TU (TRUNG QUỐC):  Không thể quảng bá một cách tự phát

Với Việt Nam, tác phẩm văn học nước ngoài được dịch ra tiếng Việt thì nhiều mà tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài thì tương đối ít. Theo tôi, tình trạng đó không phải vì Việt Nam không có tác phẩm hay, cũng không phải vì thiên hạ không quan tâm đến văn học Việt Nam, có thể nêu hai nguyên nhân chủ yếu như sau:

Đầu tiên là vì lâu nay, công việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài luôn trong tình trạng tự phát, gần như hoàn toàn dựa vào tinh thần hăng hái và say mê nghề nghiệp của dịch giả cá nhân. Họ lựa chọn tác phẩm theo sở thích, phải tự giải quyết lấy vấn đề bản quyền và tự lo việc xuất bản. Nếu khắc phục được tình trạng tự phát, thay bằng yếu tố tác động tích cực của cơ quan chuyên ngành hoặc cơ quan thẩm quyền, thì chắc chắn công việc này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Thứ hai là chưa có một đội ngũ chuyên nghiệp để dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài. Hiện nay dịch thuật đã trở thành một nghề nghiệp với đủ các loại hình dịch thuật chuyên môn như khoa học kỹ thuật, kinh tế, quân sự, ngoại giao v.v... Nhưng hiếm thấy người nào sống bằng nghề dịch văn học. Nếu trong một số cơ quan văn học văn hóa hoặc trong cơ quan tuyên truyền có ngạch biên chế nhân viên phiên dịch văn học, thì sẽ rất có lợi cho việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài cũng như nghiên cứu phương pháp và lý luận dịch thuật.

STYRBJORN GUSTAFSSON - CHỦ NXB TRANAN VÀ TRANSTEN THỤY ĐIỂN: cần có quỹ dịch xuất bản vVăn học Việt Nnam ra nước ngoài

Dịch thông qua tiếng thứ ba quả thực vất vả và dễ mắc lỗi. Do vậy, chúng tôi cần nỗ lực xây dựng một khuôn khổ thể chế để đào tạo dịch giả cho hai nước. Ở Thụy đĐiển, chúng tôi cần các Viện, trường Đại học tham gia phát triển Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Việt. Chị Anna Gustafsson Chen, đồng nghiệp của tôi ở NXB là nhà Trung Quốc học; nhưng chị sẽ nghiên cứu khả năng học thêm tiếng Việt đến mức độ nào đó để có thể dịch thẳng từ tiếng Việt. Chị và tôi, trong thời gian ở Việt Nam sẽ đi tìm hiểu khả năng các khoa đại học ở Việt Nam quan tâm mở các khóa nghiên cứu Scandinavia – nơi đó chính là nơi cần dạy tiếng Thụy Điển và văn hóa Thụy Điển. Việc trao đổi học thuật tương tự như vậy sẽ thúc đẩy giao lưu giữa hai nước và đảm bảo cho nó được lâu bền.

Hiện nay, các nhà xuất bản Việt Nam, cũng giống như bất kỳ nhà xuất bản nước ngoài nào, đều có thể xin tài trợ dịch của Hội đồng Nghệ thuật Thụy Điển để xuất bản văn học Thụy Điển. Nếu bản dịch thẳng từ tiếng Thụy Điển ra tiếng Việt Nam mà không cần thông qua ngôn ngữ thứ ba thì khả năng được tài trợ sẽ lớn hơn.

Tôi xin đề nghị các cấp có thẩm quyền ở Việt Nam thành lập một quỹ tương ứng để dịch và xuất bản văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài. Nếu vậy thì sẽ giúp được văn học Việt Nam được xuất bản nhiều hơn ở Thụy Điển.

Quỳnh Trang (ghi)


Bài 3: Mạc Ngôn: đổi đời nhờ... dịch giả

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm