Kiến nghị thành lập Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn

19/11/2014 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1924, các nhà nghiên cứu tìm ra những hiện vật đầu tiên của nền văn hóa Đông Sơn ở hữu ngạn sông Mã. 90 năm trôi qua cũng là khoảng thời gian những nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới xác lập được những giá trị của nền văn hóa đặc biệt này.

Song thời gian đang đặt ra những thách thức ngặt nghèo đòi hỏi những nhà quản lý cần có bước đi mạnh hơn nữa để bảo vệ và tôn vinh văn hóa Đông Sơn.

Triển lãm và hội thảo khoa học “90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn” diễn ra chiều qua (18/11) tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội).

Bị xâm hại ở mức báo động

TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học trao đổi với phóng viên: “Nhiều di tích, di chỉ liên quan tới văn hóa Đông Sơn đang bị xâm hại ở mức báo động. Các hoạt động dân sinh như những công trình nhà cửa hay canh tác đang ảnh hưởng trực tiếp tới di tích, di chỉ”.

Bên lề hội thảo, các chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về việc di tích cấp quốc gia thành cổ Luy Lâu (nơi TS Nishimura từng tìm ra khuôn đúc trống đồng Đông Sơn) vẫn đang bị “bức tử”. Cụ thể, sau loạt bài của Thể thao & Văn hóa nêu hiện trạng 26 ngàn mét vuông đất di tích “biến mất”, người dân được cấp sổ đỏ trong lòng di tích, cần cẩu kéo vào lòng di tích để đào ao... đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã trực tiếp vào cuộc giải quyết vụ việc vào năm ngoái.



Triển lãm và hội thảo về văn hóa Đông Sơn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng Thủ đô

Song theo thông tin mới nhất từ các nhà khảo cổ vừa điền dã ở địa phương về, tình trạng xâm lấn vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Người dân vẫn ở và canh tác trong lòng di tích. Những di chỉ khảo cổ liên quan tới văn hóa Đông Sơn vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nạn buôn bán đồ cổ cũng là vấn nạn nhức nhối. “Những di vật Đông Sơn trôi nổi khắp nơi trên thị trường đồ cổ trong nước và quốc tế. Nạn đào trộm cổ vật vẫn diễn ra thường xuyên” - TS Bùi Văn Liêm cho biết.

Đánh giá về việc bảo quản hiện vật Đông Sơn ở các cơ sở tư nhân và ở các bảo tàng nếu không được đầu tư đúng mức, ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: Thực trạng bảo quản hiện vật Đông Sơn hết sức nan giải. Đặc biệt là bảo quản đồ đồng. Qua mấy ngàn năm dưới lòng đất, nếu không được bảo quản đúng cách, tính nguyên vẹn từ họa tiết hoa văn trên mỗi hiện vật hay tính cấu kết của các thành phần hóa lý sẽ bị ảnh hưởng lớn.  

Lập bảo tàng để “cứu” hiện vật

Từ hiện trạng trên, TS Bùi Văn Liêm đề xuất kiến nghị thành lập Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn. “Chúng ta đã có Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh. Tại sao sau 90 năm nghiên cứu, chúng ta vẫn chưa có Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn?” - ông Liêm đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Liêm, bảo tàng thành lập với đặc thù riêng sẽ tạo điều kiện cho việc thu thập và bảo quản tốt các hiện vật của văn hóa Đông Sơn. Đồng thời, bảo tàng cũng sẽ hệ thống hóa lại toàn bộ nền văn hóa này và tạo điều kiện để tôn vinh, quảng bá văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh đó, việc thành lập bảo tàng với hệ thống hiện vật khoa học cũng sẽ dẹp tan mọi giả thuyết “trống đồng từ nơi khác chuyển đến Việt Nam”.  

TS Bùi Văn Liêm phác thảo: Chúng ta sẽ trưng bày những phát hiện đầu tiên ở bên bờ lở của sông Mã, những sưu tập của các nhà khảo cổ học của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Kế đó là các phát hiện, khai quật nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam. Trong bảo tàng, ngay cả quy trình đúc đồng từ nguyên liệu, khuôn đúc tới các thành phẩm và phế phẩm cũng nên được trưng bày. Theo tôi, địa điểm tốt nhất để dựng bảo tàng là ở Thanh Hóa, nơi tìm ra những dấu vết đầu tiên của nền văn hóa này.

Phóng viên có hỏi TS Bùi Văn Liêm về việc liệu Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn trong tương lai có rơi vào tình cảnh thiếu hiện vật hoặc không thu hút khách như nhiều bảo tàng hiện nay? Ông Liêm đáp: Tất cả mới đang ở bước kiến nghị. Khi được đồng ý thành lập, câu hỏi đó sẽ được trả lời bằng sản phẩm cụ thể.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm