Kỳ nhân người Dao thổi sáo bằng mũi

11/08/2010 11:58 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Người Dao ở Văn Yên – Yên Bái có một loại sáo độc nhất vô nhị gọi là sáo Tồm Ông Dặt. Người ta không thổi sáo bằng miệng mà thổi bằng mũi như trong “Chuyện lạ Việt Nam” hay trong những chương trình xiếc. Nghệ nhân duy nhất còn nắm được những bí quyết chơi điêu luyện loại sáo này là Đặng Nho Vượng ở xã Đại Sơn.

Tiếng sáo độc nhất vô nhị

Đại Sơn, vốn nổi tiếng là đất quế. Nhà nào cũng có vài quả đồi trồng quế, trong nhà ngoài sân đâu cũng thấy cây quế, vỏ quế ngổn ngang. Chả thế mà vừa đặt chân đến đây đã ngửi thấy mùi thơm dìu dịu của quế quyện hòa trong cái heo may của buổi chiều Tây Bắc. Ngôi nhà bằng gỗ khá khang trang của nghệ nhân Vượng nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng quế ngút ngàn.

Trái hẳn với những gì tôi tưởng tượng về người nghệ nhân có cách thổi hồn vào cây sáo mũi và “nắm giữ” được nhiều điệu múa, câu hát dân tộc mình, trước mắt tôi là một người đàn ông rắn rỏi, tóc còn xanh, tuổi ngoại tứ tuần. Đôi mắt sáng, hai cánh tay cuồn cuộn những thớ thịt, nhìn Vượng khó có thể nghĩ được đây là một nghệ nhân của những điệu sáo, câu ca “nức tiếng” xa gần.


Kỳ nhân sáo mũi Đặng Nho Vượng
Câu chuyện với Vượng không có gì khác về người Dao Đỏ ở Đại Sơn, về cây sáo mũi, cứ tự nhiên, liền mạch như những người thân quen đã từ lâu lắm...

Chuyện người Dao Đỏ kể rằng, thời xưa khi trời hạn hán, khắp vùng không có nước để uống, người dân mới kéo đến biển để tìm cách sang bờ bên kia tìm nước. Nhưng bơi đến đâu họ đều bị thần biển nhấn chìm hết người và đồ đạc. Bấy giờ, những người còn sống sót mới cử 7 người con gái xinh đẹp đứng ra cầu ma trời, ma đất cho một cái thuyền và hứa sẽ trả lễ xứng đáng khi sang bờ bên kia. Giữ đúng lời hứa, sau này tất cả con cháu người Dao ít nhất cũng phải làm lễ “Ma chay phần vàng” một lần để trả ơn trời đất và cầu nguyện những điều hạnh phúc no đủ. Sáo Tồm Ông Dặt thường gồm 7 lỗ, tượng trưng cho 7 người con gái, khi thổi tay trái cầm sáo bịt ba lỗ cuối, tay phải bịt bốn lỗ, mũi thì thổi và tay chọn âm.

Vượng bảo, tiếng sáo trong những dịp lễ trả ơn thường phải da diết, mềm mại như tiếng hát của người con gái để ru thần linh bằng lòng với những điều ước nguyện của mình. Người dân tộc Dao Đỏ coi tiếng sáo Tồm Ông Dặt là một loại sáo đặc trưng của dân tộc mình. Người Xá Phó ở Yên Bái cũng có tiếng sáo Cúc Kẹ thổi bằng mũi, tuy nhiên sáo của người Xá Phó chỉ có một lỗ để đẩy hơi nên không có nốt nhạc, còn cây sáo của người Dao Đỏ gồm 7 lỗ để tạo thanh âm và giai điệu.

Vượng bảo: “Học sáo này khó lắm, nhiều người học có thổi được đâu, phải có cả năng khiếu nữa đấy”. Loại sáo này khi thổi phải lấy hơi bằng mũi, nên đòi hỏi người chơi phải luyện hơi thật khỏe. Vừa thổi, vừa phải dùng tay để chỉnh âm điệu, các ngón tay phải nhịp nhàng. Chẳng thế mà, nhiều người đến xin Vượng dạy thổi sáo mà đều chán nản bỏ cuộc giữa chừng.

Vừa thổi vừa sáng tác nhạc cho sáo

Sáo Tồm Ông Dặt của người Dao Đỏ được làm bằng cây nứa khô trên rừng. Thường thì cả bụi nứa mới chọn được vài gióng nứa có âm tốt để làm sáo, không được già quá, cũng không non quá.

Cách tạo âm và lấy lỗ sáo cũng tỉ mỉ và kỳ công, sáo gồm 7 lỗ, các lỗ phải đều nhau và được đo vị trí cẩn thận. Theo Vượng, Sáo Tồm Ông Dặt được thổi trong dịp trả lễ “Ma chay phần vàng” của người Dao Đỏ. Chỉ những nhà nào sắm đủ lễ, mổ đủ lợn mới được thổi, còn hằng ngày người nào mà thổi sáo này trong nhà là một điều kiêng kị. Bởi lẽ, người dân ở đây quan niệm tiếng sáo cất lên sẽ kinh động đến thần linh, sẽ làm ma Trời, ma Đất kéo đến nhà, mang những điều không may mắn đến theo.

Nhưng khi tiếng sáo thổi trên nương trên rẫy lại mang một ý nghĩa khác. Đó là tiếng sáo của chàng trai gọi bạn, tiếng sáo giao duyên, ru mọi người quên cái mệt, quên điều buồn phiền để làm việc tốt hơn. Vượng bảo: “Khi trên nương, tiếng sáo tha thiết, du dương giống như lời thủ thỉ, tâm tình. Người nào mà thổi sáo “Tồm Ông Dặt” hay là tiếng sáo phải réo rắt như nước suối, ngân nga như tiếng gió”.

Vượng không nhớ được chính xác mình biết thổi sáo này từ năm bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ rằng từ hồi bé lắm. Lớn lên giữa núi rừng, mang dòng máu người Dao nên những âm điệu réo rắt của tiếng sáo Tồm Ông Dặt nhanh chóng được Vượng thổi thành thục đến độ điêu luyện. Càng thổi càng say mê, lên nương Vượng vẫn thường lấy sáo ra thổi, trêu con gái đẹp, hay tụm thanh niên làng lại ngồi thổi sáo đệm theo tiếng hát...

Vượng có khả năng đặc biệt, không những thổi được một sáo mà Vượng còn thổi được hai sáo liền một lúc thậm chí vừa thổi sáo vừa hát, mũi thổi, miệng hát. Giữa cái mênh mông của núi rừng tiếng hát hòa với tiếng sáo lúc véo von tựa hồ như lời thủ thỉ cứ nỉ non bên tai: Cách xa rừng núi. Bắc cầu sang. Được ý được lòng thỏa mãn tâm tư...

Không chỉ thổi những điệu nhạc truyền thống mà Vượng còn tự mình sáng tác những giai điệu, bản nhạc mới cho dân tộc mình. Nhiều bài hát của ông đã được giải lớn trong các đợt hội diễn, các cuộc thi của tỉnh của trung ương như bài: Mời trăng, Gọi bạn, Làn điệu hát giao duyên...

Trong nhà Vượng, giấy khen, bằng khen treo kín cả tường. Hầu như năm nào Vượng cũng được nhận bằng khen, nào là bằng khen của Bộ, của Sở rồi của huyện. Năm 1997 Vượng đạt giải A Hát giao duyên, múa, Huy chương vàng độc tấu nhạc cụ năm 2007, giải Nhì tiết mục Tồm Ông Dặt tại hội diễn văn hóa thể thao các dân tộc Tây Bắc năm 2007, Huy chương bạc hội diễn quần chúng tỉnh Yên Bái 2009... Vượng quý những tấm bằng khen, huy chương của mình lắm, mỗi lần có khách đến chơi anh lại mang ra khoe như những bảo bối của riêng mình.

Thế nhưng, trong câu chuyện vẫn phảng phất những tiếng thở dài trăn trở: “Người Dao mình không phải chạy ăn từng bữa như trước nhưng bọn trẻ không một ai chịu học thổi sáo dân tộc mình”. Năm nào Vượng cũng tìm truyền nghề cho dăm bảy học trò nhưng chưa một ai thổi được thành thạo loại sáo này.

Chia tay Vượng, tôi cứ ám ảnh câu hỏi suốt chặng đường về, rồi đây, trên những dẻo cao Tây Bắc ai sẽ lại cất lên những âm thanh ngân vang như tiếng suối, mượt mà như tiếng gió?

Hà Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm