Hội thơ làng Chùa: Những đường cày tươi mới của thơ

18/03/2012 07:43 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Suốt cả tháng nay, cái tin làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) trao giải cuộc thi thơ đã thành cơn “sốt” trong các trang web văn học và cộng đồng cư dân mạng.

Đúng ngày khai hội thơ, sáng qua, 17/3, ngay từ sáng sớm đã thấy đông đảo quan khách, phóng viên báo chí, người yêu thơ, vây kín xung quanh sân đình làng Chùa.


Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, giải Nhất thơ Làng Chùa

Đốt lửa sưởi ấm và đọc thơ

Hiếm có một cuộc thi nào mà các tác giả đạt giải lại về đông đủ như hội thơ làng Chùa. Những người nông dân còn mặc nguyên quần áo lội đồng, đầu đội nón, chân vẫn lấm bùn nhưng hả hê tay bắt mặt mừng chỉ lên từng tấm biển thơ của làng và thuyết minh cặn kẽ như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Cả góc làng râm ran chuyện bút nghiên. Rất nhiều “pha” níu áo nhau đọc thơ và ký tặng đầy chất lãng mạn bên những cây bàng trập trùng lá đỏ, bên lớp lớp hoa xoan đang độ duyên tình. Và mưa Xuân vẫn phơi phới một màu phấn óng ánh trên nhánh tóc của những cô gái làng Chùa.

Sau gần một năm phát động, cuộc thi Thơ ca và nguồn cội lần thứ hai do Hội thơ làng Chùa đã nhận được 6.372 bài thơ dự thi. Một con số ấn tượng, người nhiều tuổi nhất dự thi đã hơn 80 tuổi, người gửi bài dự thi nhiều nhất là 60 bài. Khá thú vị khi tác giả Lê Xuân Hiệp – người làng Chùa, đang là sinh viên trường Đại học Văn hóa đã đoạt giải ba trong cuộc thi thơ lần này. Thầy trò khoa Viết văn cũng đã “kéo quân” về gần hai chục người để chúc mừng bảng nhãn… làng.

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, một cô giáo đến từ Tây Nguyên, người chỉ gửi một bài dự thi với tên gọi Nơi ngày Đông gió thổi đã đoạt giải Nhất với số phiếu gần như tuyệt đối. Trong buổi lễ, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy đã xúc động nghẹn ngào. Chị cho biết đã vượt qua một quãng đường hơn 1.500 km để về với làng Chùa từ đêm trước lễ trao giải, cùng với các tác giả đạt giải Nhì, giải Ba là Trần Đăng Huấn, Nguyễn Giúp và Đỗ Thượng Thế. Cả đêm mọi người đều có cảm giác thân thuộc như đang sống trong chính ngôi làng của mình. Họ đã ngồi bên những người nông dân làng Chùa, với nghệ sĩ Lương Tử Đức và một nhóm bạn trẻ cùng đốt lửa sưởi ấm, đọc thơ, hát chèo, uống rượu gạo, ăn bánh tẻ, oản xôi chấm mật mía thơm lừng. Bây giờ chị thấy mình như những người công dân - nông dân làng Chùa chính hiệu, dù chẳng có một nghi thức kết nạp long lanh, hoành tráng nào.

Tuy là cuộc thi thơ của cấp thấp nhất trong địa giới hành chính quốc gia, nhưng Ban giám khảo lại là những nhà thơ, nhà lý luận phê bình tên tuổi hàng đầu trên văn đàn hiện nay. Qua trao đổi, nhà thơ Mai Văn Phấn đến từ Hải Phòng cũng cho rằng cuộc thi đã phát hiện nhiều giọng điệu mới mẻ và bất ngờ, ngôn ngữ thơ ca và ngôn ngữ đời sống đã hòa lẫn, chừng mực nào đó đã kích hoạt và phát sóng lộ trình cách tân của thơ dù mới chỉ là những đường cày tươi mới.

Cuộc thi chỉ là cái cớ để mọi người cùng bước đến nắm tay nhau chia sẻ về nguồn cội, về những gì yêu thương và thiêng liêng trong huyết quản thường hằng. Với người làng Chùa có lẽ chẳng còn gì hạnh phúc hơn khi họ ngồi xuống, an nhiên bên những bờ ruộng viết những câu thơ chân thành về mảnh đất sinh dưỡng. Mảnh đất, nơi mỗi người sinh ra và lớn lên mãi mãi là báu vật trong tâm hồn những người nông dân mộc mạc làng Chùa, nơi họ vun trồng và cày cấy trên cánh đồng thời gian miên viễn từ đời này qua đời khác.

Một biểu tượng văn hóa


Lê Xuân Hiệp, chàng sinh viên người Làng Chùa đoạt giải Ba

Cuộc thi Thơ ca và nguồn cội đã kết thúc, mỗi người lại trở về với những mưu sinh tất tưởi đời thường. Nhưng trong tâm trí, cái làng nghèo ven sông Đáy ở đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Đó là sợi dây nối kết tình người, tình đời và cộng cảm trong giao ước tận cùng về tâm hồn, về cái đẹp, cái thiện trong một thế giới vô chừng đầy biến ảo. Những người thơ đến làng Chùa, dù từ nhiều vùng đất khác nhau, mang nhiều cái tên khác nhau, nhưng cùng đập một nhịp, cùng một giọng nói, hơi thở để cùng lóe sáng những khoảnh khắc kỳ diệu nhất của đời người - khoảnh khắc thi ca trong tình yêu tiên tổ, cội nguồn.

Nhà thơ Y Phương - Trưởng Ban giám khảo cuộc thi vẫn nấn ná khi ra về trước khu vườn tuổi thơ bên ngôi nhà cổ ba gian của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Chợt thấy ông cầm bút viết vào sổ tay mấy chữ “ca tư tụ, lạc thả thần” (nơi vui hát mãi mãi) vào trong sổ tay trước cửa ra vào và chắp tay trước mái ngói âm dương thì thầm... mơ ước “Chúng tôi trộm nghĩ, từ nay, làng Chùa sẽ trở thành một địa chỉ thơ Sạch trên phạm vi toàn quốc, thậm chí khắp toàn cầu”. 

Ngày mùa

“Sau ít ngày nắng

Những thửa ruộng mấy chốc cũng vàng rực chân trời

Ngày mùa về

Lại thương

Dáng mẹ ngoài đồng gặt, đập, sàng, sảy…

Dáng cha lại còng hơn cho đường cày mẩy đất để hạt thóc mùa sau thêm trĩu nặng…

Dáng bà lưng còng bát cơm xới hai lần chưa đầy đã vội bỏ lại chạy đua với ông trời, với cơn giông gió hay những cơn mưa bất chợt trưa hạ

Lại thương”

(trích bài thơ Ngày mùa - Lê Xuân Hiệp, Giải Ba)

GIẢI THƯỞNG CUỘC THI THƠ CA VÀ NGUỒN CỘI LẦN THỨ HAI

Giải Nhất: Đinh Thị Như Thúy với Nơi ngày Đông gió thổi

Giải Nhì:

1. Trần Đăng Huấn với Thổ thần Người mẫu ảnh bên lề đường lá đổ

2. Nguyễn Giúp với Gò Nổi Nhà ngoại tôi trăng lên

Giải Ba:

1. Đỗ Thượng Thế với Niệm sông Viết theo nhát cuốc của chị

2. Lê Xuân Hiệp với Bà ơi, Ký ức Ngày mùa

3. Phạm Vân Anh với Người đàn ông trên biển Tây Nam Nói với con về quê hương

Giải Tư:

1. Trần Huy Minh Phương với Ký ức cánh đồng Hát bên dòng sông mẹ

2. Nguyễn Hoài Nhơn với Làng núi Phập phồng bong bóng

3. Hàn Thủy Giang với Đêm thu, Trở lại Một

4. Nguyễn Ngọc Tung với Huyền thoại cái đấu của mẹ Nụ mồ hôi

5. Đặng Quang Vượng với Cao nguyên đá khát Con gái Mông

6. Nguyễn Hồng Công với Giếng làng

7. Đặng Cương Lăng với Chị tôi

8. Nguyễn Lâm Cẩn với Mắt xưa Đêm còn đang ở…

9. Bàn Hữu Tài với Những mùa Đông xưa

Lãng Ma

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm