Lụa (Bài 3): Lụa là nơi tài năng bộc lộ rõ nhất

29/09/2010 06:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Họa sĩ Lương Xuân Đoàn thích sơn dầu nhưng lại được chỉ định học chuyên khoa Lụa - khoa Hội họa, đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), dưới sự giảng dạy của nhà giáo - họa sĩ Nguyễn Thụ.

* Bức tranh Chiều trên đảo Hòn Tre của ông (trưng bày tại phòng chuyên đề Tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) có một bảng màu lạ và khác hẳn so với hầu hết các bức tranh lụa trưng bày trong bảo tàng. Hẳn ông còn nhớ những dư luận, ý kiến từ trong giới chuyên môn về sự khác và lạ này khi bức tranh ra đời?

- Bức tranh đúng là có sự thay đổi lớn về đĩa màu cho lụa. Từ trước nó, bảng màu chủ đạo của tranh lụa vẫn là sắc nâu sồng, vàng đất, đỏ bã trầu, sắc trắng ngà, những gam màu trầm ấm, dịu dàng gần với tố chất cơ bản của lụa. Ngay khi học trong trường mỹ thuật, sinh viên chúng tôi rất thấm sự bao trùm của bóng dáng Nguyễn Phan Chánh với những bức tranh lụa được xếp vào hàng kinh điển của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam, chúng dường như đã tạo nên một khuôn mẫu, một quy ước cho bảng màu tranh lụa, vì thế mà những thử nghiệm hay thay đổi cũng không dễ dàng chút nào...


Chiều trên đảo Hòn Tre - Lương Xuân Đoàn
Tôi vẽ Chiều trên đảo Hòn Tre trong một mạch cảm xúc mạnh mẽ sau chuyến đi thực tế. Trước, tôi vẫn luôn nghĩ đến một đĩa màu đa dạng hơn cho lụa, từng thử nghiệm với bài tốt nghiệp nhưng không mấy thành công. Ra trường rồi thì được tung tẩy hơn. Tôi gửi bức tranh đi dự Triển lãm toàn quốc năm 1980, không ngờ được 1 trong 10 giải A, tức là được sự chấp thuận lớn trong Hội đồng nghệ thuật do danh họa Trần Văn Cẩn làm chủ tịch. Nếu nhìn vào lịch sử của Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, triển lãm năm đó là một dấu mốc hết sức quan trọng bởi nó khởi đầu cho một sự thay đổi lớn của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới.

* Như ông vừa nói thì những bảng màu kinh điển của tranh lụa kể từ thời Nguyễn Phan Chánh rất gần với tố chất cơ bản của lụa. Vậy còn với bảng màu tạm gọi là mới của ông thì nó như thế nào?

- Tôi không nghĩ là nó xa cách với tố chất của lụa. Lụa trắng trong, tinh tế, sâu lắng, mềm mại và ấm áp. Bảng màu mới của tôi không làm biến dạng những tố chất ấy.

* Sau thành công với giải A của triển lãm toàn quốc năm đó, hình như ông không tiếp tục với lụa nữa thì phải?

- Nói đúng nhất là tôi tắc với lụa... vì công việc và cuộc sống của tôi thay đổi, tôi không đủ sự tĩnh tâm để vẽ trên lụa nữa. Tôi chuyển sang trạng thái "nghĩ lâu, vẽ nhanh" - trạng thái này không hợp với lụa nên tôi không cố.

* Nghĩa có những nguyên tắc riêng khi làm tranh lụa?

- Thứ nhất, khi vẽ lụa, họa sĩ không thể che giấu được những hạn chế về hình và sắc hay sự cẩu thả, sơ sài về kỹ thuật - thứ mà sơn dầu hay thậm chí sơn mài có thể giúp phần nào nhờ vào việc tạo nên những ấn tượng bề mặt, tỉ dụ như bảng hòa sắc phong phú, việc chồng lớp màu, đắp nổi, thêm những “phụ gia” trên tranh…. Với lụa, tất cả chỉ có trên một bề mặt phẳng mà thôi; lụa là nơi mà tài năng, sự điêu luyện nghề nghiệp hoặc hạn chế của họa sĩ được bộc lộ rõ ràng nhất. Thứ hai, khi vẽ lụa, họa sĩ rất cần phải có sự nhẹ nhõm, thanh thản, tĩnh tâm thực sự từ tâm hồn đến cảm xúc. Thứ nữa, lụa hoàn toàn có thể đáp ứng được mọi ngôn ngữ hội họa hiện đại, từ hiện thực đến biểu hiện, trừu tượng, lập thể, siêu thực; tôi biết có họa sĩ đã thử nghiệm những xu hướng trên với lụa. Chỉ có điều, với không gian trên mặt lụa trong, nơi họa sĩ bộc lộ mọi tài năng hoặc hạn chế nên việc lựa chọn ngôn ngữ hội họa là hết sức quan trọng, nếu chỉ là hình thức thuần túy thì dễ thất bại...

* Là người đi và quan sát nhiều công việc của người trong giới mỹ thuật, ông có thể đưa ra một số nhận xét về hiện tình của tranh lụa hiện nay?

- Tôi cũng nghĩ là lụa và sơn mài đang rơi vào thời đoạn bế tắc trong việc tìm kiếm sự thay đổi của ngôn ngữ mới trên chất liệu truyền thống. Đặc biệt với lụa, thế hệ đi chúng tôi chưa tạo ra được những cú hích về mặt nghề nghiệp để kích thích thế hệ trẻ đến với lụa, như là những thành công trong thay đổi về bảng màu, ngôn ngữ thể hiện. Đồng thời, kinh tế thị trường là một áp lực quá mạnh mẽ, tranh lụa không vượt khỏi dòng tranh thương mại cầm cự hạng ngày ở các gallery…

* Những lo ngại về sự cáo chung của tranh lụa phải chăng là có cơ sở, thưa ông?

- Tôi không khẳng định hay phủ định câu hỏi này, bởi tôi vẫn nghĩ rằng, đây đang trong giai đoạn quá độ, có thể kéo dài đến chừng năm 2020… Tranh lụa chưa có hồi kết đâu và tôi vẫn đang hi vọng về sự biến chuyển lạc quan của nó. Riêng cá nhân tôi, tôi vẫn đang chờ để đến thời điểm có thể trở lại vẽ tranh lụa, hay nói cách khác là như chờ cái duyên trở lại với tranh lụa vậy.

Phong Vân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm