Lâm Thị Mỹ Dạ - người yêu “truyện cổ nước mình” (Bài 1)

04/10/2009 15:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhân một chuyến công tác tới Huế, tôi đã có dịp gặp lại người yêu “truyện cổ nước mình” - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Bằng giọng Huế đặc trưng, nhỏ nhẹ, mượt mà, bà đã thổ lộ cho tôi nghe “tình yêu” của mình đối với truyện cổ nói chung và nhất là “truyện cổ nước mình”…

Tuổi thơ như “ráng chiều
đỏ lựng”

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm
1949 tại Lệ Thủy, Quảng Bình. Bà từng viết về thời thơ ấu của mình: Mẹ không có cửa nhà/ Em đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên đá/ Biết khi nào nở hoa? Hay “Tuổi thơ tôi như ráng chiều đỏ lựng/ Hắt máu xuống dòng sông đen...”.


Thân sinh ra nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là ông Lâm Thanh, một người gốc Hoa từng tham gia Việt Minh ở huyện đội Lệ Thủy (Quảng Bình) thời chống Pháp. Cuối năm 1949, sau khi con gái Lâm Thị Mỹ Dạ chào đời, ông cùng bố mẹ vào Sài Gòn làm ăn nhưng không thể mang theo vợ và cô con gái nhỏ tuổi. Ở Sài Gòn, ông Lâm Thanh vừa làm ăn sinh sống vừa bí mật tham gia giúp đỡ cách mạng, được tặng Bằng khen Chính phủ vì đã có công với cách mạng thời chống Mỹ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký (1975). Trước đó, cùng với mẹ ở quê Lệ Thủy, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ phải chịu rất nhiều sự dè bỉu, coi khinh chỉ bởi mang tiếng là cháu của địa chủ, con của một người “theo địch”. Dù đi học hay đi chơi, gặp người lớn hay bạn bè ngang vai phải lứa cũng đều bị hắt hủi, xa lánh...

Chưa hết, mẹ của nhà thơ Mỹ Dạ biết chút tiếng Pháp, thời trẻ hay đi bán hàng cho lính Pháp ở các đồn bốt. Lúc đó, vì thi thoảng vẫn nghe bà “chêm” ít tiếng Pháp mà người ta đã quy ngay cho bà là “gián điệp” ém lại nên bỗng dưng bị mang ra “đấu tố”. Ngày ấy, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mới 10 tuổi, nhưng với những nỗi đau liên tiếp ập đến trong một tâm hồn còn rất đỗi ngây thơ đã ám ảnh tâm trí bà đến nỗi chỉ có thể giãi bày, trút lên trang giấy qua 32 bài thơ u uất, buồn thảm, trong đó có những câu mà mỗi khi nhắc đến bà lại nhớ, lại ám ảnh và rưng rưng.

Bà tự bạch: Tuổi thơ tôi có
những nỗi trắc ẩn - và khi mới lên 10 tôi đã có bài thơ Dòng sông đen. Bài thơ rất buồn. Tôi đã nhìn dòng sông xuyên qua tâm hồn đau đớn, tối thẳm của tôi lúc đó. Nhưng sau 25 năm, khi con gái tôi bằng tuổi tôi ngày ấy trở lại dòng sông quê hương, tôi đã nhận ra một điều: dòng sông không có đen mà nó rất trong xanh. Phải chăng tâm linh con người là cội nguồn - là thứ gương soi kỳ lạ đặc biệt phản chiếu màu sắc ánh sáng thơ, ánh sáng đời sống. Và tấm gương soi đó không có thời gian, không có tuổi. Có thể khi ta đã già tâm hồn vẫn còn rất trẻ và ngược lại.

Làm thơ từ khi còn nhỏ, nhưng mãi đến những thập niên 70 của thế kỷ trước, tài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ mới bắt đầu được nhiều người biết đến. Nhà thơ Hải Bằng, một nhà thơ hoàng tộc Huế đã theo “tiếng lành đồn xa” tìm gặp bà, đọc thơ rồi nhờ nhà thơ Xuân Hoàng, nhà văn Trần Công Tấn đưa bà về cơ quan Hội Văn nghệ Quảng Bình. Năm 1973, bà nhận Giải Nhất Cuộc thi thơ báo Văn nghệ và chỉ sau đó một năm (1974) bà ra tập thơ Trái tim sinh nở,được bạn bè đồng nghiệp cũng như đọc giả yêu thơ đánh giá cao qua những hình tượng thơ lạ, đầy gợi cảm. Năm 1978, bà được Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên giới thiệu đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, đến năm 1988, đi học khóa cao học ba tháng tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ)...

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1981 - 1983; Giải A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 1998 với tập thơ Ðề tặng một giấc mơ.

Tôi yêu truyện cổ

Từ Lệ Thủy (Quảng Bình) vào Huế
năm 1975, đến năm 1978 bà sáng tác bài thơ Truyện cổ nước mình. Bà nói: “Bản thân tôi là một người đam mê truyện cổ và đọc nhiều truyện cổ. Từ lâu tôi đã và luôn ấp ủ những câu thơ mang dáng hình cổ tích và khi đã chín muồi nó đi vào thơ rất nhanh. Bài thơ Truyện cổ nước mình là một bài thơ mà trong đó, truyện cổ là chất liệu”.

Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì gặp người tiên độ trì
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang.
Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người
                (Theo SGK Tiếng Việt lớp 5, tập 2)

Bài thơ này khi đưa vào SGK nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng không biết. Bà nói: “Có lẽ khi đưa vào SGK, Hội đồng biên tập đã có một lý do nào đó tôi cũng không rõ nữa, và bỏ đi 4 câu cuối (“Sẽ đi qua cuộc đời tôi/Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi/ Nhưng bao truyện cổ trên đời/ Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm” - PV).

Nếu cắt đi mà vẫn mang
tính giáo dục cao, có được sự đồng cảm, một sự tác động tích cực đến các em học sinh thì cũng là điều tốt. In cả bài, thậm chí cả tập mà không làm cho các em thích, không giáo dục được các em phần nào thì còn đáng trách hơn. Tiếc là, trẻ con bây giờ ít đọc sách, không mấy em thích đọc truyện cổ nữa nên rất có thể khi đọc Truyện cổ nước mình của tôi các em không hiểu hết được ý nghĩa. Thậm chí là không bao giờ hiểu được ý nghĩa của bài thơ ấy!”

Kỳ sau (Chủ nhật, 11/10):
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Có những cuộc đời như huyền thoại

YÊN KHƯƠNG (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm