Kỳ 1: Rủi ro như rating?

15/10/2012 14:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Trong khoảng hai năm gần đây, phim truyền hình trên hệ thống cáp SCTV (thuộc Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist) đã gia tăng về số lượng và chất lượng, đem đến cho người xem nhiều chọn lựa thú vị hơn. Gần đây, để tương thích với vị thế mới của mình, SCTV đưa ra Hợp đồng hợp tác sản xuất dựa căn bản vào cách tính rating (chỉ số người xem truyền hình), nếu đạt từ 1.5 trở lên thì trả tiền, dưới 1.5 thì không (ví dụ như phim Thần tượng lắm chiêu Mắt bão), việc này gây xôn xao trong giới sản xuất, nhất là cách hãng phim nhỏ hoặc chưa có tiếng tăm.

Theo hợp đồng này: Mức rating được tính sau khi phim phát sóng xong lần đầu trên một kênh của SCTV, được căn cứ theo bảng rating chương trình do Công ty Truyền thông TNS Việt Nam cung cấp với đối tượng khán giả mục tiêu là 4+ (target 4+ ), được đo tại thị trường TP.HCM. Thế nhưng, công thức hay cách đo này thế nào thì chẳng mấy nhà sản xuất hay đạo diễn được biết rõ, khiến họ lo lắng và tự hỏi về tính khách quan của nó.

Bí ẩn rating

Xuất phát từ mong muốn tạo ra những bộ phim chất lượng cao nên SCTV đưa ra cách tính rating trong hợp đồng sản xuất phim, đó là ý tích cực của nhà đài. Nhưng cách tính này có vẻ quá nguy hiểm đối với nhà sản xuất. Theo Điều 2 trong hợp đồng mẫu mà SCTV đưa ra cho các đối tác, nhà sản xuất sẽ mất toàn bộ tiền đầu tư cho mấy chục tập phim nếu rating trung bình dưới 1.5. Còn nếu đạt từ 1.5 đến 1.7 thì SCTV sẽ thanh toán 150 triệu đồng/1 tập; từ 2.7 đến 3.0 sẽ là 190 triệu đồng/tập; nếu rating trên 5.0 sẽ là 230 triệu đồng/tập và được trả thêm 10%, tức 23 triệu đồng/tập.

Rất muốn biết cách tính rating phim truyền hình là như thế nào, chúng tôi đã liên lạc với Công ty Truyền thông TNS Việt Nam (theo địa chỉ trên mạng là 53/4 Trần Khánh Dư, Q.1, TP.HCM) nhưng điện thoại 083.848.2845 đang được yêu cầu tạm khóa (ngày 9 và 10/10/2012) và email media.vn@tns-global.com thì báo lỗi. Hỏi nhiều nhà sản xuất về cách tính rating thì họ cũng chịu thua; nói như đạo Lê Hữu Lương: “chắc cái này chỉ có ông Trần Văn Úy (Tổng Giám đốc SCTV) mới biết”. Ngay đạo diễn kì cựu Trần Cảnh Đôn (Hãng phim Thằng Mõ) cũng không biết, “họ báo bao nhiêu thì hay bấy nhiêu thôi”.

Phim Thần tượng lắm chiêu bị “chết” do cách tính rating

Đại diện một nhà sản xuất truyền hình có quy mô lớn muốn giấu tên nói rằng chính họ cũng không biết cách tính rating là theo công thức gì, chỉ biết với các chương trình lớn, nếu muốn có con số này thì họ phải trả một số tiền không nhỏ. Theo thông tin của một nhà quảng cáo thì việc khảo sát này dựa trên khoảng 500 máy (hoặc con chip) đặt tại địa bàn TP.HCM, để qua đó theo dõi tín hiệu truyền hình của một bộ phận người xem, nên con số đưa là ra đúng với 500 máy này. “Cho dù con số này có là 100 ngàn chip thì vẫn khá ít và khá ngẫu nhiên so với tổng số ti vi hiện có tại TP.HCM”, đạo diễn Đỗ Thành An nói.

Chúng tôi cũng đã gọi đến phòng kiểm toán, phòng phim và phòng quảng cáo của SCTV để tìm hiểu, nhưng sau một hồi “chuyền qua chuyền lại người trả lời”, cũng chưa có kết quả.

Trên thế giới, việc tính rating các chương trình truyền hình đã trở thành việc làm tất yếu, bởi vì nó độc lập và minh bạch. Chắc cách tính rating ở Việt Nam cũng thế thôi, chỉ tiếc là nó hơi còn bí ẩn, nên làm cho giới làm phim và nhiều độc giả thắc mắc. Chúng tôi rất hi vọng trong tương lai gần sẽ có được cách tính này để độc giả được tỏ tường hơn.

Vui buồn lẫn lộn

SCTV muốn dùng rating để nâng cao chất lượng phim lúc này, có vẻ chưa hợp lý cho lắm. Bởi thực tế cho thấy, chỉ số rating không hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng bộ phim. Nó chỉ dùng để tính theo tỷ lệ người xem giữa các đài với nhau, ý chí của nhà sản xuất không điều chỉnh được chỉ số này. Xin ví dụ, nhà sản xuất cố gắng làm một bộ phim thật hay để phát trên SCTV nhưng vào thời điểm đó trên đài khác đang phát một bộ phim nước ngoài thật đặc sắc, hoặc có một chương trình gì đó thu hút khán giả, thí dụ như truyền hình thực tế, game show hay bóng đá… thì người xem sẽ bỏ phim trên SCTV để xem chương trình khác, rating lập tức giảm sụt ngay. Đơn cử như kênh THVL1 vừa phát Khi người ta yêu của Đài Loan, phim đã chiếm rating cao nhất trong các phim cùng thời gian, ngay cả với khán giả tại TP.HCM. Hay các phim Hàn Quốc trước đây như Mối tình đầu (theo TNS Media Korea, rating phim này cao nhất lịch sử nước này: đạt 65.8%) và Vinh quang gia tộc (từ 23.5%  đến 27.5%), nên khi các phim này lên sóng ở Việt Nam cũng làm mưa làm gió, đè bẹp các phim truyền hình nội địa.

Phim Mắt bão chỉ đạt rating trung bình 0.8

“Để nâng cao chất lượng, SCTV nên chọn cách làm khác. Thí dụ duyệt đầu vào thật khó, bao gồm duyệt kịch bản và duyệt phim thành phẩm. Kịch bản và phim thành phẩm dở thì loại ngay. Đánh giá chất lượng phim nên bằng con người chứ không nên bằng một công cụ mang tính may rủi cao như vậy”, nhà biên kịch Trần Đình Thu bày tỏ. Riêng đạo diễn Lê Hữu Lương thì phải gác lại một dự án vì cách tính này, ông thấy không khoa học khi ký kết. “Dù các phim của tôi gần đây đều có rating cao hơn mức 1.5 này khá nhiều, nhưng việc phát hết phim rồi mới dùng một công cụ bên ngoài để quyết định việc trả tiền, tôi thấy chưa ổn lắm”.

Khác với các đài khác như VTV, HTV…, SCTV khá thoải mái ở đầu vào, nghĩa là nhà sản xuất tự quyết định mọi việc, miễn sao phim phù hợp luật pháp Việt Nam và đủ chất lượng phát sóng thì thôi. Đây cũng là cơ hội cho nhiều nhà sản xuất nhỏ hoặc chưa có tên tuổi, bởi muốn chen chân vào VTV, HTV hay THVL1 là không dễ. Hơn nữa, hệ thống SCTV ngốn quá nhiều phim, nếu họ cũng khắt khe thì sẽ thiếu nhiều phim đầu vào, nên chọn cách tính rating là giải pháp khá ổn thỏa với họ.

Đạo diễn Phương Điền nói rằng anh đang có 4-5 hãng mời làm phim theo rating của SCTV, cá nhân thì không ngại, vì tiền thù lao đạo diễn không phụ thuộc vào điều này, nhưng rõ ràng các hãng có sự lo lắng thực sự. “Tôi cũng không biết cách tính rating là như thế nào, nhưng tôi nghĩ trong tương lai việc này sẽ phổ biến hơn, vì dù gì, nó cũng là sòng phẳng và cụ thể hơn. Tôi cũng cho rằng con số 1.5 là không quá thách thức với đạo diễn lành nghề, nó là mức trung bình mà thôi”, Phương Điền nói.

Một đơn vị quảng cáo cung cấp cho chúng tôi rating của 14 phim đã và đang phát sóng trên SCTV gần đây, tỷ lệ qua mỗi tuần là có trồi sụt, nhưng mức trung bình thì chỉ có 3 phim bị mất trắng tiền. Ví dụ Thần tượng lắm chiêu (đạt rating trung bình 1.2) và Mắt bão (0.8), trong đó có đến 5 phim đạt từ 2.5 trở lên, ngay Chàng mập nghĩa tình mà Hoàng Mập từng “kêu cứu” cũng đạt trung bình 2.8.

(còn tiếp)

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm