Lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số: Chất lượng giảm sút!

25/11/2010 09:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng qua 24/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đánh giá kết quả 10 năm bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số VN do Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH, TT&DL) tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn cho biết: Lễ hội nói chung, lễ hội các dân tộc thiểu số nói riêng là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Có thể nói, lễ hội là ‘’bảo tàng sống’’ chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian... của từng dân tộc; là kho tàng di sản văn hóa vô giá, tạo nên bản sắc độc đáo của nền văn hóa VN.


Lễ hội đâm trâu

Trong vòng 10 năm qua, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ VH, TT&DL đã hỗ trợ phục dựng hơn 50 lễ hội dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi, các tỉnh gặp khó khăn. Tuy nhiên, các lễ hội này vẫn chưa khai thác được nhiều, vì sự mai một. Mặc dù, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ít bị thương mại hóa, nhưng có ý kiến cho rằng, có những lễ hội còn rườm rà về thủ tục, kéo dài gây lãng phí... Rồi tình trạng ách tắc, xộn xộn, xả rác trong các lễ hội thường xuyên diễn ra. Hiện tượng mê tín dị đoan, đốt vàng mã, cờ bạc trá hình... cũng đã gây bức xúc trong dư luận! Có nơi, đồng bào tham gia vào các nghi thức cúng tế lại không mặc đúng trang phục theo nghi thức lễ hội. Một số lễ hội hiện nay chỉ còn lại trong ký ức của các cụ già, còn lứa tuổi thanh niên họ không biết hoặc không quan tâm.
 
Nhiều đại biểu cho rằng, sau 10 năm thực hiện quy chế lễ hội, các quy định về công tác lễ hội chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều lễ hội được tổ chức tràn lan, trùng lặp về thời gian, hình thức, nội dung. Những người tổ chức lễ hội đều chỉ tự mày mò, tự học dẫn đến tình trạng sao chép kịch bản, sao chép cách tổ chức... Hàng loạt các lễ hội na ná nhau liên tiếp ra đời, ít đem lại hiệu quả....

Sau hội nghị, Bộ VH,TT&DL sẽ kịp thời rút kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch tổ chức định kỳ các lễ hội có quy mô lớn, bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu, coi trọng tính độc đáo riêng của mỗi loại hình lễ hội, đồng thời tiếp tục hỗ trợ để khôi phục những lễ hội đặc sắc đang đứng trước nguy cơ thất truyền, mai một!

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm