Một bác sĩ Cát Tường - hai phim chiếu rạp

28/07/2014 08:12 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, khi Mất xác (ĐD: Đỗ Thành An) hé lộ poster và teaser thì đã có ý kiến nói phim này giống như in (?) ý tưởng với Scandal - Hào quang trở lại (ĐD: Victor Vũ), vì cùng khai thác vụ án bác sĩ Cát Tường.

Phim Mất xác do Metal Film và Long Long Media phối hợp sản xuất, bấm máy từ ngày 24/3/2014 đến 17/4/2014, dự kiến công chiếu ngày 15/8/2014. Phim Scandal - Hào quang trở lại do Galaxy và Early Risers sản xuất, bấm máy từ ngày 17/3/2014 đến 31/5/2014, dự kiến công chiếu ngày 29/8/2014.

Đói ý tưởng?

Theo nghiên cứu chuyên ngành của Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm (công bố năm 2009): “Trung bình một năm ở Việt Nam xảy ra từ 70.000 đến 80.000 vụ tội phạm”. Và mới đây (ngày 9/7/2014 tại TP Đà Nẵng) đã diễn ra buổi tọa đàm “Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em”, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (dẫn nguồn Bộ Côn an) cho biết mỗi năm Việt Nam có từ 3.000 đến 4.000 vụ bạo lực trẻ em. Vậy mà chỉ riêng vụ án bác sĩ Cát Tường đã có ít nhất 2 phim điện ảnh, 1 vở kịch, 3-4 tiểu phẩm khai thác đề tài, kể cũng lạ.


Poster chính thức của Mất xác và Scandal - Hào quang trở lại sau vài lần điều chỉnh từ các poster công bố tạm thời

Hai phim có khởi động và ra mắt gần như cùng thời gian, nên việc giống nhau về ý tưởng bị xì xào cũng không có gì bất ngờ. Trong các thông tin báo chí được tiết lộ ngập ngừng, thì bác sĩ Quân (do Chi Bảo thủ vai) của Scandal - Hào quang trở lại làm chết diễn viên Bella (Trang Nhung) do giải phẫu thẩm mỹ, rồi vứt xác xuống sông. Bác sĩ Sinh (Hoàng Phúc) trong Mất xác cũng là vụ án phụ nữ bên sông, với tít phụ rõ ràng trên poster: “không vớt được xác, không thể kết tội giết người”. Về mặt tạo hình, diễn viên Hoàng Phúc và Chi Bảo cũng có nhiều nét tương đồng với bác sĩ Cát Tường; về cảnh quay cũng có vài “xen” (scene) giống nhau, ví dụ cảnh ghe xuồng bơi trong bóng đêm đầy sương khói.

Theo các nhà phân tâm học tội phạm (ví dụ Karl Menninger), khi một nhân vật hình sự ở cấp độ thông thường (ví dụ chỉ vô tình làm chết một người do nghề nghiệp) mà được truyền thông, công chúng quan tâm đặc biệt hơn các nhân vật hình sự nghiêm trọng khác, thì phải đáp ứng được mấy lý do sau. Thứ nhất, vụ việc đó phải rơi đúng điểm rơi của truyền thông, nghĩa là lúc đó họ đang cần một vụ việc như vậy. Thứ hai nhân vật đó phải có gương mặt “ăn ảnh”, trong sáng, đẹp, thu hút, dị biệt... (bác sĩ Cát Tường khá lịch lãm, ăn ảnh). Và thứ ba, phải có cái tên dễ nhớ hoặc éo le, kiểu Cát Tường (nghĩa là may mắn, tốt lành) mà lại làm chết người, vứt xác. Nếu nhìn theo quan điểm này thì 1 vụ án 2-3 bộ phim cũng là bình thường.

Bí ẩn vẫn còn đó

Hôm Mất xác có buổi chiếu cho các nhà phát hành xem hồi đầu tháng 7/2014, được biết phía Galaxy đã cử 7-8 đại diện đến, trong khi các nơi khác chỉ cử 1-2 người, có lẽ cũng do râm ran chuyện trùng ý tưởng nói trên? Tuy nhiên, từ góc độ sản xuất, phát hành, cả hai phía chưa có phản hồi chính thức về việc này; dù việc điều chỉnh thông tin và định hướng truyền thông thì có thể nhận thấy từ cả hai phía, dù khá tinh tế.

Đạo diễn Victor Vũ và Đỗ Thành An cũng chưa có bình luận cụ thể về ý tưởng được cho là giống nhau này. Riêng Đỗ Thành An chỉ hơi ỡm ờ: “Vụ án hình sự công khai có gì đâu mà độc quyền, còn cụ thể thế nào thì xem phim sẽ rõ. Nếu có ăn cắp của nhau thì hãy đi kiện”.

Giới thạo phim dự đoán có khi đây chỉ là cách “làm màu” để tạo sự thu hút, chứ qua trailer và teaser đã thấy có nhiều sự khác nhau. Còn quả thật có sự giống nhau như in thì phải xem phim nào hay hơn, kịch bản nào sáng tạo hơn. Xin nhắc lại, Victor Vũ đã được nhiều người nhớ qua việc “làm lại” (re-make) ý tưởng các phim như Giao lộ định mệnh, Quả tim máu… nay làm thêm vụ bác sĩ Cát Tường, xem ra cũng là điều bình thường.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm