'Love Actually' gây tranh cãi mùa Giáng sinh: Kinh điển hay dở tệ?

25/12/2013 07:11 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Ở Việt Nam, Love Actually (tạm dịch: Yêu thực sự) có thể là bộ phim về Giáng sinh nổi tiếng nhất trong những năm gần đây. Còn ở phương Tây, khán giả chia làm 2 phe yêu ghét rõ rệt, tranh luận nảy lửa.

Love Actually (2003), đạo diễn Richard Curtis, là phim hài tình cảm. Phim lấy bối cảnh nước Anh trước, trong và sau một mùa Giáng sinh, quy tụ dàn diễn viên hùng hậu, có nhiều tuyến nhân vật. Mỗi tuyến là một câu chuyện tình, tất cả đều kết thúc có hậu ở cuối phim.


Cảm hứng chính của bộ phim là "Tình yêu ở quanh ta" (Love is All Around – cũng là tên bài hát được ngôi sao nhạc rock Billy Mack trong phim hát lại của nhóm Wet Wet Wet, bằng phiên bản mới Christmas is All Around).


Năm nay, bộ phim tròn 10 năm ra mắt. Trong mắt phần đông khán giả, đây là một phim hay và kinh điển, nhưng với một số còn lại, bộ phim dở tệ, khiên cưỡng và quá nhiều cảnh nóng, tại sao lại như vậy? Tất cả đều xoay quanh 9 câu chuyện tình yêu chính và cách các cặp tình nhân đến với nhau.


"Bộ phim kém lãng mạn nhất mọi thời"


Đại diện cho phe ghét Love Actually, nhà phê bình phim Christopher Orr, viết như vậy trên trang The Atlantic.


Orr thừa nhận, khán giả khắp nơi không chỉ coi Love Actually là phim Giáng sinh kinh điển, mà còn mở ra xem lại mỗi năm như một truyền thống của ngày lễ này. Ông cho rằng điều này là điên rồ. "Nếu bộ phim có thể hiện tinh thần của một ngày lễ nào đó, thì là Valentine’s Day (Lễ Tình nhân) mới đúng".


Poster bộ phim

Orr nhận xét thêm: "Đây là một trong nhiều phim hài tình cảm tệ hại của thập kỷ qua. Bộ phim không lãng mạn, thậm chí còn chống lại sự lãng mạn".


Nhà phê bình cho rằng phần lớn các mối tình trong phim đều đề cập đến sự hấp dẫn thể xác chứ không có tinh thần và đó là một thông điệp sai lầm về tình yêu. Phần lớn trong các mối quan hệ, hai người không hoặc hiếm khi nói chuyện với nhau (do ngại ngần, do bất đồng ngôn ngữ) nhưng vẫn tin chắc rằng mình yêu người kia say đắm.


Chẳng hạn, mối tình giữa nhà văn người Anh Jamie (Colin Firth đóng) và nữ phụ tá người Bồ Đào Nha Aurelia (Lucia Moniz). Theo Orr, 2 nhân vật này không nói được với nhau một câu nào trong thời gian làm việc chung. Nhà văn bị hấp dẫn bởi cô phụ tá chỉ vì một lần cô cởi đồ để bơi xuống hồ cứu bản thảo của ông.


Sau đó, Jamie quyết tâm học tiếng Bồ Đào Nha nhưng cũng không phải để trò chuyện và tìm hiểu tâm hồn của Aurelia, mà là để đến tận nơi cô ở và… cầu hôn luôn. Theo Orr, trong mối quan hệ này nhà làm phim đã xây dựng một chuyện như trò đùa, nhưng lại được đẩy lên thành mối tình đầy lãng mạn.


Orr cũng lên án một mối tình khác, vốn được ca ngợi nhiều nhất phim, đó là tình yêu thầm lặng của anh chàng Mark (Andrew Lincoln) với vợ bạn, là Juliet (Keira Knightley). Mark cũng chưa từng dám nói chuyện với Juliet và rất hay tránh mặt cô, nhưng lại say sưa quay lại mọi hình ảnh của cô trong đám cưới. Theo Orr, chi tiết này cho thấy Mark say mê Juliet vì vẻ ngoài chứ cũng chẳng hiểu gì tâm hồn cô.


Trong một bài viết khác, bàn đến việc bộ phim tràn ngập cảnh nóng không thích hợp với tác phẩm dành cho gia đình, Orr viết: "Đây hầu như là một phim khiêu dâm tình cảm".


Cảnh phim nổi tiếng trong Love Actually khi Mark (Andrew Lincoln) tỏ tình với Juliet (Keira Knightley).

Có dở, có hay, nhưng vẫn được yêu thích


Dù yêu hay ghét Love Actually, người ta vẫn không thể không thừa nhận những mối tình trong phim ít nhiều có sự khiên cưỡng. Các mối quan hệ hầu như được giải quyết trọn vẹn chỉ bằng lời tỏ tình, trong khi dường như ở đời thực, lời tỏ tình chỉ là dấu mốc khởi đầu nhiều chuyện phức tạp khác của tình cảm.


Trong bài "bút chiến" với Orr để bênh vực bộ phim, một cây bút khác của The Atlantic là Emma Green viết: "Đúng là chúng ta không thấy những cuộc nói chuyện dài có tính vun đắp cho mối quan hệ giữa những người yêu nhau. Nhưng cũng phù hợp nếu bộ phim muốn giữ cảm giác bí ẩn về cách các mối tình hình thành".


Dù có vài mối tình tạo cảm giác hời hợt và đến quá nhanh, nhưng vẫn có những mối quan hệ sâu sắc, như giữa đôi vợ chồng già do Emma Thompson và Alan Rickman đóng, khi người chồng nảy sinh ham muốn ngoại tình.


Theo Green, diễn xuất tinh tế của cả hai diễn viên kỳ cựu đã khiến người xem cảm nhận được nỗi đau và sự dằn vặt, cùng cảm giác hạnh phúc khi đoàn tụ.


Nói Love Actually sâu sắc tinh tế không hẳn là sai. Nhưng nếu cho rằng phim hời hợt khiên cưỡng cũng có chỗ đúng. Bởi, khoảng 9 mối quan hệ chính được tạo ra trong phim không cân bằng về độ sâu sắc. Đó cũng chính là điểm yếu ở một bộ phim quy tụ quá nhiều diễn viên và tuyến truyện.


Điều đáng nói là, bộ phim vẫn được khán giả yêu mến và nhớ lại sau 10 năm.

Một số cảnh lãng mạn nổi tiếng trong “Love Actually”:

- Cảnh Mark đến nhà người bạn thân vào đêm Giáng sinh và gọi riêng vợ bạn, Juliet, ra để tỏ tình bằng các tấm biển ghi sẵn, trên nền nhạc A Silent Night, trong đó tấm cuối cùng là "Đối với anh, em hoàn hảo".

- Cảnh Jamie cầu hôn Aurelia bằng thứ tiếng Bồ Đào Nha ấp úng trong nhà hàng đông nghịt khách chiều Giáng sinh và cô được người chị thúc giục nói đồng ý.

- Cảnh cậu bé Sam vượt qua đội ngũ an ninh để chạy theo cô bé Joanna ở sân bay khi cô bé chuẩn bị lên máy bay rời đi cùng gia đình.

- Cảnh Thủ tướng Anh David (Hugh Grant đóng) đi gõ cửa từng nhà ở một dãy phố dài để tìm ra ngôi nhà của cô gái Natalie, người ông yêu. Trước đó, David có bài phát biểu ấn tượng, lên án nước Mỹ và ngợi ca nước Anh ngay trước mặt Tổng thống Mỹ (Billy Bob Thornton), gây ấn tượng cho cả đất nước.

- Sau khi dự tiệc Giáng sinh ở nhà danh ca Elton John, ngôi sao nhạc rock sắp hết thời Billy Mack nhận ra người thực sự có ý nghĩa với ông là Joe, người quản lý kiêm bạn thân. Ông tìm đến và trải qua đêm Giáng sinh cùng bạn.



Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm