Khi chú chuột Mickey thôn tính các siêu anh hùng

03/09/2009 15:19 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Có vẻ như ngay cả các siêu anh hùng cũng không thể cưỡng lại sức mạnh của chú chuột Mickey khi hãng Disney đã chính thức mua lại Marvel với giá 4 tỷ USD. Tin tức này đã ngay lập tức gây lo lắng cho các fan hâm mộ thể loại truyện tranh siêu anh hùng của công ty xuất bản Marvel Publishing, Inc. (còn gọi là Marvel Comics) thuộc Marvel trên toàn thế giới.

Ảnh vui về chuột Mickey sau vụ mua Marvel

Kể từ khi thành lập, Marvel đã trở thành mái nhà cho những người hùng đơn độc và bất đắc chí. Spider-man (Người Nhện) luôn bị dằn vặt bởi sự nông nổi thời trẻ, Hulk (Người khổng lồ xanh) gặp nhiều vấn đề về kiềm chế bản thân, Wolverine (Người Sói) căm ghét gần như mọi người, trong khi Silver Surfer (Người lướt ván bạc) lại phải một mình gánh lấy toàn bộ vấn đề rắc rối của vũ trụ. Vậy đặc thù đầy cá tính của Marvel này sẽ ra sao dưới sự điều hành của một tập đoàn giải trí “tất cả trong một” như Disney hiện nay?

Cuộc mua bán đã tạo nên một làn sóng lo ngại toàn cầu. Thế nhưng Marvel đã ngay lập tức trấn an các đọc giả trung thành. Tổng biên tập Joe Quesada viết trên trang Twitter cá nhân: “Mọi người hãy hít một hơi thật sâu, tất cả các tập truyện tranh yêu thích của các bạn sẽ được giữ nguyên không đổi”. Biên tập và tác giả CB Cebulski nói thêm: “Cuộc sáp nhập giữa Disney và Marvel là một điều RẤT TỐT đối với chúng ta”.

Cuộc sáp nhập này càng củng cố một sự thật hiển nhiên đang diễn ra tại Hollywood trong suốt 10 năm qua, đó là các siêu anh hùng đang là những người kiếm tiền hiệu quả nhất. Phần 2 của loạt phim Terminator đã chứng minh công nghệ CGI (kỹ xảo vi tính) có thể hiện thực hóa sự sáng tạo của bất cứ tác giả nào. Và cho đến nay, với việc Spider-man, X-Men, Fantastic Four và Iron Man lần lượt bước lên màn bạc, Marvel đã trở thành đơn vị hưởng lợi nhiều nhất từ đề tài này. Và trong ít nhất 10 năm tới, đề tài siêu anh hùng vẫn sẽ tiếp tục thống trị màn ảnh rộng trên phạm vi toàn cầu.

Disney ngày nay rất khác so với những năm 60 của thế kỷ trước khi hãng phim này chuyển thể nhân vật gấu Winnie của AA Milne thành loạt phim dễ thương nổi tiếng toàn cầu. Điển hình của sự khác biệt này chính là mối quan hệ giữa Disney và Pixar.

Vào năm 2006, khi Disney mua lại Pixar, cũng đã rộ lên nhiều lo ngại rằng chú chuột Mickey sẽ nuốt chửng chiếc đèn bàn Pixar, và phong cách làm phim độc đáo của Pixar sẽ không thể tiếp tục tồn tại. Thế nhưng Disney đã rất đúng đắn khi không ra tay “giết hại” chú gà đang đẻ rất nhiều trứng vàng, và kết quả là Pixar vẫn tiếp tục làm ra được những bộ phim kinh điển như Wall-E và gần đây là Up. Thậm chí John Lasseter, người đứng đầu Pixar trước đây, giờ đã lãnh đạo cả bộ phận phim hoạt hình của Disney.

Chắc chắn Disney hiểu rất rõ một điều, quyền lực càng cao, thì trách nhiệm cũng càng phải lớn và dĩ nhiên đi kèm với nó là rất nhiều lợi nhuận.

Trần Việt (Theo Telegraph)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm