Lại có một cuộc vui

28/02/2010 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nhiều hoạt động nghệ thuật được chờ đón trong ngày đầu Xuân, một trong số ấy có rất nhiều "fan hâm mộ" trên cả nước, bất phân tuổi tác, nghề nghiệp, ấy là Ngày thơ Việt Nam, năm nay đã bước sang năm thứ tám. Không chỉ một buổi, ngày thơ Việt Nam năm nay kéo dài đến ba ngày - từ ngày 13 đến Rằm tháng Giêng. Và như lệ thường, dù chỉ là "một góc" trong Ngày thơ Việt Nam nhưng từ vài năm nay, sân thơ Trẻ vẫn luôn gây được nhiều sự chú ý (theo hai trường phái khen và chê).

Ba góc sân thơ Trẻ

Trước Rằm tháng Giêng hơn ba tháng, Ban văn Trẻ đã tổ chức họp tìm ý tưởng cho sân thơ năm nay. Nhiều ý tưởng được đưa ra, bàn luận sôi nổi để cuối cùng chốt lại quyết tâm làm mới hoàn toàn sân thơ bằng “ba góc”: Sắp đặt, Trình diễn, Đọc truyền thống.

Các poster của Ngày thơ Việt Nam 2010
Cùng với ba góc, thành phố Hà Nội được tái hiện với những tòa nhà hiện đại cao như The Manor; các khu tập thể cũ vàng ố với “lồng cọp”, “chuồng chim”; dãy nhà ống phố cũ, nghiêng ngả cột ăng ten ống nhôm đơn giản cùng giàn hoa tím trước hiên; phố cổ nhà tường rêu phủ mái ngói nâu; hay đầy biểu tượng như mặt Hồ Gươm lóng lánh in hình Tháp Rùa, cầu Long Biên và Hồ Tây sương phủ. Các gương mặt nhà thơ trẻ từng có đóng góp với sân thơ 5 năm trước được sắp xếp trên nền phố ấy. Người thiết kế “núi” poster để tạo được không gian Hà Nội đó là Nguyễn Trương Quý, một kiến trúc sư trẻ và cũng là người rất “say” viết về Hà Nội. Suốt 6 năm, trước mỗi Rằm tháng Giêng lại thấy anh miệt mài sắp xếp ý tưởng, thiết kế sân khấu, chụp ảnh, liên lạc với từng nhà thơ lấy tư liệu, làm photoshop đến “mờ cả mắt”. Chẳng năm nào thấy anh ăn một cái Tết ngon miệng bởi chưa kịp nuốt xong miếng bánh chưng đã phải ngồi vào máy tính. Mọi việc xong xuôi, anh lại chuyển file cho các tác giả chờ thông qua. Khi mọi người gật gù rồi mới chuyển sang khâu in. Những năm trước Nguyễn Trương Quý thường tự mình mang đi in ấn. May mắn là hai năm nay số poster này được công ty truyền thông TN group in giúp miễn phí. Cứ 14 tháng Giêng, Quý đã phải túc trực trên xưởng mộc, cùng đám thợ tay ghim bấm tay gỗ, bấm khung cho từng poster. Cuối cùng, sau khi cầm giẻ lau kỹ poster sạch bụi, Nguyễn Trương Quý mới dám thở hắt ra một cái, để chờ một năm sau quay vòng công việc, mỗi năm thêm nhà thơ, công việc cũng thêm dày. Lao tâm khổ tứ như vậy cũng vì tình cảm với... thơ và Ban văn Trẻ chứ thù lao quả thật là rất khiêm tốn.


Thành quả của kiến trúc sư Trương Quý
Cũng vì phong trào chung, mong muốn làm sân thơ tốt nhất có thể để nhiều người trẻ khác cùng vui, những người trẻ hoặc không còn trẻ nữa của Ban văn Trẻ tạm gác chuyện kinh phí tổ chức thường xuyên hạn hẹp, huy động sức người sức của của từng thành viên và các cộng tác viên. Sân khấu suốt 5 năm nay có công ty T&A của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đứng ra tài trợ.

Những chậu đào lớn chen giữa hàng poster đều là trông cậy cả vào việc nhà thơ Hữu Việt mượn được của Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội! Khi các chậu đào đến nơi, nhà thơ Hữu Việt cùng nhà văn Phạm Ngọc Tiến không chỉ tự mình kéo xe đưa cây vào sân mà còn trông nom cây cối cẩn thận suốt thời gian diễn ra hội thơ, cầu trời đất chiều lòng người đừng có nắng gắt, mưa nặng hạt, hay bạn trẻ nào đó vui tay hái hoa bẻ cành... hòng các chậu cây được “nguyên hình vẹn trạng” về trả lại nơi mượn.

Dàn âm thanh đã có nhà thơ Phan Huyền Thư lo với giá phải chăng. Ca sĩ nổi tiếng đến hát như Tùng Dương, Khánh Linh hay Kim thì cũng nhờ vào mối thân quen để lấy chút cát-sê “cho vui”.

Làm việc từ... giường bệnh

Tại nhiều địa phương cũng tổ chức Ngày thơ Việt Nam với quy mô lớn hơn so với các năm trước. Ngày thơ Quảng Ngãi với chủ đề Biển đảo quê hương; ở Phú Yên, đêm thơ Nguyên Tiêu tổ chức tại núi Nhạn; 6 tỉnh phía Bắc cùng nhau tổ chức ngày thơ tại Thái Nguyên với chủ đề Vầng trăng Việt Bắc; TP.HCM tổ chức Ngày thơ tại Nhà hát Lớn Thành phố với chủ đề Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long; tại Huế sau khai mạc hội thơ là hội thảo với chủ đề Từ cố đô nhớ về cố đô. Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... đều tổ chức Ngày thơ Việt Nam.

Sân thơ Trẻ năm nay, mặc dầu mọi khâu xong cơ bản từ ý tưởng, poster, chọn tác giả tham gia sân thơ và tác giả được in hình trên poster (bỏ phiếu công khai, lựa chọn hết sức nghiêm túc từ thành viên Ban văn Trẻ và cộng tác viên), viết xong kịch bản tổng thể, phân công nhiệm vụ chi tiết đến từng người... thế nhưng khi đến khâu kết nối và thực thi công việc thì nhà văn Võ Thị Xuân Hà phải vào viện mổ, nhà văn Nguyễn Đình Tú gia đình có việc buồn nên không thể có mặt đúng ngày thơ, nhà thơ Bảo Chân lên đường sang Pháp, nhà thơ Phan Huyền Thư rục rịch đi Mỹ, nhà văn Phan Thị Vàng Anh - trưởng ban - ở TP.HCM khó thể quán xuyến.

Vì hạn chế di chuyển, nhà văn Võ Thị Xuân Hà phải… nằm trên giường, nhờ dịch giả Nguyễn Thụy Anh lo văn bản, thủ tục rồi mang đến nhà để chị ký, thay chị đi lấy giấy mời và phát cho mọi nơi cũng như tìm thuê khách sạn, chuẩn bị chu tất các khâu đi lại ăn ngủ nghỉ cho các nhà thơ trẻ đến từ TP.HCM, Vũng Tàu, Huế, Quảng Ninh, Cao Bằng... Chưa năm nào sân thơ Trẻ nhiều việc và đông nhà thơ tham gia như năm nay.

Ở góc Đọc thơ truyền thống có nhà thơ Hữu Việt điều hành, ở góc Trình diễn có nhà thơ Phan Huyền Thư cùng nhóm thơ 360 dẫn dắt, ở góc Sắp đặt, gần nửa số nhà thơ tham gia đều ở xa như Từ Huy, Nguyên Anh, Huỳnh Lê Nhật Tấn, vì vậy nhà thơ Nguyễn Anh Vũ ngoài thực hiện tác phẩm của cá nhân, còn phối hợp làm giúp tác phẩm cho các bạn.

Vào lúc khi sân thơ Trẻ đang rục rịch tập dượt, dựng sân khấu, không còn khoảng cách giữa các nhà văn, nhà thơ trẻ đã là hội viên hay chưa là hội viên. Dưới sự điều hành tại chỗ của nhà thơ Trần Quang Quý, mọi người hăng hái lao vào cả những việc “con mọn”. “Phải chờ ngày thơ diễn ra suôn sẻ xong xuôi đâu vào đó thì mới đỡ lo”, nhiều nhà văn, nhà thơ tham gia vào khâu tổ chức chia sẻ. Có cùng đồng hành với Ban văn Trẻ và nhóm cộng tác viên mới hiểu, để có một sân thơ trẻ cho những người trẻ, cần tình cảm, trách nhiệm, sự vô tư... nhiều đến thế nào.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ tám tại Hà Nội

- 26/2 (13 tháng Giêng): Từ 10h, Sân thơ Quốc tế tại Trung tâm Khoa học - Văn hóa Nga (501 Kim Mã - Ba Đình).

- 27/2 (14 tháng Giêng): 12h: Lễ dâng hương tưởng niệm các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại chùa Quán Sứ / 14h: Triển lãm vườn thơ trăm miền và triển lãm thơ trên gốm sứ tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám/ 19h: Chung khảo cuộc thi thơ sinh viên của các trường đại học.

- 28/2 (Rằm tháng Giêng): 8h30 khai mạc Ngày thơ. Sân thơ chính có lễ rước lửa từ Đền Hùng, lễ rước Chiếu dời đô, trình diễn thơ của các nhà thơ cổ điển Việt Nam và các nhà thơ đương đại với chủ đề Thăng Long - Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh, Thơ phổ nhạc, Lễ thả thơ.


Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm