Học giả An Chi: Về hưu non để 'Rong chơi miền chữ nghĩa'

26/10/2016 07:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành cùng lúc 3 tập dày hơn 1.500 trang Rong chơi miền chữ nghĩa của học giả An Chi. Bộ sách này được học giả An Chi viết từ năm 2007 đến nay đem đến cho độc giả nhiều điều thú vị về những câu chữ đang dùng hàng ngày nhưng chưa chắc chúng ta hiểu được “đúng ý gốc”.

Học giả An Chi được biết đến khi giữ chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến thức Ngày nay. Những năm đầu 1990 sau thời kỳ đổi mới, chuyên mục này trở thành “món ăn tinh thần” được nhiều người đón đọc.

Nhắc đến học giả An Chi, nhiều bạn đọc có thể đem tất cả các thắc mắc chưa biết hỏi ai về chữ nghĩa đến nhờ ông giải đáp. Chẳng hạn như trong tên khai sinh của người Việt, tại sao nam lót chữ “văn” còn nữ lót chữ “thị”? Bằng nghiên cứu của mình, An Chi chỉ ra rằng chữ “văn” tronng tên nam giới nằm trong “văn thân, nghĩa là “xăm mình”. Nam giới người Việt khi xưa có tục xăm mình để xua đuổi tà ma và cũng để thể hiện dũng khí và quyết tâm, như thời nhà Trần xăm chữ “sát thát” để quyết tâm đánh giặc ngoại xâm vậy.

Học giả An Chi

Chữ “văn” dùng để chỉ đàn ông xăm mình, theo thời gian đã thành chữ lót trong tên nhưng không cần xăn vằn vện nữa. Còn “thị” dùng để chỉ người phụ nữ đã trưởng thành trong giao tiếp hàng ngày chứ không trở thành chữ lót như hiện nay. Ví dụ Trần Thị A là cách nói để chỉ người đàn bà họ Trần tên A. Cách hiểu nguyên thủy về “văn” và “thị” này đã phai dần theo thời gian và “văn, thị” trở thành chữ lót trong giấy khai sinh nhiều người Việt.

Mọi dẫn chứng về từ nguyên của học giả An Chi đều có dẫn chứng, lý luận khoa học và cách trình bày hấp dẫn luôn hút độc giả. Thế nhưng, có nhiều lần ông tạm “bỏ cuộc” rồi “xới lại” câu chuyện khi thấy thích hợp. Điều này thể hiện thái độ bình tĩnh, cầu thị của một trí thức và cách ứng xử của người có tấm lòng.

Năm 2006, Nguyễn Huệ Chi có bài “Đôi điều thưa lại cùng ông An Chi” in trên Kiến thức Ngày nay số ra ngày 20/5. Lẽ ra, An Chi đã trả lời những vấn đề Nguyễn Huệ Chi đã nêu nhưng ông im lặng mãi đến năm 2011 mới “phúc đáp muộn màng”.

Lý do, trong bài viết của Nguyễn Huệ Chi có viện dẫn ý kiến của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, mà khi đó GS. Hạo đang lâm trọng bệnh và qua đời vào tháng 6/2007. Học giả An Chi không thể “xới lên” vấn đền khi người liên quan vừa qua đời và cả hai ông tên Chi đều là bạn của nhau lâu ngày.


Bìa cuốn "Rong chơi miền chữ nghĩa"

Tất nhiên, dù An Chi và Huệ Chi là bạn nhưng chân lý vẫn chỉ có một. Trong lĩnh vực “từ nguyên”, theo An Chi, mỗi từ/ngữ chỉ có một xuất xứ duy nhất như con chỉ có một người mẹ ruột vậy.

Lâu nay, nhiều người vẫn lầm lẫn khi cho rằng học giả An Chi là người cùng học với các trí thức Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Huệ Chi… Thực tế An Chi tên thật Võ Thiện Hoa, sinh năm 1935 tại Sài Gòn, năm 1955 ông vượt tuyến ra Bắc.

Kiến thức sâu rộng của An Chi khiến nhiều người nghĩ ông phải học hành trường lớp bài bản lắm. Thế nhưng ông chỉ học ở trường Sư phạm trung cấp Trung ương rồi đi dạy học cấp 2 (THCS) ở Thái Bình. Những năm 1966-1968 ông còn làm tạp vụ của trường Bồi dưỡng Cán bộ giáo viên tỉnh Thái Bình, rồi học nghề thợ nguội và dạy bổ túc văn hóa ở Hà Nội (1969-1972).

An Chi có thời gian phụ trách thư viện ở trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo đến tháng 8/1975 về Nam. Về Nam, ông công tác trong ngành giáo dục Q.1, TP.HCM đến năm 1984 về hưu non khi mới 49 tuổi. Theo cách ông nói là “về hưu non để đọc sách và nuôi chim kiểng chơi”.

Phải chăng nhờ về khi 49 tuổi để đọc sách mới có một học giả An Chi uyên thâm? Nhờ về hưu đọc sách chơi, ông phát hiện ra nhiều điều thú vị, chẳng hạn như ông thấy lỗi trong sách vở do người “đánh máy” gây ra rất nhiều.

An Chi ví dụ: “Tuy Từ điển Việt – Bồ – La của Alexandre de Rhodes là một quyển sách bổ ích cho việc nghiên cứu tiếng Việt của thế kỷ 17 nhưng có nhiều khiếm khuyết về ấn loát cũng như về nhận thức và kiến thức của chính tác giả.

Nhà từ nguyên học thời nay không thể gửi gắm lòng tin tuyệt đối vào những người thợ nhà in ở Roma cách nay 350 năm, vì những người này đã xếp sai phần tiếng An Nam trong Từ điển Việt – Bồ – La đến hàng trăm chỗ. Chính Alexandre de Rhodes đã cải chính những chỗ sai này nhưng vẫn để “lọt lưới” rất nhiều”.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm