Khắc sâu tình hữu nghị Việt – Lào vào... đá

04/10/2012 07:38 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - “Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một Trại sáng tác điêu khắc ở nước bạn Lào. Vì vậy nó có ý nghĩa rất lớn trong việc giao lưu và khẳng định Văn hóa – Nghệ thuật nước nhà với nước bạn ” - Nhận định của Ông Lê Khánh Hải - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam - khi tới thăm Trại điêu khắc: Tình Hữu Nghị Việt Nam – Lào (Chương Mỹ, Hà Nội), vào sáng 3/10/2012.

Nằm trong chuỗi những sự kiện kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (1962 – 2012) và 35 năm ký hiệp ước hợp tác Hữu nghị toàn diện Việt - Lào (1977 – 2012). Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào đã lên kế hoạch và từng bước thực hiện đề án Trại sáng tác điêu khắc: Tình Hữu Nghị Việt Nam - Lào.

Được khai trương vào đầu tháng 8/2012, Trại sáng tác điêu khắc sẽ hoạt động trong 4 tháng ở Việt Nam để hoàn thành những bước cơ bản cho 15 tác phẩm. Sau đó các bức điêu khắc sẽ được vận chuyển sang Lào để hoàn thiện những bước cuối cùng và đặt bệ trưng bày trong khuôn viên trường Nghệ thuật Quốc gia tại Thủ Đô Viêng Chăn – Lào.


Tham gia Trại sáng tác có sự góp mặt của 10 nghệ sĩ Việt Nam và 5 nghệ sĩ của Lào. Tuy nhiên do không có chất đá tốt và điều kiện làm nên 5 nghệ sĩ của Lào đã gửi bản thảo sang và nhờ các nghệ sĩ Việt Nam giúp đỡ. Khi nhận được bản thảo, qua trao đổi và thống nhất với các nghệ sĩ Lào, các nghệ sĩ Việt Nam đã điều chỉnh một số chi tiết trong bản thảo cho phù hợp với những quy chuẩn của điêu khắc.

Chất liệu để làm tác phẩm chủ yếu là đá xanh (được vận chuyển từ Thanh Hóa ra). Mỗi khối đá thô có chiều cao hơn 2m và khối lượng lên tới gần 10 tấn. Từ khối đá ấy, các nghệ sĩ sẽ thể hiện ý tưởng của mình sao cho phù hợp nhất. Khi thực hiện phác thảo xong, tác phẩm sẽ có màu như xi măng. Bởi thế ở khâu cuối cùng, các nhà điêu khắc sẽ có những kỹ thuật riêng để tạo lại màu của đá tự nhiên. Nhà điêu khắc Vương Ngọc Báo cho biết: “Đây là bước mang tính quyết định, nếu sai một chút thì coi như tác phẩm hỏng”.

Chủ đề của các tác phẩm được các nhà điêu khắc tập trung làm nổi bật tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Các nghệ sĩ cho biết khó khăn khi thực hiện những tác phẩm là bên phía bạn yêu cầu những bức điêu khắc phải mang tính hiện thực, trong khi các sáng tác của Việt Nam lại thiên về trừu tượng và trang trí. Chính vì vậy các nhà điêu khắc phải cân nhắc rất kỹ khi lên ý tưởng.

Điêu khắc gia với tác phẩm đang trong quá trình hoàn thiện của mình

Tác phẩm Hữu nghị của nhà điêu khắc Lê Ngọc Hân lấy hình tượng con voi (biểu tượng của nước bạn Lào) làm hình tượng chủ thể. Ở chính giữa là hình ảnh hai em bé Việt Nam và Lào vui tươi dưới lá cờ của dân tộc. Phía dưới có những dòng chữ Lào uốn lượn: Thủy chung – Hòa bình – Hữu nghị. “Tôi thấy chữ Lào có khả năng biểu tượng cao hơn, nhìn vào đấy có cảm giác như đang ngắm nhìn những cô gái Lào múa điệu Lăm Vông” – nhà điêu khắc chia sẻ.

Tác phẩm Đôi bờ của nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thức lại thể hiện hình tượng mầm ngô và đậu hút nước từ một mạch nước, tượng trưng cho 2 dân tộc Việt - Lào cùng chung một dòng sông Mêkông.

Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – cho biết do các nghệ sĩ Lào gửi bản thảo sang muộn nên tới thời điểm này các tác phẩm của Việt Nam đã thực hiện được hơn 60% quá trình, trong khi các tác phẩm của Lào mới đạt khoảng 30% công việc. Ông cũng tin tưởng rằng từ nay tới tháng 12 các tác phẩm sẽ cơ bản hoàn thành để vận chuyển sang Lào.

Sự tin tưởng ấy được ông căn cứ trên tinh thần làm việc hăng say và trách nhiệm cao của các nhà điêu khắc Việt Nam. Nhà điêu khắc Lê Ngọc Hân tuy tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn tình nguyện ngủ lại nhiều ngày ở trại sáng tác. Nhà điêu khắc còn vui vẻ trả lời: “Tại tôi thích ở du cư, và cũng bị nghiện cái vị của mùn đá mất rồi. Vả lại làm cho nước bạn Lào nên phải gắng hết sức mới thấy thỏa lòng”. 



Tác giả Nguyễn Phú Cường (mũ tai bèo) giới thiệu về tác phẩm của mình tại trại sáng tác

Còn nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường lại tự tay thực hiện tác phẩm từ những mũi đục đầu tiên tới khi gần hoàn thiện mà không nhờ đến bất cứ sự giúp đỡ của thợ. Bởi với ông tác phẩm có nhiều chi tiết chỉ tác giả mới nắm được và thể hiện đầy đủ cái thần ấy, nếu để thợ làm sẽ không được như ý. Nhà điêu khắc cũng nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên các tác phẩm điêu khắc của Việt Nam được trưng bày ở nước ngoài nên chất lượng tác phẩm phải được chú trọng, có như vậy mới giữ được uy tín của giới điêu khắc Việt với bạn bè quốc tế.

“Nhìn các nghệ sĩ tỉ mỉ đục từng góc cạnh của phiến đá mới thấm hết được giá trị của những bức tượng” - bày tỏ của ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế. Ông cũng mong muốn các nghệ sĩ Việt Nam sẽ cố gắng để hoàn thiện những tác phẩm của mình và giúp đỡ những tác phẩm của nghệ sĩ nước bạn.

Thanh Le

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm