Khi nhạc sĩ Dương Thụ tự “đặt móng”, “xây nhà”…

30/10/2012 06:24 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Nhạc sĩ Dương Thụ không chỉ là gương mặt quen thuộc trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn, mà còn gắn với sự “thăng tiến” của các giọng ca nổi tiếng: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Nguyên Thảo… Thế mà thật lạ, sau nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc (có thể lấy dấu mốc khi ông thi vào Nhạc viện Hà Nội năm 1965), nhạc sĩ của Tháng tư về chưa từng có live show riêng. Ngày 9 và 10/11 tới, trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, ông sẽ kể những câu chuyện âm nhạc của mình…

Live concert Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi sẽ mở màn cho chuỗi chương trình Cửa sổ âm nhạc, mà năm 2013 có thể sẽ là một hồi ức âm nhạc của “bộ tứ Sông Hồng”, gồm những tên tuổi: Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương và Trần Tiến.



Nhạc sĩ Dương Thụ (Giữa) và ê-kíp (từ trái qua): ca sĩ Tùng Dương, đạo diễn Việt Tú, nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh

Âm nhạc của “người đương thời”

Trong suốt 50 năm hoạt động và sản xuất âm nhạc nhưng đến thời điểm này, nhạc sĩ Dương Thụ mới quyết định làm một chương trình dành cho mình có vẻ là hơi muộn vì trước đó, ông cũng đã từng có: Nghe mưa (1999-2000, làm chung với nhạc sĩ Bảo Chấn), Im lặng (Con đường âm nhạc số 2, năm 2005), Họa mi hót trong mưa (chương trình của VTC 2010)… Tuy nhiên, hầu hết sự xuất hiện của nhạc sĩ Dương Thụ ở những chương trình đó, nếu không đứng chung với đồng nghiệp thì cũng ở vị trí khách mời nên có những mong muốn mà phải là “chủ nhà” mới có thể thực hiện được.

Chính vì thế, quyết định đứng ra làm “chủ xị” serie chương trình Cửa sổ âm nhạc, nhạc sĩ Dương Thụ đã có thể thỏa lòng với “ngôi nhà âm nhạc” riêng của mình. Ở đây, ông tự tin làm từ A đến Z, từ “đặt móng, xây nhà và trang trí nội thất” để tạo ra một sản phẩm âm nhạc như mong muốn. Và cái mong muốn đó thật ý nghĩa khi nhạc sĩ Dương Thụ thấy mình không chỉ cần phải đáp lại tình cảm của những khán giả yêu mến các tác phẩm “sống mãi với thời gian” của ông mà quan trọng hơn, âm nhạc phát triển thì phải xây dựng được công chúng.

Nhạc sĩ Dương Thụ nói rằng khi tham gia những chương trình như Điều còn mãi, ông nhận thấy những tác phẩm của mình vẫn được đón nhận, mặc dù sáng tác của ông không nhiều và cũng không phải được số đông yêu thích. Nhưng đó chính là một phần động lực khiến ông thực hiện Cửa sổ âm nhạc. Tuy nhiên, điều ông trăn trở là âm nhạc thời nào thì có công chúng thời đó mà thật buồn vì đến giờ, những tác phẩm nhạc xưa vẫn chiếm số đông trên nhiều sân khấu ca nhạc.

“Nếu trong cả một tiến trình lịch sử, từ đầu đến cuối của một đời người, họ chỉ nghe mãi một thứ âm nhạc thì vô tình đã để lại một khoảng trống của thời đại. Thế hệ sau sẽ không biết đến một lớp nhạc sĩ, ca sĩ và những ca khúc của một thời kỳ. Chúng ta đang có một lớp những nhạc sĩ, tác phẩm, ca sĩ của thời đại mình thì phải có những hoạt động âm nhạc thể hiện tính chuyên nghiệp chứa đựng yếu tố đương đại của người nghệ sĩ trong đó. Có thể những tác phẩm âm nhạc hiện nay chưa thật hay nhưng nó có giá trị của thời đại nên rất cần được công diễn rộng rãi nhiều hơn nữa. Đặc biệt, nghệ thuật nào cũng cần có khán giả mà khán giả ngày nay họ có văn hóa, tri thức và cả điều kiện thưởng thức thì mong muốn được nghe những chương trình âm nhạc thực sự là điều mà những nghệ sĩ làm nghề cần phải suy nghĩ” - nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ thêm.

Làm hay hơn chứ không làm mới

Vậy nên, sẽ không như những show ca nhạc mà khán giả thường thấy, lấy ca sĩ làm đối tượng chính, Cửa sổ âm nhạc ra đời là để tôn vinh tác giả, tác phẩm. Khán giả sẽ đến nghe để thấy một chân dung của nhạc sĩ sáng tác được khắc họa qua những tác phẩm của họ với sự dẫn dắt của những ca sĩ trình diễn. Ngoài ra, preshow Cà phê với nghệ sĩ trong 50 phút trước giờ diễn (từ 19h - 19h50) diễn ra tại sảnh trước khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là cơ hội để khán giả, tác giả và các nghệ sĩ có một không gian giao lưu, chụp hình kỷ niệm.

Đại diện cho ê-kíp thực hiện, nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ: “Vì đây là chương trình dành cho nhạc sĩ và các tác phẩm cho nên với nhiều ca khúc, chúng tôi vẫn sử dụng bản phối cũ nhưng sẽ làm cho nó hay hơn. Những bản phối này sẽ phải đáp ứng các yếu tố như mang tính nghệ thuật, ăn nhập với tác phẩm và khán giả phải nghe được.

Chúng tôi không lựa chọn hình thức làm mới bởi làm mới bao giờ cũng dễ hơn là làm hay hơn những gì đã từng thành công trước đó. Đây là một chương trình hiếm có đáng để những nghệ sĩ chúng tôi đầu tư chất xám, thời gian, sự tập trung để làm việc. Tôi và nhạc sĩ Dương Thụ đều là những người cầu toàn trong âm nhạc nên từ khi ra ý tưởng đến lúc lựa chọn dàn nhạc, nhạc công, hợp xướng, ca sĩ cho đến khi dàn dựng chương trình, chúng tôi luôn cố gắng để làm thế nào đạt được hiệu quả tốt nhất”.

Lam Anh

Dương Thụ - Những câu chuyện kểcủa tôi hội tụ những nghệ sĩ đã từng gắn bó với nhạc sĩ Dương Thụ trong suốt quá trình hoạt động âm nhạc của ông: các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo cùng Tùng Dương, Trọng Tấn, Hà Linh và ban nhạc Anh Em, Dàn nhạc thính phòng, Dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Chương trình được thực hiện bởi đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm: Giám đốc nghệ thuật, Biên tập và kịch bản âm nhạc: nhạc sĩ Dương Thụ; Đạo diễn sân khấu: Việt Tú; Dàn dựng âm nhạc: Anh Quân, cùng các nhạc sĩ: Bảo Chấn, Quốc Trung, Huy Tuấn; nghệ sĩ violin Xuân Huy, nghệ sĩ cello Trần Thị Mơ…; Âm thanh: Nhất Lý; Ánh sáng: Siryl Lebrozec…


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm