Khi nhà sưu tập 'triển lãm chính mình'

22/06/2017 07:37 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khai mạc vào sáng nay 22/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm Một tình yêu hội họa của nhà sưu tập Trương Văn Thuận giới thiệu khoảng 200 tác phẩm hội họa, điêu khắc, trong đó gần một nửa tác phẩm thể hiện chân dung của ông và gia đình. Nhìn riêng ở khía cạnh bày chân dung như một “triển lãm chính mình”, đây là bộ sưu tập độc đáo và hiếm có tại Việt Nam.

1. Trương Văn Thuận đến với việc sưu tập tranh, tượng nghệ thuật như một cái duyên tình cờ, khi ông giúp đỡ một gia đình họa sĩ và một nhà sưu tập trong cảnh khó khăn cách đây gần ba mươi năm. Có ngờ đâu, sự tận tình với bạn đã làm ông bắt đầu thấy thích ngắm tranh, rồi sự tò mò đó lớn dần thành một tình yêu hội họa lúc nào ông cũng không nhận ra.

Những bức tranh đã thật sự giúp ông thư giãn sau những giờ phút căng thẳng, phức tạp trong công việc của một sĩ quan công an cấp cao. Và nay, khi bắt đầu nghỉ hưu, niềm đam mê nghệ thuật đã chiếm gần trọn thời gian của ông.

Chú thích ảnh
Nhà sưu tập Trương Văn Thuận

Như nhiều người chơi tranh, nhà sưu tập Trương Văn Thuận cũng đã trải qua một thời gian lúng túng khi sưu tầm tranh của các họa sĩ từng học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ nổi tiếng nhưng đã qua đời. Với một người không phải trong giới mỹ thuật, lại chưa có kinh nghiệm, kiến thức trong việc thẩm định tranh thật - giả không dễ dàng chút nào, đôi khi phải trả giá bằng món tiền không nhỏ cho một bức tranh giả.

Nhà sưu tập Trương Thuận đã tìm ra cách sưu tập “chắc ăn” là mua từ chính tác giả, hoặc tranh có nguồn gốc rõ ràng. Vốn là người luôn cầu tiến, từ những lần gặp gỡ họa sĩ để sưu tầm tranh, ông phát hiện ra một điều rất quan trọng khi trực tiếp trao đổi với tác giả: cơ hội để học hỏi về mỹ thuật.

Gặp họa sĩ, nhà điêu khắc không chỉ để trao đổi, tìm hiểu về tác phẩm của chính họ, mà còn có thêm kiến thức giúp ông nhận định được cái đẹp của một tác phẩm, cũng như độ thật, giả, của tác phẩm đó. Tranh thủ thời gian ông đã đến nhà các họa sĩ, nhà điêu khắc Huỳnh Văn Thuận, Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Quang Ngọc, Văn Thơ, Trương Văn Ý, Tạ Quang Bạo, Trần Tuy, Lê Liên, Nguyễn Lâm, Nghiêm Xuân Hưng, Vũ Ba, Hồ Phòng, Hứa Thanh Bình, Phạm Minh Hải, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Phấn, Trịnh Minh Sơn, Hoàng Hồng Cẩm… Và căn nhà của ông đã trở thành nơi thường xuyên tụ họp của các họa sĩ, nhà điêu khắc.

Chú thích ảnh
Chân dung Trương Văn Thuận theo góc nhìn của họa sĩ Nguyễn Tấn Cương (sơn dầu, 75 cm x 95 cm, 2016)

Các nghệ sĩ quý nhà sưu tập Trương Văn Thuận ở sự cầu thị, chân tình như người bạn và trên hết là sự trân quý nghệ sĩ và niềm đam mê các tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên, không mang tính thương mại. Với ông, các nghệ sĩ là những người giúp ông trên bước đường hoàn thiện bộ sưu tập hội họa.

2. Bộ tranh chân dung nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ (nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết) đã dần hình thành từ những cuộc trò chuyện, gặp gỡ đó. Số tranh và ký họa chân dung nhà sưu tập cùng vợ đã lên tới hơn 200 bức. Con số này rất nhỏ so với hàng ngàn tranh, tượng và ký họa ông đang lưu giữ  - kết quả từ  tình cảm mà các họa sĩ, nhà điêu khắc đã giành cho cặp vợ chồng yêu hội họa.

Bộ sưu tập khỉ bằng vỏ trứng mừng xuân Bính Thân

Bộ sưu tập khỉ bằng vỏ trứng mừng xuân Bính Thân

Đón Xuân Bính Thân 2016, ông Nguyễn Thành Tâm, kỷ lục VN người tạo hình vỏ trứng nhiều nhất, đã làm hơn 40 con khỉ bằng vỏ trứng gà, vịt, cút, đà điểu cùng với một số phụ liệu khác...

Theo năm tháng, ngôi nhà của Thuận càng lúc càng thấm đẫm tình bằng hữu và không khí nghệ thuật. Ông thật may mắn khi có được người bạn đời luôn ủng hộ, cổ vũ chồng thực hiện niềm đam mê như một tình yêu đặc biệt. Bởi chị cũng là người hoạt động trong một loại hình nghệ thuật và cũng mê cái đẹp, luôn thân thiện, hiếu khách.

Ngoài việc học hỏi về kiến thức nghệ thuật, trân quý các nghệ sĩ, nhà sưu tập Trương Văn Thuận còn là người làm việc như một nhân viên bảo tàng. Tự tay ông thực hiện việc quản lý trên máy tính các tác phẩm mình đang lưu giữ, thu thập, bổ sung các thông tin tác giả, tác phẩm. Có lẽ nghề nghiệp đã giúp ông cẩn thận, cân nhắc các thông tin khi đưa vào tác phẩm. Ông cho rằng người chơi tranh thật với tình yêu nghệ thuật sẽ sẵn sàng hủy bất kỳ bức tranh nào là giả.

Chắc chắn, đó là một điều đáng khuyến khích cho những người chơi chuyên nghiệp và sẽ góp phần tạo thị trường lành mạnh cho mỹ thuật Việt Nam.

Bộ sưu tập chân dung từ nhiều tác giả nổi tiếng

Chân dung nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ được nhiều tác giả nổi tiếng như Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Quang Ngọc, Văn Thơ, Lê Liên, Nghiêm Xuân Hưng, Vũ Ba, Hứa Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Phấn, Trịnh Minh Sơn, Hoàng Hồng Cẩm… thể hiện.

Mã Thanh Cao
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm