Mô phỏng thô sơ, làm sân khấu nghèo đi

05/07/2009 15:45 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tốt nghiệp khoa thiết kế trường ĐHSKĐA có nhiều tên tuổi: Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Lê Thanh Sơn, Vi Kiến Thành, Nguyễn Huy Hoàng đã thành danh ở hội hoạ, chỉ Đỗ Doãn Bằng là người hiếm hoi làm nghề theo đúng ngành đã học và thành đạt qua gần 200 vở. Hiện là họa sĩ thiết kế sân khấu (TKSK) duy nhất của Nhà hát kịch Việt Nam, anh là họa sĩ đầu tiên của VN tu nghiệp về TKSK ở Châu Âu. Trở về từ Berlin (Đức) sau 4 tháng học về mỹ thuật, kỹ thuật SK, HS Đỗ Doãn Bằng trao đổi với TT&VH.

* Sang Đức học TKSK 4 tháng, anh đã được tiếp xúc với những bậc thầy TKSK chứ?

- Đúng vậy. Phòng TKSK của Nhà hát Schaubuhne có 6 người, làm việc trực tiếp với tôi là ông trưởng phòng - đó là họa sĩ TKSK có tiếng ở Châu Âu, Jan Pappellbaum (SN 1962). Năm 2006, ông đã thiết kế vở Hedda Gabler của H.Ibsen được bình chọn là vở diễn có TKSK xuất sắc thế giới. Xem Hedda Gabler, thấy Jan thật đáng phục. Sử dụng thạch cao, composite, gỗ, kính, trong một ngôi nhà, nhưng cực kỳ sinh động. Họa sĩ đặt gương trên trần cùng với sân khấu quay, lột tả được cả không gian ẩn “sau bức tường” - là sáng tạo chưa từng có ở VN. Ví dụ có 3 nhân vật, một nhân vật bỏ đi, thì hoạt động của anh ta thế nào sau khi ra khỏi nhà, người xem vẫn được chứng kiến, trong khi vẫn xem nhân vật ở trong nhà diễn.


Đỗ Doãn Bằng trong studio lâu đời ở Berlin

* Nghe nói người Đức làm SK thật như điện ảnh?

- Tôi đã xem 10 vở: Âm mưu và tình yêu (J. Schiller),Vườn anh đào, Ba chị em (A.Sekhov), Con chim bồ câu… Điện ảnh vẫn gián cách với khán giả qua màn ảnh. Đằng này, những gì nhìn thấy trên những sân khấu này là thật ngay trước mắt. Hàng ghế đầu cách sân khấu 1,5m. Ở vở Âm mưu & tình yêu, khi Ferdinand đang yêu Louise, bị cha ép lấy phu nhân Millford, cao trào bức xúc, anh vuốt ve cây đàn cello như âu yếm người yêu, rồi đập tan nó. DV đập cái đàn thật, nó vừa được chơi trong cảnh trước: 4 cô gái chơi cello cùng 1 anh đánh guitare. Cứ mỗi đêm diễn đập một cái đàn. Vở Hedda Gabler, mỗi đêm đập 3 bình hoa cực đẹp. Vở Gesauber cảnh đánh nhau, những cú roi quật cực mạnh (tất nhiên DV dùng kỹ thuật), “máu” ộc ra từ miệng nhân vật “bị đánh”.

Ở đây, còn phải nói đến thói quen người xem. Sân khấu VN “xa” khán giả, ước lệ nhiều, nên khán giả đã quen nếp ấy. Nếu không có sự thay đổi từ phía những người làm sân khấu thì thiệt thòi cho cả 2 phía và cả nền sân khấu. Vì không có khán giả hiện đại đòi hỏi, thì khó có tiến bộ đột biến.

* Như vậy, anh đã 2 lần xuất ngoại để học về ngành TKSK, lần trước là sang Mỹ, lần này là sang Đức. Chắc anh đã có những so sánh với VN?

- Lúc ở Mỹ, tôi có tham gia làm 2 vở, đi xem nhiều, nhận thấy sân khấu Mỹ mang tính tả thực, họ thích đưa không gian thực tế lên sân khấu, ít ước lệ. Còn Đức, là sự đan trộn giữa hiện thực và ước lệ, hiện thực đặt bên dưới. Sân khấu VN mang tính ước lệ nhiều. Để thay đổi rất khó bởi nếp nghĩ coi nghề TKSK chỉ là trang trí, minh họa, làm gì cũng phải mang tính biểu tượng. Ví dụ, làm vở Thạch Sanh phải có cánh cung làm bối cảnh, về hoàng hậu phi tần có chiếc quạt, vở tâm lý xã hội là hình quả tim, rồi quả tim vỡ ra, hay là người nhiều “mặt”… Đó là cách làm mô phỏng thô sơ, làm sân khấu nghèo đi vì mọi thứ cứ lồ lộ. Trước khi đi học ở Mỹ, Đức, tôi đã nghĩ đến cách thoát khỏi lối mòn này…

* Anh muốn một cuộc “cách mạng”, khi có mình anh được học ở Mỹ, Đức về TKSK, làm sao thay đổi được! Người ta sẽ “bàn lùi”, sẽ nói đến khác biệt Á - Âu, thuần phong mỹ tục?…

- Chắc chắn một mình tôi không làm được những thay đổi có tính chất “cách mạng” trong TKSK. Không phải cứ đi Tây là giỏi, nhưng nền văn hóa lớn, SK lâu đời chắc chắn có nhiều điều đáng học. Không nên lười thay đổi, né việc tiếp cận văn minh.

* Cảm ơn anh.

Vi Thùy Linh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm