Mẹ “trẩy kinh” trong gió bấc

05/01/2011 10:56 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Tối qua 4/1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình Xẩm Hà thành do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc tổ chức. Đặc biệt, đêm diễn có sự xuất hiện của nghệ nhân hát xẩm cuối cùng - Hà Thị Cầu với bài xẩm Theo Đảng trọn đời do chính cụ sáng tác.

Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu từ trần

Mặc dù, tuổi cao sức yếu, lại mới phải đi viện, nhưng cụ vẫn cố gắng lên Hà Nội để biểu diễn.

Nhai trầu trong Nhà hát Lớn

Sáng qua, mặc dù thời tiết lạnh “cắt da, cắt thịt’’, nhưng cụ vẫn có mặt ở Nhà hát Lớn đúng giờ cùng các nghệ sĩ tập luyện để biểu diễn. Cụ được con gái và con rể đưa ra Hà Nội 2 ngày trước để dưỡng sức. Đến Nhà hát Lớn, 2 con đỡ hai bên, cụ vừa đi vừa hát: Mẹ già như chuối chín cây... Cụ chào GS Hoàng Chương và được các con đưa vào ngồi ở hàng ghế khán giả, xem các nghệ sĩ: Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa, Thúy Ngần... biểu diễn.

Tôi vào ghế ngồi cùng, chào cụ, cụ vuốt vào má tôi: “Chào chị!”, rồi cười tủm tỉm, nháy mắt rất hóm hỉnh. Chả cần tôi giới thiệu cụ nói luôn: Ngày xưa còn đi hát mỗi năm mấy lần ra Hà Nội... Con gái cụ nói ngay: Cụ yếu rồi, nhớ nhớ quên quên, nhưng điệu xẩm thì tinh tường lắm. Trên sân khấu nhà hát, NSƯT Thúy Ngần biểu diễn bài Thập ân, cụ nói luôn: xẩm Thập ân đấy và lẩm nhẩm hát theo.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu biểu diễn trong buổi tổng duyệt
Mặc dù trời rất lạnh, nhưng cụ vẫn quấn chiếc khăn mỏ quạ, mặc nhung, quần sa tanh như các bà các cụ ở quê. Con gái cụ nói rằng, bảo mặc quần tất bên trong, nhưng cụ không chịu. Tôi hỏi cụ mặc mấy áo: Cụ hóm hỉnh: “3 áo, ấm rồi’’. Nói dứt, cụ quay sang xin thuốc lào. Con gái cụ lấy trong túi 1 cái lọ nhỏ, vê đưa cụ một điếu thuốc để cụ nhai thêm cùng trầu cho khỏi nhạt!

“Mỗi ngày tôi ăn khoảng 15 miếng trầu. Ăn trầu ngon và giữ được răng. Tôi có 32 cái răng, giờ bị mất 4 cái thôi’’. Con gái cụ nói thêm: “Cụ ăn cơm thì không nhiều, nhưng uống rượu và nhai trầu thì nhiều quá!’’.

“Được ra Hà Nội biểu diễn chắc cụ vui lắm?’’- “Vui nhiều chứ! Văn hóa văn nghệ mà!’’- Cụ nói và cười nghe rất hóm. Tôi bảo: “Cụ liếc mắt lém lỉnh ghê!”- Cụ lườm tôi: “Mắt có ve đấy: Ve vẻ vè ve/ Cái vè lá lốt...’’.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu được trao danh hiệu Nghệ nhân dân gian (2004), Nghệ sĩ ưu tú (2008) và giải thưởng Đào Tấn - giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.

Trong buổi tối qua, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã biểu diễn trước khán giả 1 bài mang tên Theo Đảng trọn đời, theo điệu Thập ân do chính cụ sáng tác từ những năm 70 của thế kỷ trước. Mặc dù không biết chữ, nhưng vì niềm tin yêu, cụ đã sáng tác nên bài xẩm này. Trong bài có những câu hết sức đanh thép và cũng hết sức dân gian như: Giặc kia là giặc quỷ ma/Ăn gan uống máu dân ta bao lần... Để rồi nhắn nhủ rằng: Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề...

Cũng trong sáng qua, khi Tổng đạo diễn Thanh Ngoan mời “bu’’ lên sân khấu. Cụ vừa hát, vừa đánh nhị, vừa “huýt’’ các “con cháu’’ đệm nhạc theo ý mình. Các nghệ sĩ phải trầm trồ vì giọng “mẹ’’ vẫn khỏe và hay như thế. Khi “mẹ’’ kết thúc bài hát, các tràng pháo tay vang lên, mà “mẹ” vẫn ‘’thèm’’ được hát tiếp...

Đến năm 2010, gia đình cụ vẫn… nghèo nhất xã  

Nghệ nhân Hà Thị Cầu năm nay đã 90 tuổi. Cụ nói với tôi rằng: “Tôi tên là Hà Thị Năm, Cầu là tên con trai cả’’. Từ năm 8 tuổi, cụ đã theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê hành nghề hát xẩm kiếm sống và rồi thâm nhập những câu hát rong nơi kẻ chợ. Cụ nói rằng, thực chất cụ có những 7 người con. Ngày xưa đói quá, phải cho đi mất 4 người... Hiện nay 3 người con của cụ đã có con cháu, nhưng họ đều có hoàn cảnh khó khăn cả. Mặc dù, đến giờ cụ có rất nhiều danh hiệu, giải thưởng đặc biệt... nhưng cuộc sống của cụ vẫn vô cùng khó khăn. Đến năm 2010, gia đình cụ vẫn thuộc diện những hộ nghèo nhất xã!

Nghệ nhân Hà Thị Cầu tâm sự rằng, học trò theo học “bu’’ rất nhiều, có nhiều người là nghệ sĩ có tiếng như: Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa... Nhưng học trò quê “bu’’ thì chúng nó học xong rồi bỏ đấy, đi lấy chồng sớm hết. Chúng nó không dám đi hát vì sợ chồng ghen tuông, đâu được người thông cảm như mình.

Con gái cụ nói thêm với tôi rằng: "Mấy năm gần đây cụ không có nhiều lời mời. Trong những nơi mời cụ đi diễn, có nơi hứa trả 2 triệu đồng, nhưng khi hát xong chỉ trả có 500 ngàn, nhưng chúng tôi cũng không dám hỏi. Có nơi bảo gia đình cho cụ đi ô tô riêng lên, sẽ thanh toán, nhưng gia đình cũng không có tiền, chỉ đưa cụ đi bằng xe khách. Có lần được thanh toán tiền xe, có lần không. Thực ra, những số tiền bồi dưỡng đó chẳng đáng là bao. Cho đến giờ, ở cái tuổi cổ lai hy, cụ cũng không có chế độ gì...".

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm