Không còn vấn vạn sao chép công trình nghiên cứu dân gian

27/12/2014 14:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức mừng thọ các hội viên cao tuổi, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao tặng giải thưởng của Hội năm 2014.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho biết: Năm 2014, Hội nhận được 94 công trình đăng kí xét dự giải thưởng. Tuy nhiên có 9 công trình đã phạm quy, nên Hội chỉ đưa 85 công trình vào diện xét giải và 68 công trình được nhận giải. Trong đó có 1 giải Nhì A, 11 giải Nhì B; 20 giải Ba A, 27 giải Ba B; 9 giải Khuyến khích.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh cũng khẳng định: Tình trạng sao chép, khâu nối các công trình khác thành công trình của mình để dự giải đã hoàn toàn vắng bóng trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn có một vài công trình có nội dung xa với văn hóa dân gian hoặc viết theo khuôn khổ địa chí tổng hợp. Ngoài ra cũng còn có một vài công trình trùng với công trình trước đó đã có...

Giải Nhì A trị giá 25 triệu đồng đã được trao cho công trình "Đờn ca tài tử Nam Bộ" của tác giả, nhà giáo Võ Trường Kỳ ở Long An. Giáo sư Tô Ngọc Thanh nhận định: Đây là một công trình đồng bộ, có chiều sâu về thể loại di sản này. Qua công trình này, công chúng có thể biết thêm những thông tin, tư liệu về quá trình lịch sử hình thành thể loại, các thế hệ nhạc công, danh cầm, hệ thống các lòng bản - bài bản các bản Tổ và các sắc thái Nam, Bắc, Lễ, Oán cũng như các ngón đàn tuyệt đỉnh của Đờn ca tài tử. Công trình này của tác giả Võ Trường Kỳ đã giúp rất hiệu quả trong quá trình xây dựng hồ sơ "Đờn ca tài tử Nam Bộ" trình UNESCO công nhận. Di sản này đã được vinh danh vào hạng mục Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013. Năm nay, các công trình sưu tầm tập trung vào các dân tộc thiểu số hoặc các dân tộc ít được biết đến như: công trình "Truyền thuyết về các dòng họ dân tộc Tà Ôi" do Tiến sĩ Kê Sửu, người dân tộc Tà Ôi thực hiện; "Văn hóa truyền thống của người Thủy ở Tuyên Quang", "Câu đố của người Bahnar tỉnh Gia Lai", "Hôn nhân và gia đình của người Brâu ở Việt Nam", "Văn hóa truyền thống và truyện cổ của người Pa Hi ở Thừa Thiên Huế"...

Trong năm 2014, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tôn vinh và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho 9 nghệ nhân đã có công bảo tồn, truyền dạy và thực hành văn hóa dân gian ở các lĩnh vực: hát Đúm; hát Then cổ, đàn Tính; nghi lễ cầu mùa cầu an; chế tác nhạc cụ truyền thống, bảo tồn tiếng Thái cổ và hát dân ca; dạy may, thêu; rèn đúc nông cụ và trống chầu. Trong số các Nghệ nhân Dân gian được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng lần này đa phần là người dân tộc thiểu số.

Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: Nghệ nhân Dân gian là những "người thày vĩ đại", lưu giữ các tri thức lắng đọng hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa của dân tộc. Những kiến thức của các nghệ nhân chưa hề được in ra sách vở, bởi vậy, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cần chú trọng sưu tầm, ghi lại các kiến thức từ nghệ nhân để lưu giữ cho con cháu muôn đời sau. Việc Hội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian như một sự tôn vinh những đóng góp của các nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian Việt Nam. Qua nhiều năm, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho gần 400 nghệ nhân tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực thực hành văn hóa dân gian khắp mọi miền đất nước.

Thanh Giang - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm