Marlene Dietrich bị 'tố' tàn nhẫn: Góc tối của một huyền thoại Hollywood

21/03/2014 07:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lâu nay nữ minh tinh Mỹ gốc Đức Marlene Dietrich (1901-1992) được xem là một biểu tượng nhiều ảnh hưởng của Hollywood. Tuy nhiên bà vừa bị cháu trai cáo buộc lạnh lùng và tàn nhẫn với chính con đẻ, qua đó có thể làm giảm bớt sức lôi cuốn vẫn tồn tại lâu nay.

Theo lời David Riva (53 tuổi), cháu trai đồng thời là người đại diện của Marlene Dietrich, bà Dietrich đặc biệt tàn nhẫn khi không làm gì để bảo vệ đứa con gái duy nhất của mình, sau khi cô bị một người giữ trẻ đồng tính tấn công tình dục.

"Con có chết đâu?"

Thông tin gây chú ý này được Riva tiết lộ tại cuộc đấu giá những kỷ vật của huyền thoại Hollywood. Riva cho tờ The Mail biết: “Dietrich là người lạnh lùng và xa cách. Dietrich không phải là một người bà, một người mẹ như bao người phụ nữ bình thường khác”.

Riva có cơ sở để nói những lời này. Mẹ của ông là bà Maria (89 tuổi), chính là đứa con duy nhất của Dietrich. Chính Maria từng viết một cuốn tiểu sử về mẹ mình, trong đó bà tiết lộ Dietrich chưa bao giờ thể hiện tình mẫu tử với con gái.

Bà Maria kể lại việc mẹ đã thuê một người giữ trẻ đồng tính chăm sóc mình, dẫn tới việc bà bị người này cưỡng bức năm 13 tuổi. Khi Maria kể lại chuyện với mẹ, Dietrich chẳng buồn bận tâm. Bà còn lạnh lùng hỏi lại: “Giờ chuyện đó đã qua rồi phải không? Mà con cũng có chết đâu, hãy tự xử lý (chuyện của con) đi”.


Huyền thoại màn bạc Marlene Dietrich với  cháu trai David Riva (ảnh trái) và con gái duy nhất - Maria (ảnh phải)

Cuộc sống phóng túng

Dietrich là diễn viên Đức đầu tiên thành công ở Hollywood, từng gây tiếng vang với những vai diễn trong phim The Blue Angel (1930) và Judgement At Nuremberg (1961). Bà luôn tự làm mới bản thân và được coi là một biểu tượng vĩ đại của ngành giải trí thế kỷ 20.

Năm 1982, Dietrich đồng ý tham gia bộ phim tài liệu về cuộc đời mình, mang tên Marlene (1984), do Maximilian Schell đạo diễn, nhưng bà từ chối xuất hiện trước ống kính máy quay, chỉ cho phép thu âm giọng nói. Đạo diễn Schell vẫn sử dụng những cuộc phỏng vấn kỳ lạ đó làm nền tảng của bộ phim, kết hợp với nhiều đoạn phim ngắn về sự nghiệp của bà.
Phim về sau đã đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh châu Âu và được đề cử giải Oscar Phim tài liệu hay nhất năm 1984. Tạp chí Newsweek còn ca ngợi đây là “bộ phim độc đáo, có lẽ là phim tài liệu lôi cuốn và gây xúc động nhất làm về một ngôi sao điện ảnh vĩ đại”.
Tuy nhiên không như danh tiếng sự nghiệp, vốn được “đánh bóng” một cách kỹ càng, cuộc sống riêng tư của bà lại “kín như bưng”. Vì thế ít người biết bà nghiện rượu và mắc chứng cuồng ăn vô độ. Bà cũng lừa dối chồng, trợ lý đạo diễn Rudofl Sieber, trong suốt 52 năm hôn nhân khi quan hệ “ngoài luồng” với nhiều đàn ông và cả phụ nữ.

Những người tình của bà gồm John Wayne, Kirk Douglas, Frank Sinatra, nữ minh tinh Greta Garbo và nữ ca sĩ huyền thoại Pháp Edith Piaf. Riva cho biết: “Dietrich ngủ với bất cứ ai bà thấy hấp dẫn”.

Nhưng dù xem Dietrich là một người lạnh lùng, Riva vẫn thừa nhận bà ngoại mình có “khí chất anh hùng”. Bà đã khiến trùm phát xít Đức Adolf Hitler nổi khùng khi nhập quốc tịch Mỹ và giúp giải khuây lính Mỹ ở tiền tuyến bằng các ca khúc ăn khách, như Lili Marlene.

Bà cũng cắt đứt quan hệ với em gái khi phát hiện cô này đang điều hành một rạp chiếu phim mua vui cho những kẻ canh gác trại tập trung Bergen-Belsen chết chóc. Thái độ và các hoạt động chống phát xít mạnh đã góp phần giúp Dietrich được tôn vinh giải thưởng cao quý nhất của nước Mỹ là Huân chương Tự do.

Kết thúc không có hậu

Sự nghiệp ngôi sao sân khấu quốc tế của Dietrich kết thúc vào ngày 29/9/1975, sau khi bà bị ngã gãy đùi trên sân khấu, trong một màn diễn ở Sydney, Australia. Năm sau đó, chồng bà qua đời vì bệnh ung thư.

Dietrich xuất hiện lần cuối cùng trước máy quay vào năm 1979, với vai phụ trong phim Just A Gigolo của đạo diễn David Hemmings. Ngoài vai diễn này, bà còn thể hiện ca khúc chủ đề phim.

Trong những năm cuối đời, Dietrich sống cực khổ trong một căn hộ ở Paris, uống rượu và lạm dụng các loại thuốc giảm đau. Bà chỉ cho phép một số ít nhân vật là người nhà và người giúp việc được vào căn hộ của mình. Trong thời kỳ đó, bà chủ yếu liên lạc với mọi người qua thư từ và điện thoại. Cuốn tự truyện của bà, Take Just My Life, được phát hành hồi năm 1979.

“Trong suốt 15 năm, bà không hề ra khỏi căn hộ của mình. Bà được đề nghị trao giải Oscar danh dự nếu đích thân tới nhận giải, nhưng đã từ chối. Bà không muốn hình tượng mà bản thân dày công tạo dựng trong suốt 60 năm trời lại bị hủy hoại bởi những bức ảnh chụp sự già nua của chính mình” - Riva nói, và cho biết thêm khi một tay paparazzi cố gắng trèo lên cửa sổ để chụp ảnh, Dietrich đã bắn anh ta bằng khẩu súng lục bà giấu dưới giường.

Dietrich qua đời trong nợ nần hồi năm 1992, ở tuổi 90, sau nhiều năm sống phóng túng dù không kiếm thêm được đồng nào. Chính phủ Đức về sau đã mua lại hầu hết các kỷ vật của bà và trưng bày trong một bảo tàng ở Berlin.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm