Mash-up: Trò vui mới của V-Pop?

31/08/2014 07:43 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, trào lưu mash-up (sự kết hợp khéo léo các bài hát nổi tiếng lại với nhau, mỗi bài một đoạn ngắn lần lượt xuất hiện hoặc cùng lúc xuất hiện chồng lên nhau) khá phổ biến và được giới trẻ đón nhận khá nhiệt tình. Trào lưu này liệu có đi được đường dài hay chỉ là trò vui nhất thời của V-Pop?

Bùng nổ từ sân khấu tới truyền hình

Mash-up không lạ lẫm ở thế giới nhưng tại Việt Nam nó mới chỉ thực sự bùng nổ trong gần một năm qua. Phần mở màn đáng nhớ của trào lưu này là tiết mục biểu diễn của Hồ Ngọc Hà tại lễ trao giải Làn sóng xanh tháng 12/2013. Đó là bản mash-up của Nguyễn Hải Phong gồm 5 ca khúc Từ ngày anh đi, Lặng thầm một tình yêu, Sẽ mãi bên nhau, Xin hãy thứ tha, Hãy thứ tha cho em. Sự mới lạ trong cách trộn nhạc, tạo một “tứ” nghe tươi mới đã làm công chúng rất chú ý. Ngay sau đó, mash-up bắt đầu trở thành cơn sốt.

Tháng 1/2014 nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong lại tiếp tục “bồi” thêm cho cơn lốc này tại lễ trao giải Zing Music Awards với tiết mục của Hoàng Tôn, Sơn Tùng MTP, Noo Phước Thịnh, Justa Tee, Big Daddy, Tiên Cookie trong bản mash-up những ca khúc đang rất thịnh hành. Đến tháng 3, Hải Phong tung ra sản phẩm mash-up chính thức đầu tiên của mình với 8 bài hát ăn khách nhất trên thị trường.


F Band, nhóm nhạc đang gây sốt tại chương trình Nhân tố bí ẩn với những bản mash-up cuốn hút

Sau Nguyễn Hải Phong, lần lượt Vicky Nhung Nguyễn, Isaac Thái, Ryan Duy Hùng… gây chú ý trên những trang nhạc online. Tiếp sau đó, mash-up bùng nổ trên truyền hình trong những cuộc thi âm nhạc. Từ Giọng hát Việt nhí đến Nhân tố bí ẩn… đều phủ rộng mash-up. Cuộc thi Nhân tố bí ẩn năm nay gây ấn tượng nhất chính là các nhóm nhạc và phần quan trọng để đưa họ trở thành “nhân tố ấn tượng” chính là mash-up. Rất nhiều nhóm sử dụng thể loại này như một cách lôi kéo công chúng. Đặc biệt là nhóm F Band, họ sử dụng mash-up khá nhuần nhuyễn và khéo léo, kết hợp rất lôi cuốn những bài hit cũ để tạo thành một tiết mục đặc sắc và đám đông gần như lập tức “vote” cho họ.

Câu hỏi là liệu điều này có làm âm nhạc bị mất màu, những bài “hit” có bị mất đi hồn vía của nó?

Miễn là hay, hay tiếp tục tranh cãi?

Nhạc sĩ Thanh Tâm bày tỏ quan điểm:  “Nếu cứ đòi bảo toàn hồn vía của ca khúc nguyên thủy, chúng ta nên chọn nghe bản phối nguyên thủy. Khi tìm một cái gì mới để nghe, tôi nghĩ miễn nó hay là được. Âm nhạc quan trọng nhất là phải hay. Tôi làm phối khí cũng thường hay được yêu cầu rất khó, là vừa phải mới lạ, vừa phải giữ được cái này hay cái kia của bản nhạc cũ. Ta nên đặt cái cũ ở một vị trí của nó, và miễn sao cái mới không thô tục, không làm bậy bạ, không phản cảm là được. Không hay thì không nghe. Còn nếu không giữ được hồn vía của ca khúc nguyên thủy mà vẫn hay, thậm chí hay hơn, hồn vía theo kiểu đương thời hơn, thì tốt chứ”.

Tuy vậy, điều này ở thế giới bấy lâu nay vẫn còn tranh cãi.

Mash-up (hay còn gọi là mesh, mash-up, blend, bootleg) là sự kết hợp khéo léo các bài hát nổi tiếng lại với nhau, mỗi bài một đoạn ngắn lần lượt xuất hiện hoặc cùng lúc xuất hiện chồng lên nhau. Trên một khuôn khổ có sẵn đó là những bài hát, người làm mash-up phải vô cùng sáng tạo để khiến người nghe thấy thú vị. Nó tương tự công việc sáng tạo của một DJ nhưng cao cấp hơn, vì cần phải có kiến thức sâu về hòa âm, về quy luật của âm nhạc. Nhìn chung đây là một giải pháp tức thời và rất hiệu quả để thể hiện sự sáng tạo của người thực hiện, thông qua những ca khúc quen thuộc, sẽ dễ dàng được người nghe nhạc thừa nhận và ủng hộ.

Chỉ ghép từ những track nhạc và track giọng hát có sẵn, không có thêm bất kỳ một tiếng nhạc cụ nào, mash-up không được xem là công việc chuyên nghiệp như những nhà sản xuất âm nhạc đang làm. Nhưng người làm nó phải có trình độ và tầm nhìn như một nhà sản xuất âm nhạc. Xu thế thông thường là ghép 2 bài nhưng mash-up đẳng cấp là sự phối ghép, trộn lẫn khiến người nghe không nhận ra bản gốc và trộn được càng nhiều bài càng tăng cấp độ kỹ năng của người phối. Ở Mỹ, nổi tiếng nhất thể loại này là DJ Earworm khi anh từng mash-up 25 bài hit của bảng xếp Billboard vào năm 2007. Hay Girl Talk, anh chàng được xem là phù thủy mash-up với mỗi tiết mục có khoảng 25-30 bài và kết hợp rất sáng tạo.

Mash-up xuất hiện từ non nửa thế kỷ trước, bắt đầu từ Mỹ, có lúc được xem là một cuộc chơi giai điệu đầy sáng tạo, lúc là một tác phẩm hoàn chỉnh nghiêm túc, cũng có khi bị tố là đạo nhạc và cũng nhiều lần bị giới làm nghề tẩy chay vì chuyện vi phạm bản quyền…

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cũng đồng ý rằng ¨“Chính vì mash-up không tạo ra từ cái mới, chỉ ghép từ cái cũ nên nó liên quan đến bản quyền. Có thể nói là làm mash-up hay remix cũng là kiểu của vi phạm bản quyền. Vì vậy mà khó lòng được xem là chuyên nghiệp”. Đó là chưa nói hiện nay ở Việt Nam, trào lưu mash-up nở rộ nhưng dường như nhiều người vẫn chưa hiểu hết thế là mash-up và những sản phẩm khi nghe kỹ lại chẳng khác liên khúc (medley) là bao nhiêu.

Mash-up có 2 dạng: Một là, ghép từ các audio và video của nhiều nghệ sỹ, dùng chính giọng hát của nghệ sĩ (gọi là video mash-up). Dạng mash-up này không xuất hiện biểu diễn sân khấu, vì các nghệ sĩ thường không có dịp để diễn cùng. Dạng còn lại là người tạo ra mash-up với mục đích biểu diễn. Phải sử dụng nhạc cụ để chơi và hát lại. Ở Việt Nam, cả hai dạng này thật sự vẫn chưa làm được đến nơi đến chốn cho dù giới trẻ Việt đang rất tôn sùng những tên tuổi chuyên nghiệp như Sam Tsui, dù có hình mẫu nhưng làm vẫn chưa ra mùi.

Vậy trào lưu này có đi được đường dài? Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho rằng: “Nó có thể phát triển cho sân khấu, những lễ trao giải, những cuộc thi, làm để chơi và chia sẻ chứ khó lòng trở thành sản phẩm chính thức phát hành, trừ khi các nhà sản xuất mua bản quyền để thực hiện”.

Ở Mỹ, bạn có thể tùy ý sử dụng những bài hát cũ để trộn mash-up nhưng nếu sản phẩm bán ra thì phải trả tác quyền 0,94 USD cho mỗi bài hát sử dụng trên một lần bán ra. Ở Việt Nam, điều này vẫn đang rất khó thực hiện.

Nhạc sĩ Thanh Tâm thì dự đoán: “Về tính đường dài, mash-up có thể là một nét chấm phá, một giải pháp khác thay thế cho cách làm liên khúc xưa nay vẫn có, tạo sự thú vị cho người thưởng thức theo kiểu vui là chính. Sức hấp dẫn của nó có thể tồn tại trong thời gian ngắn. Thực tế thì nó cũng có thể giúp ta phát triển tư duy khi kết hợp với phim ca nhac, hay nhạc kịch chẳng hạn. Nghĩa là nó có thể không là một thể loại âm nhạc, nhưng có thể giúp các thể loại âm nhạc khác trở nên hấp dẫn hơn”.

Mash-up đang tươi mới tại Việt Nam. Nhưng xét cho cùng, điều quan trọng nhất của một nền âm nhạc là sự phát triển dựa trên sáng tạo cái mới, mà điều này mash-up không len vào được. “Quan điểm cá nhân tôi là không nên xem nó là xu hướng phát triển, vì người nghe nhạc sẽ vẫn cần sự xuất hiện của những ca khúc mới, hợp với sự phát triển của âm nhạc thế giới hơn” - nhạc sĩ Thanh Tâm chia sẻ điều này.

Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm