Kiệt tác 'Poppy Flowers' của Van Gogh vẫn mất tích bí ẩn

17/08/2016 20:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay, nhân kỷ niệm 126 năm danh họa Hà Lan Van Gogh qua đời, nhiều người hâm mộ và các nhà phê bình hội họa thế giới lên tiếng hối thúc việc tìm lại kiệt tác Poppy Flowers của danh họa. Bức tranh đã bị đánh cắp lần thứ 2 tại bảo tàng Mohamed Khalil ở Ai Cập hồi năm 2010 cho đến giờ vẫn biệt tăm.

Bảo tàng Mohamed Khalil Ai Cập là nơi sở hữu bức tranh Poppy Flowers vẽ năm 1887 của danh họa Hà Lan Van Gogh. Đây là một trong những kiệt tác trong bộ sưu tập đầy ấn tượng của bảo tàng.

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh

Van Gogh qua đời năm 1890 ở tuổi 37 do nguyên nhân chưa có lời giải đáp là tự vẫn hay bị sát hại bằng súng. Van Gogh đã để lại khoảng 900 bức tranh và các tác phẩm của ông luôn đạt giá cao tại các cuộc đấu giá.

Nhiều bức tranh của Van Gogh đang "sống" yên bình trong các bảo tàng danh tiếng và biệt thự sang trọng. Nhưng một số tác phẩm đã trở thành mục tiêu của bọn "đạo chích" nghệ thuật. Từ lâu, nhiều bảo tàng đã trở thành nạn nhân của những tên trộm và bảo tàng Mohamed Khalil ở Ai Cập là một trong số đó.


Bức chân dung tự họa của Van Gogh

Năm 1887, ba năm trước khi qua đời, Van Gogh đã vẽ bức tranh Poppy Flowers (Hoa anh túc) hay còn nổi tiếng với tên Vase and Flowers. Đây không chỉ là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh mà còn là một tác phẩm vô cùng tinh tế, là một kiệt tác hậu ấn tượng mô tả những bông hoa màu anh túc vàng xen lẫn ba bông hoa đỏ nổi bật trong chiếc bình tối màu.

Từ năm 1886 đến năm 1890, Van Gogh đã cố gắng dùng màu sơn dầu để mô tả những bông hoa anh túc nở rộ trong những cánh đồng ở miền Nam nước Pháp vào thời điểm cuối Xuân. Ông bắt đầu vẽ tranh tĩnh vật khi sống ở Paris, trước khi chuyển sang vẽ tranh phong cảnh, vẽ những cánh đồng hoa ở miền Nam nước Pháp.

Poppy Flowers là bức tranh tĩnh vật được Van Gogh vẽ trong thời điểm ông sống cùng em trai ở vùng ngoại ô Montmartre của Paris. Sau khi Van Gogh qua đời, bức tranh này đã được đưa từ Paris tới Cairo và đây là một trong những tác phẩm được đánh giá cao trong bộ sưu tập đầy ấn tượng của Bảo tàng Mohamed Khalil.

Mất tích

Tuy nhiên, ngày 4/6/1977, Poppy Flowers đã "không cánh mà bay". Người ta không thể biết được rõ chuyện gì đã xảy ra bởi Chính phủ Ai Cập không tiết lộ vụ này. Song nhiều người cho rằng bức tranh mất tích trong quá trình di chuyển của bảo tàng.

Theo một số nguồn tin, những kẻ đánh cắp tranh là 3 người Ai Cập, song thật may là sau đó bức tranh này đã được tìm thấy từ một địa điểm không được tiết lộ ở Kuwait.


Bức tranh Poppy Flowers của danh họa Hà Lan Van Gogh

Chẳng phải nói thì người ta cũng có thể hình dung được các nhà điều hành Bảo tàng Mohamed Khalil đã thở phào nhẹ nhõm như thế nào khi kiệt tác của Van Gogh đã trở về đúng vị trí của nó trong bảo tàng.

Nhưng tháng 8/2010, họ lại "đứng tim" khi phát hiện ra bức tranh lại bị đánh cắp, lần này là vào "giữa thanh thiên bạch nhật" của một ngày thứ Bảy và đến nay tung tích bức tranh vẫn là một ẩn số.

Theo giới chức Ai Cập, tình hình an ninh trong bảo tàng quá lỏng lẻo, thời điểm xảy ra vụ trộm tranh chỉ có 10 khách tham quan, nhưng trong số 43 camera an ninh của bảo tàng chỉ có 7 camera hoạt động, trong khi hệ thống còi báo động hoàn toàn "câm".

Ngay sau khi phát hiện mất bức tranh, Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập Farouk đã ra lệnh báo động cao tại các sân bay, cảng biển, trong khi các nhà điều hành bảo tàng bị thẩm vấn về tình hình an ninh trong bảo tàng và một số đã bị bắt giữ.

Đã có một số nghi vấn đặt ra về danh tính của kẻ trộm tranh, song Bộ trưởng Nội vụ Habib Al-Adly, nói với tờ Daily News của Ai Cập rằng, nhiều khả năng kẻ trộm tranh là một nhân viên trong bảo tàng.

Nhưng đây vẫn chỉ là giả thuyết bởi cho đến giờ các nhà chức trách vẫn chưa tìm được tung tích bức tranh cũng như kẻ đánh cắp tranh. Giờ việc tìm ra dấu vết của bức tranh dường như khó hơn nhiều trong bối cảnh tác phẩm này ước tính đạt giá tới khoảng 50 triệu USD và nó quá nổi tiếng để có thể thực hiện mua bán trên thị trường.

Việt Lâm (theo Daily Beast)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm