Hương vị kịch Bắc còn chinh phục khán giả phương Nam?

12/12/2013 15:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 16/12/2013 đến 12/1/2014, Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) sẽ có 15 suất diễn tại Nhà hát Thành phố và Nhà hát Quân đội (tại TP.HCM), trong chương trình lưu diễn mà họ đã mất khoảng 8 năm để chuẩn bị. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm 35 năm thành lập (1978 - 2013) Nhà hát Tuổi trẻ và tưởng niệm 25 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ.

Nhìn vào logo của các nhà đồng hành như BIDV, BSH, PVFCCo, PV GAS, Collagen Việt Nam, PV Drilling, Vietnam Airlines… có cảm tưởng không quá nhiều áp lực trong đợt Nam tiến lần này. Ngoài thương hiệu Đời cười, họ còn có những gương mặt hút khách như NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Khuê, Sĩ Tiến, Mai Huê, Bá Anh, Thanh Dương, Thùy Dung…; đặc biệt hai “bảo bối” là Lời thề thứ 9 Mùa Hạ cuối cùng của Lưu Quang Vũ. Thế nhưng tình thế không đơn giản như vậy.



Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ là một bảo bối của chuyến lưu diễn

Cách mặt có cách lòng?

Trên báo TT&VH Cuối tuần gần đây, NSƯT Chí Trung (PGĐ Nhà hát Tuổi trẻ) từng ẩn dụ về phong vị kịch Bắc/Nam: “Phở là phở, hủ tíu là hủ tíu, không cái nào ngon hơn cái nào cả. Khác chăng, phở Bắc thì dành cho người Bắc, còn hủ tíu thì dành cho người Nam, thế thôi!”. Anh còn tự tin nhắc lại tại buổi họp báo sáng 10/12 rằng có khoảng 2 triệu người gốc Bắc đang sinh sống tại TP.HCM, họ sẽ là điểm tựa chính, bên cạnh đó là sự yêu thích cái mới, cái khác của người miền Nam.

Sự quyết tâm, lạc quan này rất cần để đưa vài chục con người đi lưu diễn cả tháng trời. Nó có thể đến từ mấy lý do: Thứ nhất, do dịp kỷ niệm lớn và được sự đồng hành của các nhãn hiệu mạnh, họ không đơn độc. Thứ hai, 8 năm trở về trước, Đời cười và phong cách kịch Bắc từng hút khách tại TP.HCM, dư âm hy vọng vẫn còn. Thứ ba, nói như NSƯT Trương Nhuận (GĐ Nhà hát Tuổi trẻ) thì hoạt động này không chỉ để kỷ niệm, mà quyết tâm mở lại hoạt động lưu diễn hàng năm mà vì nhiều lý do họ đang bị đứt quãng.

NSND Hồng Vân (Kịch Hồng Vân), anh Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF) và vài sân khấu khác đều lấy làm vui vì sự hiện diện của Nhà hát Tuổi trẻ. “Đây là dịp để khán giả miền Nam được đổi món, các diễn viên trẻ và sinh viên ngành sân khấu đi xem để tích cóp thêm kinh nghiệm, chiêu trò cho mình. Hơn nữa, tôi tin không có ai mong họ thất bại, vì như vậy chỉ thêm thiệt thòi cho khán giả, chứ thị phần bán vé nói chung vẫn vậy thôi. Tôi chẳng hề thấy sự cạnh tranh ở đây”, Hồng Vân cho biết. Tất nhiên có một, hai ý kiến khác lo rằng 8 năm cách mặt sợ khán giả đã cách lòng, vì thị hiếu bây giờ “lạ lắm”, tấu hài đã khó sống, mà chính kịch, bi kịch càng khó sống hơn.

Kịch phía Nam đang “khó”

Mùa mưa thất thường vừa qua đã đẩy nhiều sân khấu tại địa bàn TP.HCM vào thế kẹt, nhiều suất diễn thưa thớt người xem. Hơn nữa, có lẽ điều then chốt là các sân khấu đang thiếu vở diễn tạo điểm nhấn, trong khi các trò chơi và phim truyền hình đã bào mòn hết thời gian, sức lực của nhiều đạo diễn, diễn viên có tiếng trên sân khấu. Khán giả đang lơ là, chẳng biết Nhà hát Tuổi trẻ xuất hiện có giúp xốc lại tình thế?

Thời gian vừa qua Kịch Hồng Vân phải mở thêm nhiều “hạng mục” để tìm cơ hội mới như việc “thầu diễn xuất” các phim và chương trình truyền hình; đưa kịch đến tận nhà trường; đang rục rịch một tour diễn tại Hà Nội và vài tỉnh khác. Tháng 3/2014, nếu không có gì thay đổi thì Kịch IDECAF sẽ có mặt tại Đà Nẵng với một số suất diễn. Kịch Bệt chuyển địa chỉ về mô hình vừa vặn, ít tốn kém hơn. Kịch Lê Hay cũng phải chạy show cho thiếu nhi ở các trường. Sân khấu - Cinema Sao Minh Béo phải làm kịch tạp kỹ để tìm lượng khán giả mới. Trong bối cảnh này, chuyến lưu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ vừa là cơ hội, vừa là thách thức, mà ai cũng muốn họ thắng lợi.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm