Khi diễn viên thiếu “nhà” để “hát”

23/05/2008 00:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Xây dựng một cụm Nhà hát hoành tráng với tổng diện tích từ 30-40 ngàn m2, khai thác và sử dụng địa điểm đó làm trung tâm biểu diễn nghệ thuật số một trên toàn quốc, đó là ý tưởng được Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN (NSSKVN) đưa ra vào cuối tháng 4/2008.

Ngay lập tức, đề án này đã nhận được hàng trăm phản hồi từ giới sân khấu, trong đó có những luồng ý kiến khác biệt tới mức trái ngược. Cuối tuần qua, vấn đề này lại được xới thêm một lần nữa, khi Hội NSSKVN lần thứ hai tổ chức cuộc tọa đàm và lấy ý kiến người trong nghề.

Từ việc thiếu một nhà hát “xịn”

Nói vắn tắt thì cái “lý” để Hội NSSKVN đệ trình đề án lên Bộ VH,TT&DL rất đơn giản: vào thời điểm hiện tại, trên toàn quốc vẫn chưa có một rạp biểu diễn đủ sang trọng, bề thế và xứng tầm với một nhà hát tiêu biểu của quốc gia.

Cụ thể, hàng chục năm qua tại Hà Nội, mỗi kì hội diễn, liên hoan biểu diễn cấp quốc gia và quốc tế vẫn được “kéo” về một trong 2 địa điểm chính: Nhà hát Lớn Hà Nội hoặc Cung Văn hóa Hữu nghị.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của sân khấu hiện đại, hai địa điểm này dần tỏ ra không đáp ứng được những yêu cầu về diện tích sân khấu cũng như trang thiết bị phục vụ các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Nhà hát Lớn có quy mô khoảng 600 chỗ ngồi, diện tích mặt bằng sàn diễn nhỏ và không phù hợp với việc triển khai nhiều loại hình biểu diễn khác nhau. Và, cũng phải kể đến một lý do tế nhị khác: việc thuê một “công trình văn hóa” như Nhà hát Lớn luôn là điều không dễ.

Năm 2003, trong chương trình Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế lần thứ nhất, các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật Hàn Quốc đã phải rất vất vả xin Nhà hát đồng ý để đóng đinh lên sàn gỗ và găm các tấm vải trắng phủ kín nền.

Còn Cung Văn hóa Hữu Nghị, mặc dù có diện tích rộng hơn nhưng lại bị “chê” vì sân khấu biểu diễn này chưa “sang” vì được thiết kế với tính chất chủ yếu dành cho các cuộc “liên hoan văn hóa quần chúng”.

Hàng chục năm qua tại Hà Nội, mỗi kì hội diễn, liên hoan biểu diễn cấp quốc gia và quốc tế vẫn được “kéo” về một trong 2 địa điểm chính: Nhà hát Lớn Hà Nội hoặc Cung Văn hóa Hữu nghị.

“Thu về một mối”

Ngoài 2 địa điểm biểu diễn trên, các đại diện của Hội NSSKVN cũng cho biết: hiện tại chỉ 6/12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VH, TT&DL có rạp diễn riêng cho mình. Và những đơn vị có rạp chưa hẳn đã tìm được chỗ “đắc địa” như trường hợp của Nhà hát Cải lương TƯ: rạp nằm tít trong ngõ Hoàng Mai (phố Bạch Mai), đường vào quanh co khúc khuỷu. Hoặc như Nhà hát Kịch Việt Nam, tiếng là có rạp nhưng lại chỉ vẻn vẹn có 200 chỗ ngồi và nằm khuất trong ngõ nhỏ sau lưng Nhà hát Lớn.

Theo ý tưởng của Hội NSSKVN, nếu hình thành, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật nói trên sẽ là nơi tổ chức các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật quốc gia và quốc tế. Có Trung tâm, chúng ta có thể mạnh dạn đề nghị đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật của khu vực - NSND Trọng Khôi, Chủ tịch Hội, cho biết.

Ngoài ra, cũng theo ông Khôi, Trung tâm sẽ là nơi “thu về một mối” những tác phẩm sân khấu tiêu biểu. Nói một cách khác, thay vì cảnh “chạy đôn chạy đáo” khắp Hà Nội để xem biểu diễn, du khách chỉ việc tới đây để thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đã được chọn lọc.

Ông Khôi công nhận rằng trong tương lai, đúng là Hà Nội sẽ có nhiều rạp diễn khác nhau được mọc lên. Nhưng việc xây dựng Trung tâm vẫn là hoàn toàn cần thiết. “Thứ nhất, đây là trung tâm biểu diễn nghệ thuật sang trọng, lịch sự và mang tầm vóc quốc gia. Thứ hai, chúng tôi sẽ tính kế hoạch liên thông với các nhà hát khác để cùng lên chương trình. Chẳng hạn, các vở diễn sẽ được hội đồng thẩm định của Trung tâm duyệt để đưa vào biểu diễn. Và tất nhiên, đưa vào là phải có sự hỗ trợ các đơn vị ấy về kinh phí biểu diễn, chứ không thể để gánh nặng thuê rạp đè lên vai họ” - ông nhấn mạnh.

Giấc mơ lớn và băn khoăn về tính khả thi...

Trong buổi hội thảo lần đầu tiên về ý tưởng này, Hội NSSK đã chia sẻ với các đại diện về phác thảo sơ bộ của Trung tâm. Theo phác thảo, trung tâm sẽ rộng từ 30-40 ngàn m2, bao gồm nhiều cụm rạp.

Cụm rạp biểu diễn trung tâm gồm 5 tầng nổi và 3 tầng hầm, có một sân khấu lớn 2.000 chỗ, kèm theo đó là các sân khấu chuyên biệt cho rối nước, rối cạn, cải lương, tuồng, kịch thể nghiệm. Cụm thứ hai gồm một tòa nhà 7 tầng, sử dụng làm bảo tàng sân khấu, trung tâm tư liệu, phòng họp.

Ngoài ra, Trung tâm còn có thêm một số cụm nhà khác với các dịch vụ vui chơ giải trí như khiêu vũ, nhà hàng, khách sạn, massage, bể bơi... Quảng trường trước Trung tâm có sức chứa từ 5 tới 10 ngàn người, có thể sử dụng làm sân khấu ngoài trời khi cần thiết.

Tất nhiên, với một trung tâm “trong mơ” như vậy, các đại diện của giới sân khấu đều lên tiếng tán thành. Thậm chí, không ít nghệ sĩ còn mạnh dạn đưa ý kiến về những hạng mục mà Trung tâm cần bổ sung.

NSND Hà Văn Cầu đề nghị Trung tâm có một CLB và một sàn diễn riêng cho những nghệ sĩ cao tuổi. Dù về hưu nhưng với kinh nghiệm biểu diễn lâu năm, họ hoàn toàn có thể tham gia phục vụ khán giả.

Còn NS Ngọc Trúc, Liên đoàn Xiếc VN, thì nhắc tới mô hình sân khấu xiếc băng của Trung Quốc. Chỉ với nước và những phương tiện hiện đại, một sân băng có thể được hình thành trước buổi biểu diễn 24 giờ cho các nghệ sĩ biểu diễn!

Nhưng, khi nói về tính khả thi của dự án, không ít đại biểu đã bày tỏ sự e dè của mình. Tựu trung, các ý kiến xoay quanh 2 vấn đề chính: kinh phí mà Hội NSSK xin Nhà nước đưa ra là 300 tỷ liệu có phù hợp với điều kiện vật giá đang leo thang như hiện nay? Nếu chưa đủ, phải chăng mọi chuyện lại tiếp tục “đổ lên đầu Nhà Nước”.

Và ý kiến thứ hai là của NSND Lê Ngọc Cường, chủ tịch Cục NTBD: Đây sẽ là trung tâm biểu diễn nghệ thuật hay bảo tàng, hay là một khu vui chơi giải trí, thư giãn? Tại sao trung tâm biểu diễn mà lại có cả các dịch vụ tập thể hình, massage, karaoke và bi-a?
 
Thanh Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm