Học giả Học Phi: Văn chương, sân khấu và tuổi già…

02/08/2012 14:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Giữa những ngày mưa bão, hiếm hoi gặp được buổi chiều quang đãng, rất nhiều năm rồi, học giả Học Phi luôn chọn chỗ ngồi bên bàn ăn, đối diện với khung cửa sổ tràn đầy ánh sáng. Luồng trắng bạc từ bên ngoài phủ lên ông một lớp voan mỏng, làm tôi, khi ngồi cạnh ông, bất giác thấy thân thể ông bừng nắng, nhất là lúc ông kể những chuyện viết xưa.

“Tôi là cán bộ chính trị được Đảng đào tạo thành người viết văn, viết kịch”, học giả Học Phi cho đến giờ vẫn nhắc lại câu nói đã từng viết trong cuốn hồi ký Tôi viết kịch (NXB Sân Khấu, 2009) trước khi bắt đầu câu chuyện về đời văn, đời người của mình.

Đọc tiểu thuyết Pháp - chặng đầu đường văn nghiệp

Học giả Học Phi

“Năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp thắng lợi, ở Việt Nam, tù chính trị được thả nhỏ giọt. Tôi về “an trí” tại quê Hưng Yên. Gọi “an trí”, kỳ thực là hình thức giam lỏng. Bố con, anh chị em đến nhà nhau chơi, hay ra khỏi làng, đều phải xin phép, và phải được sự đồng ý của lý trưởng”.

Vì gia đình khá giả nên không phải làm gì, loanh quanh mãi trong nhà cũng chán, ông tập viết văn mà không biết bắt đầu thế nào. Một lần xuống tỉnh, đến nhà người bạn thân, là nhà buôn và có một tủ sách chứa nhiều tiểu thuyết Pháp. Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà, Những đứa con thành Paris… là các cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà ông đọc. Ông đọc nguyên bản tiếng Pháp. Không có đèn dầu, ông căng mắt đọc từng dòng dưới ánh trăng, nhiều khi còn thổn thức khóc thương các nhân vật trong tiểu thuyết.

Khi nhìn các cuốn sách tiếng Pháp dày trang để trên chiếc giá sách đã bạc màu sơn cũng như bàn làm việc của học giả Học Phi, tôi hiểu đời ông đã đọc rất nhiều văn chương Pháp. Sách mở ra những thế giới mới, gợi cho ông nhiều tứ sáng tạo, kích thích ông viết. Một nhà văn bắt đầu với đường văn nghiệp của mình, nhiều khi, bắt đầu từ việc đọc và ham đọc.

Nhớ lại khi còn trong tù, một lần có đóng kịch cùng với ông Nguyễn Văn Năng vở Hai làn sóng ngược, về một cô gái kén chồng, mấy anh đến dạm hỏi đều từ chối, chỉ thích lấy công nhân, ông chuyển thể thành truyện dài Hai làn sóng ngược. Nhân vật trong truyện dài này, ông dựa trên những người bạn đã sống chung và cùng tham gia cách mạng.

Vừa viết xong, cũng là lúc ông được hủy chế độ “an trí”, chuyển về công tác tại Hà Nội. Ngay lập tức, ông vào Sở Văn hóa, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Vào thời gian này, nhà văn - nhà hoạt động cách mạng Trần Huy Liệu đến nhà chơi. Hai anh em bỏ mấy xu mua đĩa lòng lợn và chút rượu nhâm nhi. Nhân lúc hàn huyên, Học Phi đưa Hai làn sóng ngược cho bậc đàn anh của mình đọc. Được nhà văn Trần Huy Liệu khen: “Có tính chất xã hội lại mang hơi hướng Tự Lực Văn Đoàn”, ông thấy phấn khởi lắm.

Năm 1938, Hai làn sóng ngược được in dài kỳ trên báo Tiếng Trẻ, nhưng chỉ in được 5 số thì tờ báo bị đóng cửa (do viên Thống sứ Bắc Kỳ buộc phải đề nghị rút giấy phép xuất bản vào tháng 12).

Nhà văn Trần Huy Liệu cùng bạn bè cho ra tờ báo Tiểu thuyết thứ Năm, Học Phi được mời về làm biên tập viên kiêm thư ký tòa soạn, Hai làn sóng ngược được in lại qua 10 số thì tờ báo lại bị đình bản.


Các cuốn sách đã được xuất bản của học giả Học Phi

Con đường văn nghiệp

Con đường văn nghiệp của học giả Học Phi song hành với công việc của một kịch tác gia. Có những khi ông chuyển thể từ tiểu thuyết của mình sang kịch bản phim, kịch bản sân khấu, cũng như từng viết truyện dựa trên một vở kịch đã tham gia.

Trước những cuốn sách văn học cũng như kịch bản mà người nhà ông lấy từ trong tủ sách để giúp tôi có thêm tư liệu, đặt trước mặt ông và tôi, dù thời gian nộp lưu chiểu của nhiều cuốn đã xưa xa, nhưng vẫn còn sáng sạch tinh tươm không vết gấp hay hoen ố, chứng tỏ chủ nhân đã giữ gìn rất cẩn thận. Bàn tay gầy phủ đầy gân xanh của học giả run run khi chỉ lên những cái tên. Với từng tác phẩm, ông giới thiệu qua loa về hoàn cảnh xuất xứ, giải thưởng ông từng đạt được cho tôi hiểu rõ…

Nghe chừng đã thấm mệt, ông lịch sự cáo từ tôi rồi nhờ người nhà đẩy xe lăn vào giường và đỡ ông nằm xuống. Mái tóc bạc trắng, cặp mắt nhíu lại, vầng trán nhăn, dáng người nhỏ nhoi trong khoảng sáng bảng lảng từ ngoài hắt qua ô cửa kính là hình ảnh làm tôi nhớ mãi. Trước khi tôi rời khỏi phòng ngủ nhỏ, ông nắm lấy tay tôi, hẹn các buổi sáng sau, nếu rảnh thì ghé qua chơi. Tôi chúc ông luôn khỏe. Khi cánh cửa gỗ dày của căn hộ đóng lại phía sau, tôi cảm thấy như, rốt cuộc đời người có làm văn chương hay không đều phải trải qua tuổi già phai tàn như vậy cả.

Học giả Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, là thân sinh của nhà văn Hồng Phi và nhà văn Chu Lai.

Sinh ngày 18/2/1913 tại thôn Tam Nông, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, học giả Học Phi là nhân sự đầu tiên của Hội Văn hóa Cứu quốc và Đoàn văn công Trung ương.

Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I.

Các tác phẩm: Tiểu thuyết: Ngọn lửa, Hừng đông, Xuống đường, Bà đốc Huệ (sau chuyển thành kịch bản phim Âm vang Bãi Sậy), Cuộc đời về cuối, Đi tìm mái ấm gia đình.

Tập truyện ngắn: Đường về, Minh Nguyệt.

Kịch bản: Cà sa giết giặc, Chị Hòa, Một đảng viên, Ni cô Đàm Vân, Cô hàng rau…


Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm