Khi khán giả thích xem giám khảo

02/07/2011 08:54 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH Online) -  Hình thức thi thố có sự bình luận của một hội đồng nghệ thuật hay một BGK khi xuất hiện ở Việt Nam được đón nhận nhiệt liệt và giúp một vài nghệ sĩ hoạt ngôn trong làng giải trí có thêm nghề mới: nghề giám khảo. Nhưng đâu phải cứ chơi là thắng, nhiều cuộc thi đã trắng tay với trò chơi này.

* Bước nhảy hoàn vũ “đứt tay” vì BGK

Qua mùa đầu tiên thành công vang dội cả về chất lượng lẫn hiệu ứng truyền thông, Bước nhảy hoàn vũ (BNHV) bước vào mùa thứ hai với những háo hức cả từ phía khán giả lẫn nhà tổ chức. Mùa thi trước, ngồi ghế giám khảo là 2 kiện tướng Dance Sport Chí Anh – Khánh Thi và 2 đạo diễn sắc sảo của phim trường là Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng. BGK này với “phân vai” thiện – ác – trung dung đã khai thác triệt để “kịch tính” từ mối quan hệ ngoài đời giữa hai vị giám khảo chuyên môn Chí Anh – Khánh Thi. Năm nay, BTC vẫn muốn tiếp tục duy trì được một “ban bệ” như thế, nhất là khi thành phần thí sinh không có những “điểm nhấn” như Siu Black và Minh Béo. Nhưng họ đã không may rơi vào thế bị động ngay từ đầu.


BGK chương trình BNHV năm 2011 -
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bận làm phim nên không tham gia. Ngay lúc đó, BTC đã tính đến chuyện chỉ có 3 giám khảo, nhưng có lẽ do không thương thảo được với bên bán bản quyền format nên đã mời nhạc sĩ Trần Tiến vào ghế nóng, thay cho vị trí của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Gần đến ngày khai mạc, kế hoạch về địa điểm thi bị thay đổi, cuộc thi phải dời từ nhà thi đấu Nguyễn Du ở TP.HCM ra SVĐ Quần Ngựa, Hà Nội. Vì lý do đó đến lượt giám khảo Lê Hoàng từ chối vì ông bận làm phim ở phía Nam. Vậy là nhạc sĩ Đức Huy được mời thế chân.

Ngay đêm diễn khai mạc, BGK mới gồm Chí Anh, Khánh Thi, Trần Tiến, Đức Huy đã bộc lộ những vấn đề. Cặp kiện tướng Chí Anh – Khánh Thi cho thấy họ tiếp tục khai thác “kịch tính” giữa họ ngoài đời theo “kịch bản” năm trước. Hai nhạc sĩ thì mỗi người một ngả, Đức Huy nhàn nhạt trong cả chuyên môn khiêu vũ lẫn cách nhận xét, còn Trần Tiến đã "tạo điểm nhấn" bằng những phát ngôn tự nhiên chủ nghĩa. Chỉ sau đêm thi thứ hai, nhạc sĩ Trần Tiến, người vốn rất được lòng công chúng yêu nhạc Việt Nam với những ca khúc phóng khoáng, lãng mạn đã xin rút khỏi ghế giám khảo BNHV để đi lưu diễn châu Âu theo hợp đồng đã ký (đấy là ông nói thế) trong tình cảnh báo chí và các mạng xã hội đang sôi sục vì những nhận xét được xem là "thiếu tế nhị" của ông. Rất kịch tính, phút chót đã có người dám đứng ra lãnh trách nhiệm lấp chỗ trống của nhạc sĩ Trần Tiến, không ai khác ngoài đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Nhân sự đã ổn định nhưng nhưng BGK này không có được sự tung hứng cần thiết bởi cặp đôi kiện tướng đã hết “kịch tính” để khai thác và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với nhạc sĩ Đức Huy thì quá khác “chất”, khó tung hứng với nhau.


Việc Anh Khoa bị loại gây nhiều tranh cãi -  Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.

Không chỉ liên tiếp thay đổi về nhân sự, BGK BNHV còn bị "soi" rất nhiều trong nhận xét và chấm điểm. Có đêm thi, BGK cuộc thi này đã rơi vào tình trạng tiền hậu bất nhất khi nhận xét một đằng, cho điểm một nẻo. Khán giả không khỏi ngạc nhiên khi những giám khảo chuyên môn, cùng chung một góc nhìn, một hệ tiêu chuẩn của dance sport mà lại chấm điểm lệch pha. Điển hình là 2 giám khảo Chí Anh và Khánh Thi, có lúc họ chấm chênh nhau tới 2 điểm. Đơn cử vũ điệu Samba của Anh Khoa trong đêm thi thứ 7 được Khánh Thi cho 8 điểm thì Chí Anh rất hào phóng với điểm 10, một sự chênh lệch khó hiểu… Trong hàng ngàn lời bình luận về cuộc thi này trên báo mạng cũng như các mạng xã hội, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng với BGK.

* Sẽ còn nhiều "sự cố"?

Vietnam Idol sau 2 mùa trầm lắng đến năm 2010 đã “gây sốt” không chỉ vì có thí sinh đột phá như Uyên Linh mà còn vì có một BGK “nóng”. Cũng tổ chức song song với Vietnam Idol nhưng Sao mai – Điểm hẹn đã chìm nghỉm và còn bị đặt trong thế so sánh bất lợi khi thiếu kịch bản hay và một hội đồng nghệ thuật “có chuyện để nói” dù ngồi ghế nóng có nữ ca sĩ nhiều fan nhất showbiz, Mỹ Tâm. Ngôi sao tiếng hát truyền hình của đài TH TP.HCM đã hầu như không có hiệu ứng gì khi “theo đuôi” 2 cuộc thi lớn kia.


Bộ ba giám khảo rất thành công của VietNam Idol 2010: Quốc Trung, Siu Black, Quang Dũng

Ở một lĩnh vực khác, Vietnam Next Top Model mùa đầu tiên được tổ chức với một chiến dịch truyền thông rầm rộ đã kết thúc không kèn không trống và để lại tai tiếng với scandal giám khảo. Dù kịch bản được thực hiện răm rắp theo format đã mua từ American Next Top Model – show truyền hình thực tế có tỉ lệ người xem rất cao ở Mỹ nhưng chương trình này hoàn toàn thất bại trong việc thu hút khán giả Việt Nam.

Sang năm nay, để thay đổi cho hấp dẫn hơn, Bài hát Việt mùa thứ sáu đã có thêm phần bình luận của các khách mời sau mỗi tiết mục biểu diễn. Cuộc thi mới toanh có tên Vua hài đất Việt sắp được tổ chức cũng sẽ có phần bình luận trước khi cho điểm của BGK. BHD, đơn vị đã tổ chức thành công Vietnam Idol 2010 cũng có trong tay vài kế hoạch với những cuộc thi biểu diễn nghệ thuật vốn thành công bởi nhiều chiêu trò rất sốc bao gồm cả chiêu mang tên “BGK” như X-factor hay Got Tallent.

Nào, chúng ta cùng xem… BGK!

X-factor sẽ đến Việt Nam?

X-factor tương tự American Idol nhưng gây sốc hơn, thành phần tham dự cũng toàn của “lạ” (có thí sinh từng bị bắt 140 lần vì tội bán dâm, ăn cắp, có người hơn 50 tuổi vẫn dự thi, có người còn tìm cách tán tỉnh giám khảo công khai…). Chương trình này được khán giả nhiều nước yêu thích bởi nó bình dân và có tính tương tác cao. BGK của X-factor gây sốc hơn Idol, “dìm hàng” kinh khủng hơn. Nhiều người gọi chương trình này là thu hút chỉ trích chứ không phải thu hút tài năng vì tài năng thực sự thuộc về BGK. Có thí sinh hơn 50 tuổi mà vẫn bị giám khảo nhận xét chỉ có nước khóc òa. Có thí sinh khá hay (Gamu Nhengu), được chính giám khảo Cheryl Cole khen ngợi nhưng sau đó bị… loại khiến khán giả ngơ ngác. Sự kiện này khiến cư dân mạng dậy sóng khi đồng loạt chỉ trích giám khảo Cheryl Cole là phân biệt chủng tộc… Nhưng kệ, Cole loại thí sinh này và cho một cô da trắng vào vòng trong, ai tức thì cứ bật tivi lên mà xem.

Nhiều nhà phê bình tố cáo X-factor đang cố tình thương mại hóa chương trình âm nhạc, tạo ra những tiền lệ rẻ tiền để thu hút công chúng (sẵn sàng chủ động bồi thường thiệt hại nếu như giám khảo có hơi xúc phạm ai đó), chưa kể những nghi án dàn dựng, lên kịch bản thi thố, chưa kể đường dây điện thoại nhiều lúc căng thẳng lại cứ bị nghẽn liên tục khiến công chúng chẳng thể bầu chọn…


Dương Vân Anh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm