Khi thơ... bán chạy

25/07/2014 07:22 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Đã lâu lắm rồi, các đơn vị làm sách và kể cả phát hành thường lắc đầu khi có nhà thơ mang bản thảo hoặc đem thơ đến ký gửi. Lý do của sự “lắc đầu” này thật “kinh tế thị trường”: Thơ bán ai mua! Nhưng gần đây, nhiều đơn vị đã bỏ tiền in thơ, nhiều tập thơ bán chạy...

Vậy mà gần đây, có một vài đơn vị đã “dám in thơ”. Hiểu một nghĩa nào đó là thơ vẫn bán được. Hai tập thơ best-seller gần đây nhất thuộc về tác giả Nguyễn Phong Việt với số lượng in hàng chục ngàn cuốn. Tập Đi qua thương nhớ của Phong Việt do công ty Phương Đông đầu tư và tập Từ yêu đến thương do Minh Châu bỏ tiền.

Giới làm sách cho hay, thường thì một cuốn sách in lần đầu 2.000 cuốn mà bán hết thì huề vốn, những lần tái bản tiếp theo thì xem như có chút lợi nhuận.

Có lẽ từ hiện tượng thơ bán chạy của Nguyễn Phong Việt, công ty sách Đinh Tỵ quyết định đầu tư in tập thơ Anh ngủ thêm đi anh. Em phải dậy lấy chồng của nữ tác giả trẻ sinh năm 1988 có bút danh Nồng Nàn Phố. Giấy phép tập thơ này xin ở NXB Văn học với bìa do họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ, in số lượng 2.000 cuốn.

Tối 23/7 tại TP.HCM, công ty sách Đinh Tỵ và tác giả Nồng Nàn Phố đã có buổi ra mắt tập thơ này sau buổi lễ tương tự tại Hà Nội. Hẳn nhiên khán phòng một buổi ra mắt thơ thường chật kín người quen của tác giả. Nhưng với Nồng Nàn Phố, người đến chung vui với cô còn có nhiều bạn bè mà lần đầu họ gặp mặt do chỉ biết nhau trên facebook. Thơ của Nguyễn Phong Việt và cả Nồng Nàn Phố đều in trên facebook trước khi in thành sách. Lạ một điều, những bài thơ đơn lẻ xuất hiện trên facebook giờ được hệ thống lại thành tập thơm mùi mực in lại bán rất chạy!

Nhà thơ Lê Minh Quốc đến chung vui cùng Nồng Nàn Phố, chia sẻ: “Bây giờ có công ty dám in thơ thì quả là dũng cảm thật. Bản thân tôi và rất nhiều bạn bè làm thơ nhưng không dám in. Vì thơ in không có ai tìm mua, chỉ dành tặng cho nhau thì chán thật”.

Không chỉ với người làm thơ như Lê Minh Quốc chua xót nói như trên, tôi quen một vị giám đốc một nhà xuất bản đang ăn nên làm ra, vị này có lần nói chân tình: “In gì chứ in thơ thì mình không dám. Nên thấy ai in thơ là mình phục cái đã”.

Chợt nghĩ, thơ có chết như một số loại hình nghệ thuật đang đi vào viện bảo tàng không? Và nếu có, thì tại sao thơ chết? Phải chăng thời này thơ in thành sách cũng như bao nhiêu loại hàng hóa khác: có cầu mới có cung? Hay có phải, xưa nay người ta chỉ dùng/ đọc thơ miễn phí quen rồi nên không có ý thức bỏ tiền ra mua thơ?... Thôi thì, có nơi “dám in thơ” để bán cũng là an ủi cho thơ và cho nhà thơ rồi.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm