Jazz vàng (Bài kết): Jazz luôn vàng nơi ấy!

19/08/2010 07:14 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Câu “âm nhạc không biên giới” hay “thế giới phẳng” cho các nhận định liên quan đến sự giao thoa kết hợp e rằng dễ dàng thành ra sáo ngữ và đôi khi là dễ dãi. Ngày nay, rất dễ liệt kê ra những cái tên “có yếu tố” châu Á đang làm mưa làm gió hay là làm… nóng sân khấu âm nhạc khắp nơi trên thế giới, ở đủ mọi thể loại từ cổ điển đến hip hop, từ pop rock đến heavy metal, từ nhạc đương đại, nhạc kịch cho đến... jazz.

Ấn tượng tinh tế


Sadao Watanabe: Một trong những đại thụ jazz ở Nhật Bản và được nể trọng tại Tây phương

Vốn là món đặc sản nguyên gốc của những nghệ sĩ Mỹ gốc Phi – nhưng khi được chính những nghệ sĩ châu Á trình diễn, jazz trở thành “jazz vàng” - cách chơi chữ vui thể hiện một cách hơi tinh nghịch sự “trái khoáy” khi chứng kiến những nghệ sĩ da vàng thả hồn vào những tiết điệu ngẫu hứng nhưng cũng không hề kém phần tinh tế. Ngay tại đất Mỹ, những nhà phê bình còn kê ra hẳn một trào lưu Asian American Jazz (tạm dịch jazz Mỹ gốc Á) để chỉ về một nhánh jazz đặc trưng do các nghệ sĩ châu Á sáng tác và trình diễn, tất nhiên với những chất liệu lẫn âm thanh đặc trưng đậm đà bản sắc. Dẫu những người châu Á đã bắt đầu trình diễn jazz kể từ khi dòng nhạc này ra đời, nhưng sự xuất hiện ồ ạt của những nghệ sĩ gốc Á tại bờ Tây nước Mỹ vào thập niên 70, đầu 80 mới chính thức đánh dấu sự ra đời của nhánh âm nhạc này, với các tên tuổi như Francis Wong, Glenn Horiuchi, Mark Izu, Fred Ho, nhóm jazz fusion tiên phong Hiroshima, dàn giao hưởng Mỹ Á của Anthony Brown (đề cử cho giải Grammy năm 2000 phần Trình diễn thể loại Big Band xuất sắc nhất cho bản thu Tổ khúc viễn Đông của Duke Ellington và Strayhorn).


Qua thời gian, những nghệ sĩ châu Á đến từ Philippines, từ Ấn Độ, thậm chí Iran dần kế tục lớp đàn anh, vốn hầu hết là những nghệ sĩ gốc Trung Quốc hoặc Nhật. Gần như theo quán tính, các nghệ sĩ này mang vào jazz những nhạc cụ 100% châu Á như đàn shamisen, kèn suona, trống taiko như là cách chứng minh sự hiện diện của mình mạnh mẽ nhất và cũng dễ dàng nhất. Hẳn nhiều người chẳng lạ cô ca sĩ Norah Jones, tên đầy đủ là Geethali Norah Jones Shankar. Họ Shankar của cô không ai khác hơn chính là của Ravi Shankar lừng danh, một trong những nghệ sĩ châu Á (ông là người Ấn) và là một đại sư đàn sitar có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất, ông cũng là người đã khơi gợi xu hướng kết hợp chất liệu Ấn vào nhạc pop những năm 60 và 70 mà rõ nét nhất phải nhắc đến tiếng sitar nỉ non của George Harrison nhóm Beatles trong bản Norwegian Wood quen thuộc. Cô con gái tài năng này với album đầu solo đầu tay Come Away with Me năm 2002 đã khiến cả thế giới xao động bằng sự kết hợp tài tình giữa jazz và các chất liệu đa dạng từ acoustic pop, country, đến folk và cả soul, cộng với chất giọng mượt mà đầy mê hoặc của cô. Với hơn 22 triệu đĩa bán ra trên toàn cầu, Come Away with Me trở thành đĩa jazz thành công nhất trong lịch sử, giành danh hiệu Album của Năm, Thu âm của Năm, Ca khúc của Năm, đánh bại cả kỷ lục tuyệt tác của Miles Davis, album Kind of Blue năm 1959.

Thế giới muôn màu

Những ai yêu văn học Nhật Bản hầu như khó có thể bỏ qua cái tên Haruki Murakami cùng “mùi” jazz rõ nét, thậm chí đôi lúc đậm đặc trong hầu hết các tác phẩm của ông, từ truyện ngắn cho đến tiểu thuyết, và cả phong cách ngẫu hứng đặc trưng. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên khi Nhật là một trong những quốc gia có bối cảnh nhạc jazz sôi động bậc nhất châu Á, với những tên tuổi lâu đời như pianist lừng danh Toshiko Akiyoshi với 14 đề cử Grammy; cây trumpet cực kì sáng tạo Tiger Okoshi, hiện là giảng viên tại trường nhạc uy tín Berklee, hay cây saxo đại thụ Sadao Watanabe với một sự nghiệp đáng nể. Mới hơn, có thể kể đến Chie Ayado, cái tên không khỏi quen thuộc với người nghe trong nước, hay “ngôi sao trẻ” Hiromi Uehara với một thứ jazz đầy bất ngờ và tinh xảo. Khi lần đầu nghe giọng Chie cất lên, nếu chưa trông thấy vóc người nhỏ nhắn của bà, hẳn người nghe sẽ hình dung một quý bà da màu khổ lớn đang giành chỗ với cây piano mà tâm sự.


Norah Jones, một giọng ca jazz gốc Ấn khá nổi tiếng hiện nay
Yếu tố bản địa, như đã đề cập, dường như là một đặc điểm nhận dạng của các nghệ sĩ jazz vàng này, song sắc độ có thể nhiều ít khác nhau. Trường hợp Charmaine Clamor, giọng ca Philippines, quyết định tìm tòi cách kết hợp nhạc dân gian và nhạc cụ truyền thống của quê hương với chất jazz và blues của Mỹ để tạo ra “Jazzipino” dễ khiến ta liên tưởng đến biểu tượng guitar Nguyên Lê vẫn thường xuyên được nhắc đến như một con thoi đi lại giữa nhạc truyền thống Việt Nam và những thể loại âm nhạc khác trên nền tảng là jazz để cho ra đời các sáng tác đậm đà bản sắc.

Riêng ở Việt Nam, với đặc thù phát triển văn hóa, phong trào nhạc jazz chỉ mới được khởi xướng trong khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây, tuy nhiên chủ yếu vẫn chỉ phổ biến trong một lớp người nghe “sang trọng” số ít và phụ thuộc nhiều vào những tên tuổi ít ỏi như cha con Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc, Tuyết Loan, Trần Mạnh Tuấn, Trần Anh Dũng... Gần đây, nỗ lực phát triển nhạc hi-end tại Việt Nam của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải cũng đã cho ra những sản phẩm jazz đáng nghe như album Shadow in the DarkSundance. Và đã nói đến jazz Việt, cũng không thể bỏ qua một hiện tượng thú vị khác khi tồn tại một lớp nghệ sĩ jazz người nước ngoài vẫn hàng đêm diễn tại các tụ điểm văn hóa cao dành cho người nghe Việt ở cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Thể theo nhu cầu thị hiếu của người nghe Việt, họ sẽ chơi xen kẽ những tác phẩm kinh điển của nước ngoài song song với việc thổi hồn jazz vào những ca khúc Việt Nam bất hủ của những nhạc sĩ tài danh như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Văn Phụng...

Với ai hay sục sạo tìm kiếm những album nhạc Việt “lạ”, những cái tên như live jazz trio/quartet Peter Zak (album Purple Refrain và album More Than Love), saxophonist Dave Tidball (album Saigon-San Francisco và album Sweet Obssesion), guitarist Leon Leber (album Falling Autumn), pianist Harold Mann (bộ album Half Moon Dream) và pianist Sasha Alexeev (album Velvet Rain) chính là những kho báu nho nhỏ để khám phá, khi hầu hết chúng đều gồm những bản phối jazz mới lạ của những ca khúc Việt nổi tiếng. Bất luận động lực sâu xa đằng sau những album này, nó cũng góp phần nối nhịp cầu giúp nhạc Việt và jazz trở nên ngày càng gần gũi hơn. Khi người da vàng chơi nhạc da màu, thì việc người da trắng nâng niu những bản nhạc da vàng trên một thể loại đặc trưng da màu là phóng chiếu chân thực nhất của tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong từng ngóc ngách một thế giới “muôn-màu”.

Du Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm