Minh Châu "Mimosa": "Được vẽ là sung sướng"

04/05/2009 14:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ký ức thiếu thời trong nhiều nghệ sĩ tôi biết qua ti vi đen trắng; có người làm tôi ngưỡng mộ, có người chỉ quen mặt, quen tên. Riêng cô ca sĩ mắt to tròn, có nốt ruồi trên miệng phải, gắn với bài Mimosa làm tôi không quên được: Minh Châu. Vì cô ấy hát rất hay bài này, vì hễ thấy cô là thấy “Mimosa từ đâu em tới/Mimosa vì sao em tới”. Nhưng từ khoảng sau 1990, không thấy cô hát nữa. “Minh Châu đi đâu?”. Chỉ còn câu hỏi mà không có lý giải chính xác. Chị dành cho TT&VH cuộc trò chuyện nhân sự kiện triển lãm (TL) tranh lần đầu tiên - Mùa mới, từ 5 đến 15/5 tại 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Hội họa là nguyên cớ cuộc gặp này và cũng là một phần lời đáp.

Từ hát chuyển sang vẽ tranh

Thực ra, Minh Châu không “đi đâu” khỏi Hà Nội. Chị sinh trưởng, gắn bó với nơi này. Câu hỏi “đi đâu” kia chứa đựng thắc mắc và tiếc nuối cho một giọng hát nữ trung, quãng rộng, nhiều xúc cảm. Người ta nhớ chị, chỉ với một bài Mimosa, là hạnh phúc cho hành trình ca hát khá ngắn của một người không học nhạc từ lò “nhạc viện” và không từng thuộc biên chế đoàn nghệ thuật nào. Tạo được dấu ấn, dù lóe sáng, còn đáng quý hơn mờ nhạt cả đời.

Điều không lạ với nhiều nữ nghệ sĩ, là thường “giảm tốc” sự nghiệp (hạn chế chạy show, đi nhiều, đi xa) thậm chí ngừng hẳn. Có thể là tự nguyện hoặc do hoàn cảnh bắt buộc. Nhưng đó là tất yếu, phản ánh quy luật của mưu sinh, của chọn lựa giữa bổn phận, thiên chức với khát vọng cá nhân, với Minh Châu, sự rút lui, do tính cách vốn dĩ của chị, thích giản dị, lặng thầm.

Và cũng bởi, cuộc hôn nhân của chị khiến nhiều người xuýt xoa, hạnh phúc đủ đầy thỏa mãn rồi, theo đuổi ca hát làm gì nữa. Chị kết hôn với người con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - nhà văn hóa, ngoại giao lớn được thế giới biết đến và trân trọng. Chị sống ở phố Đội Cấn, bên chồng - Thiếu tướng Phạm Sơn Dương (Viện phó Viện KHCN môi trường) một người nghiên cứu khoa học nhưng có cả nghìn đĩa nhạc và hai con ngoan, xinh xắn: con trai Quốc Hoa (1994), con gái Quốc Hương (1997) đều do ông nội đặt tên, với ý nghĩa “là hoa, hương của đất nước”. Nhưng chị vẫn gắn với nghệ thuật, theo cách của chị. Không phải họa sĩ (HS) và không muốn cố để được các danh hiệu, lặng lẽ vẽ 200 bức tranh, có xưởng vẽ riêng (gác 3, 46 Hàng Chuối). HS Lê Thiết Cương là người thường xem tranh, chia sẻ, góp ý, thúc giục chị nên đưa ra triển lãm. Khi phim tài liệu Ký ức cầu Long Biên (LB) nhắc đến hàng trăm bức vẽ của Minh Châu về cây cầu này, nhiều người ngỡ ngàng: “Minh Châu vẽ lúc nào, từ khi nào mà được nhiều thế?”.

Trước khi nói đến Minh Châu vẽ, tôi muốn gặp lại Minh Châu hát, để giải đáp câu hỏi Minh Châu đi đâu 18 năm qua, cho chính mình và cho nhiều khán giả.

Hoa và cầu LB

* Mỗi khi được nhắc đến thời ca hát ấy, chị có tiếc nhớ không?
 
- Cảm ơn bạn và những người vẫn nhớ đến tôi, thời hát cũng là thời trẻ, đẹp nhất của đời người, làm sao mà không nhớ. Nhưng tôi tự nhớ theo cách của mình, chứ không phải có người hỏi nhắc, mới nhớ.

* Những năm ấy, chị hay lên ti vi và bài Mimosa chị hát hay nhất, hay đến mức hình như có mình chị hát bài này, không ai hát nữa? Sao chị lại hát về loại hoa Đà Lạt hay thế, có kỷ niệm gì đặc biệt chăng?

- Không, lúc đó tôi chưa từng đi Đà Lạt, cứ tưởng là hoa dại. Tôi thấy bài hát này của Trần Kiết Tường trong sách nhạc. Rất thích và tập luôn. Nó mơ mộng, đắm say, da diết, có sự khoáng đạt của thiên nhiên, cao nguyên quyến rũ. Khi thành công rồi, đến 1989, được Đài TH Lâm Đồng mời, tôi mới đến Đà Lạt lần đầu và nhìn tận mắt mimosa.
 
* Ngay khi là SV, chị đã có giải, chương trình riêng, đó là bước khởi đầu tốt đấy chứ!

Sẽ triển lãm riêng về 100 bức
tranh cầu LB

Tôi đã có 100 bức vẽ cầu Long Biên. Với đề tài bất tận này, sẽ có lúc dành triển lãm riêng cho nó. Tôi thích vẽ khổ lớn, bức tranh lớn nhất 2,6 x 3m, cũng về cầu Long Biên. Nếu có thể, tôi thích vẽ cầu LB dài 100m. Không phải ngông cuồng đâu, mà phải kích thước ấy mới thỏa cho mình vùng vẫy. Tôi yêu cầu LB và đã quan sát nó mọi thời điểm. Cả khi nó bé nhỏ, khi đồ sộ, khi ồn ã, khi hun hút, nhưng đẹp nhất vào mùa Đông. Tôi có thể đi trong mưa hay ngồi suốt trưa nắng để ngắm, ký họa cầu và ngoại cảnh quanh nó.

- Tôi ngừng hát để lấy chồng, tập trung cho tổ ấm. Không nên quá tham lam, cái gì cũng muốn. Tôi “sống chậm”, luôn muốn yên ổn, không thể vừa bay nhảy, xuất hiện trước công chúng, lưu diễn mà lại chu toàn được gia đình. Tôi rất kính trọng, thương quý bố chồng và yêu chồng. Tự nguyện ngừng hát, điều ấy có gì là “hy sinh” đáng nói đâu. Đam mê có, khả năng có, nhưng tổ ấm bình yên, quý giá hơn. Tôi không ích kỷ.

* Minh Châu hát về mimosa, lần đầu triển lãm cũng về hoa? Chị hãy giới thiệu về tác phẩm và cuộc triển lãm lần này.

- Thích nhiều loại hoa, lần này tôi có 6 bức hoa sen, hướng dương, thạch thảo, cúc nhiều màu, khổ từ 80 cm đến 1,2m. Có bức vẽ từ 2006, có bức vừa xong.

Ở triển lãm này, nổi tiếng nhất là Lê Thiết Cương thủ lĩnh chỉ chọn 2 bức, vẽ hạt cốm và hạt thóc. Phạm Trần Quân 4 bức (lay - ơn, hoa chuối, sen, loa kèn). Lê Thị Minh Tâm 4 tranh trừu tượng và Phan Thị Minh Châu nhiều nhất - 6 bức. Đây là khởi đầu anh em làm cho vui, chứ tôi không hài lòng với tôi đâu.

* Ngoài vẽ hoa, chị được nhiều người biết đến với những bức tranh vẽ cầu LB. Chị đã vẽ bao nhiêu bức về cầu LB? Sao chị lại yêu thích đề tài này đến vậy?

- Tôi thấy nó đầy lịch sử, huyền ảo, hiện thực. Cầu LB có ký ức, lịch sử của nó, và ký ức lịch sử ấy là một phần của lịch sử Thăng Long ngàn năm, vì nó ôm trọn thế kỷ 20, sống cùng Hà Nội.

Cầu đã già, đã cũ nhưng mỗi lần đi qua, lại có một cảm giác mới. Nó chứa đựng hiện thực và bí ẩn, hiện đại và hoang sơ, ập về, cùng đối chọi. Nó là cây cầu nối quá khứ và hiện tại, không đơn thuần phân chia hai bờ, bên nghèo - bên giàu, ngoại ô - trung tâm. Đi đâu xa về, nhìn thấy cầu LB, là biết đã chạm thực sự vào Hà Nội. Từ trên cầu, nghiêng đầu bên này, nhìn về phía cầu Thăng Long, sông Hồng lúc sẩm tối, rất mờ mịt, hoang vu. Nghiêng bên kia thì chi chít đèn, nhà, người xe tấp nập. Tôi đã quan sát cầu ở mọi vị trí, mọi góc cạnh, đi qua, đứng ngang, bước dọc, bên cạnh, chính giữa, trên cao, từ dưới, chếch, thẳng. Mỗi lần lại phát hiện một điều thú vị, ví dụ như những vành thép đỡ cầu bền bỉ dẻo dai, nhịp cầu còn - mất, hàng cọc giữ đất ở dưới bãi, như thuộc về dòng sông, như những con người kiên trung.

Sẽ ra CD, nhưng không hát trước công chúng nữa

* Vẽ không để bán, không để phô bày (kể cả treo trong nhà), vậy chị gửi gắm gì ở hội họa?

- Được vẽ là sung sướng. Tôi không tham vọng tiền bạc, tiếng tăm, không cần ai biết mình vẽ. Chỉ một vài người hiểu, đến xưởng xem, góp ý. 5, 10 năm nữa triển lãm cá nhân. Lúc đó già rồi, không ai nhớ đến Minh Châu hát nữa, cũng được. Khi nào hài lòng thì mới triển lãm.

* Những người nhớ giọng hát Minh Châu, có cơ hội nghe chị hát nữa không? Sẽ có ngày chị đổi ý, trở lại sân khấu chứ?

- Không, tôi thích ẩn mình, lặng lẽ, tôi không hát trước công chúng nữa.

Nhưng tôi vẫn hát đều, khi nghe bài hay, tôi tự tập theo; và ru con. Những đứa con lúc nào cũng bé bỏng. Trước kia, tôi đã có 1 băng cassette, cuối năm nay tôi sẽ ra 1 CD riêng làm kỷ niệm, Dihavina sản xuất. Ấp ủ dự định này lâu rồi, nhưng giờ mới làm được. Bên cạnh bài Việt Nam, tôi sẽ hát những bài quốc tế mà tôi thích (dù không phổ biến) .

* Cảm ơn chị. Chúc chị sẽ hài lòng trong hội họa và CD được đón nhận.

Vi Thùy Linh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm