Mỗi bức ảnh là một đài tưởng niệm

09/06/2010 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Ngày 19/5/2010, Fabio Polenghi, phóng viên ảnh người Ý, trong khi đang ghi lại những hình ảnh xung đột trên đường phố thủ đô Bangkok đã trúng đạn. Viên đạn xuyên thủng phần bụng chiếc áo giáp chống đạn, Polenghi đổ xuống cùng chiếc máy ảnh của mình. Thêm một nhà báo đổi mạng sống của mình lấy những bức ảnh khét mùi súng đạn.

Fabio Polenghi được biết đến như là một nhiếp ảnh gia thời trang và quảng cáo tại Milan. Nhưng Fabio không phải là tay “bàn giấy”, ông bắt tay với Grazia Neri, một trong những hãng ảnh thời sự hàng đầu nước Ý để trở thành phóng viên ảnh. Nhiệt huyết và dấn thân, chính cái máu phiêu lưu đã đưa người đàn ông 48 tuổi này đến Thái Lan 2 tháng trước, ngay khi những bất ổn ở đất nước này mới bắt đầu.


Nằm trên cáng, phóng viên này vẫn cố ghi lại những khoảnh khắc lịch sử
Cái chết của Fabio Polenghi được tường thuật chi tiết đi kèm cùng những hình ảnh hiện trường trung thực và đầy đủ nhất, thể hiện một lợi thế vô cùng to lớn chỉ thời đại kỹ thuật số mới có được. Với những tiến bộ vượt bậc của mình, thời đại kỹ thuật số đang được xem là chiếc áo giáp giúp những phóng viên chiến trường có thể tránh được những rủi ro đến mức thấp nhất. Nhưng thời nào cũng vậy, tính hiện đại của những thiết bị tân kỳ dường như cũng chẳng thể đảo ngược số phận trên những mặt trận nóng bỏng. Phóng viên chiến trường, cả viết lẫn ảnh vẫn có riêng cho mình những mối nguy hiểm bất kể thời đại nào. Nhưng dù không tấc sắt trong tay, họ vẫn tiếp tục lao vào những điểm nóng.

Những con số

Chỉ riêng hồ sơ chính thức từ Ủy Ban bảo vệ nhà báo (Committee to Protect Journalists viết tắt - CPJ) báo cáo, năm 2007 con số các phóng viên ảnh tử nạn khi đang làm nhiệm vụ thuộc tổ chức này là 3 người trên tổng số 12 nhà báo. Năm 2008 với tỉ lệ 5 phóng viên ảnh trên 7 nhà báo đã gây lầm tưởng tình hình có vẻ khả quan hơn. Nhưng con số 12 nhà báo mà trong đó có đến 6 phóng viên ảnh hy sinh trong năm 2009 thuộc CPJ đã thực sự làm những người lạc quan nhất phải lo ngại.

339 nhà báo đã chết từ năm 2002 đến nay đã buộc các tổ chức quốc tế phải lên tiếng bằng Hồi chuông báo động về sự an toàn của nghề báo. UNESCO cũng chính thức bày tỏ lo ngại khi công bố danh các nhà báo đã bị sát hại (Remember Assassinated Journalists) thuộc tất cả các tổ chức trên trang web của mình.


Chỉ có máy ảnh và không hề được bảo vệ
Những tháng 5 màu đỏ

Không chút khó khăn để tìm về những tháng 5 nghiệt ngã trong vài năm gần đây. Trong 3 tay máy bị sát hại năm 2007 có cái chết trẻ của nhiếp ảnh gia tự do người Nga Dmitry Chebotayev khi mới tròn 29 tuổi. Vào Chủ nhật ngày 7/5/2007, chiếc xe của quân đội Mỹ chở Dmitry và 6 người lính khác đã bị xé ra từng mảnh khi bị trúng bom đươc cài ven đường tại tỉnh Diyala, phía đông bắc thủ đô Baghdad (Iraq).

Dmitry Chebotayev được tạp chí Newsweek bản tiếng Nga cử đến Iraq hơn 2 tháng trước đó để ghi lại những hình ảnh của quân đội Mỹ đang nỗ lực kiểm soát các tuyến đường tại Diyala. Chebotayeb đã hoàn thành nhiệm vụ của mình khi cái chết của anh trở thành bản báo cáo trung thực nhất. Giám đốc điều hành CPJ khẳng định: “Bi kịch này nhắc chúng ta rằng không hề có sự an toàn để tái thiết Iraq”.

Chỉ 4 ngày sau khi tưởng niệm một năm cái chết của Dmitry Chebotayeb, một nhà báo khác đã bị sát hại tại Kashmir. Ngày 11/05/2008, nhà báo - phóng viên ảnh Sodhi đã đeo vội chiếc máy ảnh và lên đường ngay khi hay tin có đụng độ tại huyện Samba. Ngay trong ngày hôm đó, Excelsior, tờ nhật báo hàng đầu ở bang Jammu và Kashmir đã mất đi Ashok Sodhi – phóng viên ảnh hàng đầu với thâm niên 25 năm.

Sau cái chết của Sodhi, tổng giám đốc UNESCO, ông Koichiro Matsuura đã phải thốt lên: “Sự an toàn của các nhà báo là vấn đề hết sức quan trọng. Nó thật sự cần thiết để các phóng viên có thể làm công việc của họ và đưa thông tin đến công chúng, ngay cả trong những khu vực đang có xung đột”.

Không chỉ những phóng viên ảnh xông pha ngoài chiến trường phải đối mặt với cái chết. Mexico, một đất nước không có chiến tranh lại phải chứng kiến cái chết thương tâm của nhà báo - phóng viên ảnh kì cựu Eliseo Barron Hernandez của tờ Chính kiến (La Opinión)

Vào khoảng 8 giờ ngày 25/05/2009, có ít nhất 8 tay súng bịt mặt xông vào nhà, nơi Barron sống cùng vợ và hai cô con gái. Chúng đánh đập và bắt Barron lên một chiếc Nissan Tsuru trắng đậu sẵn bên ngoài. Đó là lần cuối cùng người ta thấy ông.


Ngay cả cái chết cũng không thể chia lìa chiếc máy ảnh
Ngày hôm sau, nhà chức trách tìm thấy thi thể của Eliseo Barron Hernandez tại một mương nước thủy lợi ở thành phố Gomez Palacia, Durango. Theo báo cáo cho biết, Barron đã bị tra tấn và bắn ít nhất 11 phát đạn.

Trước khi bị sát hại dã man, phóng viên 35 tuổi Barron đã theo đuổi những vụ bê bối tham nhũng của cảnh sát trong suốt 10 năm và những bài báo, bức ảnh của ông đã dẫn đến việc sa thải hơn 300 cảnh sát Mexico.

Sự lộng hành không dừng ở đó, hai ngày sau, khi Barron được đưa đi chôn, đã có 5 tờ áp phích lớn được treo ngay trước đài truyền hình, phát thanh và báo chí địa phương. Thông điệp rất rõ ràng của trùm ma túy “Lucifer”, kẻ đã ra lệnh giết Barron: “Bố già và tay chân sẽ không tha thứ, bọn cảnh sát và nhà báo hãy coi chừng”.

Mỗi bức ảnh là một đài tưởng niệm

Con người và những mâu thuẫn sinh ra trước, vì thế ngay từ những ngày đầu, nền nhiếp ảnh thế giới đã phải có sẵn cho mình những phóng viên ảnh. Với những chiếc máy ảnh cồng kềnh và cự li ghi ảnh không xa, các nhiếp ảnh gia thời ấy vẫn không màng chuyện sống chết để biến những khoảnh khắc trở thành bằng chứng. Sự dấn thân vẫn còn nguyên khi trong thời đại kĩ thuật tân tiến đã giúp máy ảnh chụp xa hơn, nhưng những con người như James Natchway vẫn kè kè chiếc máy ảnh với ống kính 35mm khi “ra trận”.

Trớ trêu thay những con người cống hiến ấy nhiều khi bị một số người coi là “kền kền” chuyên ăn thịt xác chết. Những bức ảnh đánh đổi bằng cả mạng sống luôn bị đem ra ngắm nghía ở nhiều mức độ và những câu hỏi luôn được nêu ra: “Sao anh không ngăn nó lại?”, “Sao anh không đến sớm hơn?”. Công việc của những nhiếp ảnh gia chiến trường luôn bị sức ép từ nhiều phái, kèm theo cả những hiểm nguy không bao giờ được báo trước. Tất nhiên, không phải vì họ mong chờ một Pulitzer và đó như là một kiểu mệnh lệnh mà họ nghe theo số phận. Phải chăng khi Gerda Tado cầm máy sang chiến trường Tây Ban Nha trong đệ nhị thế chiến, bà đã biết mình được ghi danh như là nữ phóng viên ảnh chiến trường đầu tiên bị sát hại?

Có lẽ vì thế mà Clark Hoyt, biên tập tờ New York Times đã nói: “Điều hổ thẹn nhất mà người ta có thể làm là lãng quên”. Cũng có lẽ vì thế giáo sư môn lịch sử nhiếp ảnh của trường Cooper Union, bà Gail Buckland, dặn đi dặn lại các sinh viên rằng: “Chính những bức ảnh đã cho thấy Iraq ngày nay còn nghèo hơn nước Mỹ ở thế kỷ 19”.

Những lời đe dọa lẫn cái chết tháng Năm giống như Barron, Dmitry và Fabio Polenghi vẫn còn đó, nhưng những chiếc máy ảnh vẫn sẽ có mặt khắp mọi nơi để ghi lại bằng chứng rằng – mỗi bức ảnh là một đài tưởng niệm.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm